Top

Mở rộng đối tượng vay vốn gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng:

Tạo điều kiện để người thu nhập thấp có nhà

Cập nhật 14/04/2014 13:53

Một trong những kiến nghị mới của Bộ Xây dựng xung quanh việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng là mở rộng đối tượng vay mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng không quá 1,05 tỷ đồng, cũng được “nới” cho vay mua nhà theo gói tín dụng ưu đãi, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tháo gỡ khó khăn cho thị trường và đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình, thấp.

Mua nhà dưới 1 tỷ được vay ưu đãi

Trong báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng về tình hình thị trường BĐS, liên quan đến việc giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh một số quy định có liên quan. Cụ thể, kiến nghị cho kéo dài thời hạn trả nợ từ 10 năm lên 15 năm đối với khách hàng là cá nhân. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng kiến nghị mở rộng đối tượng vay để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá); mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ, thuộc các tỉnh duyên hải, miền Trung đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở, được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất 4%.

Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở đô thị; cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở, được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không quá 80% x 1,05 tỷ đồng. Đối với các hợp đồng vay mua nhà ở xã hội đã ký trước 7/1/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà, cũng được Bộ kiến nghị thuộc diện được vay từ gói 30.000 tỷ.

Có một ngôi nhà là ước mơ cháy bỏng của người thu nhập thấp (Ảnh minh họa của Thiện Hoàng)

Việc mở rộng đối tượng vay để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng, thực tế là một trong những điều chỉnh “nới” mạnh việc cho vay gói 30.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia lĩnh vực BĐS, “nới” rộng đối tượng sẽ có những tác động nhất định đến thị trường, bởi hiện nhiều dự án đang mở bán thời điểm này thuộc phân khúc chung cư bình dân, có giá dao động trên dưới 1 tỷ đồng/căn, như: Tổ hợp chung cư Van Phu Victoria (Hà Đông) đang được chủ đầu tư phối hợp với Liên minh BĐS G5 chào bán.

Dự án này, khách hàng mua nhà có thể đến ở ngay sau khi ký hợp đồng mua nhà. Căn hộ có diện tích vừa phải, với mức giá chỉ từ 15 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT) thì chưa đến 1 tỷ đồng, người mua nhà đã có thể sở hữu ngay một căn hộ tại Van Phu Victoria, với các nội thất cơ bản gắn tường như sàn gỗ, điều hòa, tủ bếp… Ngoài Van Phu Victoria, một vài dự án có giá dao động 1 tỷ đồng, có thể kể đến như Thăng Long Victory, chung cư thu nhập thấp Cổ Nhuế...

Khó tác động được thị trường

Trao đổi với PV, ông Phạm Thành Hưng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn BĐS Cengroup cho rằng, trong bối cảnh thị trường đang có xu hướng đi lên như hiện nay, việc mở rộng đối tượng cho vay sẽ là đòn bẩy, tạo thêm lực cho thị trường bởi hiện nay, các dự án đang bán hàng chủ yếu là dự án ở phân khúc bình dân, giá trị căn hộ cũng vừa phải. Lãi suất 5%, thời gian trả nợ được kéo dài lên đến 15 năm là hợp lý đối với những người có thu nhập thấp. Ông Hưng lấy ví dụ những dự án người mua nhà được vay ưu đãi từ gói 30.000 tỷ, như: VP6 Linh Đàm, Thăng Long Victory, Dự án Kim Văn - Kim Lũ, Dự án nhà thu nhập thấp Cổ Nhuế… thời gian qua có tiến độ bán hàng rất tốt.

Ông Hưng cũng cho rằng, điều chỉnh chính sách theo hướng có lợi cho người mua nhà là việc cần thiết trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đồng thời giúp doanh nghiệp thoát được hàng để tái đầu tư, tái cơ cấu lại doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho rằng, tác động của việc này tới thị trường cũng không nhiều bởi thực tế, số lượng dự án có căn hộ ở mức giá khoảng 1 tỷ hiện không nhiều. Thậm chí tại nhiều dự án, số lượng căn hộ có diện tích nhỏ, mức giá vừa phải chiếm tỷ lệ không đáng kể. Tác dụng của những điều chỉnh này có chăng chỉ là một chút hiệu ứng tâm lý.

TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, không nên quá kỳ vọng vào việc “nới”, hay “mở” này, bởi thực tế thời gian qua mặc dù cũng đã có những khách hàng được vay vốn ưu đãi nhưng tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân được phân tích mổ xẻ rất nhiều, chủ yếu là do thủ tục quá rườm rà, nhiều điều kiện làm khó người mua nhà… Cái cần hiện nay là phải tạo điều kiện để người mua nhà tiếp cận được với nguồn vốn đó và tạo ra được loại hình nhà ở phù hợp với người có thu nhập thấp. Thực tế nhu cầu nhà ở của người dân và bối cảnh thị trường BĐS hiện nay thì gói 30.000 tỷ này không đủ sức để vực lại thị trường. Điều quan trọng nhất cho thị trường hiện nay là cần một chính sách ổn định. Cơ quan quản lý nhà nước không nên can thiệp quá sâu, nên để thị trường tự điều tiết. Có như thế thị trường mới bền vững và ổn định

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ, tính đến hết ngày 15/3/2014, các ngân hàng đã cam kết cho vay 3.048 khách hàng với tổng số tiền đạt cam kết là 2.909 tỷ đồng; trong đó đã giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.322 tỷ đồng. Đối với khách hàng cá nhân, các ngân hàng đã cam kết cho vay 3.030 khách hàng với số tiền là 1.134 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 3.011 khách hàng với dư nợ 731 tỷ đồng. Hiện nay các ngân hàng đã nhận được nhiều hồ sơ xin vay và đang tiến hành thẩm định. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có các văn bản xác nhận đăng ký cho vay đối với 20 dự án với số tiền 1.791,92 tỷ đồng, các ngân hàng đã giải ngân cho 14 dự án với số tiền là 591 tỷ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo Công an Nhân dân