Top

Giá đất ở Nhật Bản giảm lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua

Cập nhật 27/03/2009 10:25

Trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục lún sâu vào suy thoái, giá đất trung bình ở nước này đã giảm mạnh lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua. Theo thông báo ngày 23/3 của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) kể từ ngày 1/1/2009, giá đất ở các khu vực thương mại và khu dân cư đã lần lượt giảm 4,7% và 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia phân tích, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, bắt nguồn từ sự sụp đổ trên thị trường cho vay thế chấp dưới tiêu chuẩn ở Mỹ và hậu quả của nó là khủng hoảng tài chính, là nguyên nhân chủ yếu đẩy giá đất ở những thành phố lớn của Nhật Bản giảm mạnh, đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ tăng giá đất ở những khu vực này.

Suy thoái kinh tế đã tạo ra làn sóng các nhà đầu tư trong và ngoài nước rút vốn khỏi thị trường bất động sản Nhật Bản, trong khi tình hình kinh tế nước này tiếp tục ảm đạm khiến các doanh nghiệp và cá nhân không còn muốn tham gia vào lĩnh vực bất động sản.

Kết quả điều tra của MLIT cho thấy, sau khi tăng vào năm ngoái, giá đất thương mại ở các thành phố Sendai, Nagoya và Fukuoka đã giảm hơn 20%. Giá đất thương mại giảm mạnh nhất ở một khu vực thuộc quận Naka của thành phố Nagoya (28,4%), trong khi giá đất dân cư giảm mạnh nhất ở một khu vực ở quận Shibuya của thành phố Tôkyô (18,3%).

Giá đất đắt nhất tại thời điểm này là ở khu vực Ginza thuộc quận Chuo của thành phố Tôkyô (38,2 triệu yên/m2). Nguyên nhân khiến giá đất tại các thành phố lớn như Nagoya sụt giảm là do việc các nhà đầu tư bất động sản rút vốn khỏi thị trường, cộng với việc các nhà chế tạo công nghiệp địa phương (chủ yếu cung cấp sản phẩm linh kiện cho các hãng chế tạo ô tô) phải đi vào hoạt động cầm chừng, khiến giá đất tại thành phố Nagoya bị tác động mạnh. Trong khi đó, ở các khu vực nông thôn, giá đất thương mại trung bình giảm 4,2% và giá đất dân cư giảm 2,8%. Giá đất chỉ tăng ở 21 trong tổng số 24.000 vị trí mà MLIT tiến hành điều tra. Các vị trí này không thuộc 3 khu vực thành thị lớn nhất Nhật Bản là Tôkyô, Nagoya và Osaka.

Giới phân tích dự báo do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, số vốn đầu tư vào thị trường bất động sản suy giảm mạnh, nhất là ở các thành phố lớn. Vì vậy, giá đất có thể tiếp tục đứng ở mức thấp trong một khoảng thời gian nhất định, trong bối cảnh tỷ lệ văn phòng bỏ không đang gia tăng và nhu cầu thuê văn phòng vẫn thấp.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng