Cơ quan chức năng của Mỹ đã chính thức vào cuộc nhằm đưa hai tập đoàn đầu tư cho vay địa ốc lớn nhất nước này là Fannie Mae và Freddie Mac thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ.
Quyết định quan trọng này được bất ngờ đưa ra ngày 6/9, giữa bối cảnh "gọng kìm" khủng hoảng tín dụng - địa ốc tiếp tục khiến ngành tài chính Mỹ điêu đứng.
Nội dung kế hoạch
Bộ Tài chính Mỹ - dẫn đầu là Bộ trưởng Henry Paulson - sẽ là cơ quan đứng đầu kế hoạch giải cứu nói trên. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp quản, kiểm soát, giải tán ban giám đốc, và bơm vốn định kỳ vào Fannie và Freddie bằng cách mua lại cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi của hai tập đoàn này.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ còn mua lại hàng tỷ USD chứng khoán địa ốc mới do hai tập đoàn này phát hành.
Hiện chi phí của vụ giải cứu chưa được công bố chính thức, tuy nhiên, đây có thể là lần can thiệp lớn nhất trong lịch sử của Chính phủ Mỹ vào các doanh nghiệp đại chúng.
Cách đây 2 tháng, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết, để vực dậy Fannie và Freddie, cần phải chi khoảng 25 tỷ USD, nếu căn cứ trên số lỗ dự kiến của hai tập đoàn vào thời điểm đó.
Kế hoạch ngăn chặn sự đổ vỡ của Fannie và Freddie được đưa ra sau cuộc họp ngày 6/9 giữa ông Paulson, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke, Giám đốc cục Tài chính nhà đất Liên bang (FHFA) James Lockhart, CEO của Fannie là Daniel Mudd và CEO của Freddie là Richard Syron.
Cuộc gặp này được tổ chức gấp gáp sau khi một báo cáo của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley kết luận rằng Freddie và Fannie đã dùng các “thủ thuật” kế toán để “thổi phồng” mức vốn của họ nhằm đánh lừa thị trường về khả năng tài chính hiện tại của mình. Theo số liệu của hai tập đoàn, Fannie có 47 tỷ USD tiền vốn tính tới cuối tháng 6, so với mức vốn tối thiểu phải có là 37,5 tỷ USD. Trong khi đó, Freddie có 37,1 tỷ USD, so với mức vốn yêu cầu tối thiểu là 34,5 tỷ USD.
Kế hoạch này là bước tiến mạnh nhất của ông Paulson trong nỗ lực chặn lại cuộc khủng hoảng niềm tin của thị trường tài chính Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung đối với Fannie và Freddie, sau khi hai tập đoàn này thua lỗ 14,9 tỷ USD trong năm ngoái và giá cổ phiếu diễn biến theo đà rơi thẳng đứng.
Được biết, Bộ Tài chính Mỹ đã liên lạc với hai ứng cử viên tổng thống trong cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra là ông John McCain của đảng Cộng hòa và ông Barack Obama của đảng Dân chủ về kế hoạch nói trên. Cả ông McCain và ông Obama đều dành sự ủng hộ cho kế hoạch này. Đồng thời, hai ông cũng cho rằng, Bộ Tài chính Mỹ cần có những bước đi cần thiết để tránh đổ gánh nặng lên đầu những người phải nộp thuế ở Mỹ.
Trước khi đạo luật cho phép giải cứu Fannie và Freddie được Quốc hội Mỹ phê chuẩn hồi cuối tháng 7, ông Paulson cũng đã nhắc đi nhắc lại việc ông có thể sẽ không dùng tới tiền thuế của dân để vực dậy hai tập đoàn này.
Hồi tháng 3 vừa qua, Chính phủ Mỹ cũng phải can thiệp để ngăn chặn sự đổ vỡ hoàn toàn của tập đoàn ngân hàng đầu tư Phố Wall Bear Stearns và FED là cơ quan đứng ra dàn xếp để bán lại Bear cho JPMorgan Chase.
“Số phận” các nhà đầu tư
Theo luật pháp Mỹ, FHFA có quyền tiếp quản Fannie hoặc Freddie, còn đạo luật mà Tổng thống Bush ký phê chuẩn hôm 30/7 cho phép Bộ Tài chính Mỹ có quyền cung cấp tín dụng phi giới hạn hoặc mua lại cổ phần của hai tập đoàn này tới tận cuối năm sau.
Theo luật, trong trường hợp tiếp quản, các cơ quan chức năng phải nhằm mục đích duy trì tài sản của Fannie và Freddie, thay vì phát mãi những tài sản này.
Đầu tuần tới, FHFA sẽ công bố đánh giá mức vốn thực tế của Fannie và Freddie. Giới phân tích cho rằng, Bộ Tài chính Mỹ sẽ chỉ bảo vệ các cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi của Fannie Mae mà không bảo vệ các cổ đông nắm giữ cổ phiếu phổ thông.
Các ngân hàng và công ty bảo hiểm của Mỹ là những cổ đông lớn nhất nắm giữ cổ phiếu ưu đãi của Fannie và Freddie. Theo công ty phân tích Friedman Billings & Ramsey, giá trị thị trường của Fannie Mae tính theo giá cổ phiếu ưu đãi đã giảm 64% từ mức 21,73 tỷ USD xuống còn 7,87 tỷ USD trong tháng 8. Trong khi đó, giá trị của Freddie cũng giảm 61% từ mức 14,1 tỷ USD xuống còn 5,44 tỷ USD.
Giá cổ phiếu của Fannie và Freddie đang ở mức rất thấp. Ngay sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa ngày 5/9 và chuyển sang giao dịch điện tử, giá cổ phiếu của Fannie đã giảm 32% còn 4,79 USD/cổ phiếu, giá cổ phiếu của Freddie giảm 27%, còn 3,7 USD/cổ phiếu.
Giá trị vốn hóa thị trường của Fannie hiện chỉ còn 7,6 tỷ USD, so với mức 38,9 tỷ USD vào cuối năm ngoái. Giá trị của Freddie cũng chỉ còn 3,3 tỷ USD, so với mức 22 tỷ USD vào cuối năm 2007.
Các hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s và Moody’s đã đánh tụt hạng cổ phiếu ưu đãi của Fannie Mae và Freddie Mac xuống mức thấp nhất trong hạng đầu tư do lo ngại Chính phủ Mỹ sẽ không mở rộng kế hoạch giải cứu sang các loại chứng khoán do hai tập đoàn này phát hành.
Hiện 5.200 tỷ USD dư nợ của Fannie và Freddie đang được nắm giữ bởi các nhà đầu tư trên khắp thế giới, bao gồm các ngân hàng trung ương ở châu Á. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, có thể lượng nợ này sẽ được các cơ quan chức năng Mỹ bảo đảm.
Tập đoàn Pacific Investment Management quản lý quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới và nhiều nhà đầu tư lớn khác đã tỏ thái độ sẵn sàng đổ tiền vào Fannie Mae và Freddie Mac một khi Bộ Tài chính Mỹ bơm tiền của Chính phủ vào hai tập đoàn này.
Phác họa “chân dung” Fannie, Freddie
Là hai tập đoàn được nhà nước bảo trợ, Fannie được Chính phủ Mỹ thành lập năm 1938 như một phần trong chương trình Chính sách kinh tế mới của Tổng thống Roosevelt, còn “người em họ” Freddie ra đời năm 1970.
Do áp lực đối với ngân sách liên bang thời chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, Fannie đã bị tách khỏi Chính phủ và tiến hành IPO vào năm 1968. Freddie được thành lập với mục đích cạnh tranh với Fannie.
Chức năng chính của Fannie và Freddie là cung cấp nguồn tài chính cho các khoản cho vay mua nhà và tạo sự ổn định cho thị trường cho vay thế chấp và địa ốc Mỹ.
Hai tập đoàn này sinh lợi bằng cách mua các khoản vay cầm cố từ các ngân hàng và dựa trên danh mục nợ này phát hành chứng khoán, bán ra thị trường. Hiện Fannie và Freddie sở hữu hoặc bảo lãnh cho khoảng một nửa trong tổng số 12.000 tỷ USD tiền cho vay địa ốc ở Mỹ.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính - địa ốc đang diễn ra, Fannie và Freddie là một trong những chỗ dựa của Chính phủ Mỹ để vực dậy thị trường nhà đất.
Để làm được điều này, Fannie và Freddie hàng tháng phải bán ra hàng tỷ USD trái phiếu. Ở thời điểm giữa tháng 8 vừa qua, hai tập đoàn nắm trong tay lượng nợ cần phát hành trái phiếu tới cuối quý 3 này lên tới 223 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc thị trường địa ốc Mỹ vẫn đang tiếp tục trên đường dò đáy, tình hình của Fannie và Freddie mỗi lúc thêm xấu đi.
Cách đây ít ngày, Hiệp hội Các nhà cho vay cầm cố Mỹ cho biết, tính đến cuối tháng 6, có khoảng hơn 4 triệu người vay cầm cố mua nhà ở Mỹ, chiếm tỷ lệ cao kỷ lục 9%, đã quá hạn nợ hoặc bị tịch biên nhà.
Mặc dù kế hoạch giải cứu Fannie và Freddie đã được thị trường dự báo từ nhiều tuần nay, kế hoạch này được đưa ra vào một thời điểm hoàn toàn bất ngờ.
Hai tập đoàn vẫn có thể huy động vốn thông qua bán nợ định kỳ, nhưng giới phân tích cho rằng, Bộ Tài chính Mỹ đang lo ngại rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng e dè trước những chứng khoán này.
Mấy tuần gần đây, ông Paulson đã liên tục liên lạc với các chính phủ trên thế giới đang nắm giữ nhiều tỷ USD nợ của Fannie và Freddie và trấn an họ rằng nước Mỹ nhận thức được tầm quan trọng của hai tập đoàn.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) mới đây cho biết đã cắt giảm danh mục đầu tư vào chứng khoán do Fannie và Freddie phát hành tới 1/4 so với mức đầu tư hồi cuối tháng 6.
Giới phân tích đã đặc biệt lo ngại về “sức khỏe” của hai đại gia này trong nhiều tháng qua, đặc biệt là tình hình của Freddie.
Đầu năm nay, CEO của Freddie là Richard Syron đã cam kết sẽ huy động 5,5 tỷ USD vốn, nhưng không thể làm được điều này. Giá cổ phiếu liên tục tụt dốc khiến Fannie và Freddie khó thuyết phục các nhà đầu tư cá nhân mở ví.
Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: