Câu hỏi bao nhiêu tiền cho BĐS sẽ vẫn là thừa, bởi thị trường có thể sẽ vẫn tiếp tục đóng băng dù các nhà băng có chịu khó bơm trăm nghìn tỷ đồng đi chăng nữa. Bởi thực tế ở đây vẫn là chuyện ai sẽ mua nhà, chứ không phải làm thế nào để tạo ra nguồn cung.
50.000 tỷ đồng là giá trị vốn của chương trình tín dụng hướng đến thị trường xây dựng vừa được công bố. Trước đó, gói 30.000 tỷ đồng tín dụng hỗ trợ nhà ở đã đi vào triển khai. Còn hiện tại, có khả năng các gói, chương trình tín dụng liên kết sẽ còn được công bố, lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng khác... Những con số nghìn tỷ đồng như được các nhà băng ném vào thị trường BĐS “nhẹ như lông hồng”. Vậy bao nhiêu tiền thì đủ? Bao nhiêu tiền thì cứu được thị trường này?
Nhà ở thương mại, giá rẻ, vị trí thuận lợi luôn không có để bán...
|
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng giá trị tồn kho BĐS tính đến tháng 2/2014 chỉ vào khoảng 92.690 tỷ đồng. Như vậy, nếu cam kết của các ngân hàng là đúng thì số tiền họ bỏ ra có thể tạo một cú hích đủ lớn cho thị trường, dư sức hấp thụ hết hàng tồn kho BĐS, làm cho thị trường này “sáng rực như ban ngày”. Giá BĐS có thể lại trên trời và chủ đầu tư, nhà đầu cơ tha hồ “ngó lơ” người mua… Nhưng, đến đây lại có chuyện. Không lẽ, vốn vào BĐS chỉ để chạy lòng vòng giữa ngân hàng, chủ đầu tư và nhà đầu cơ, còn người mua thực sẽ khó thấy khả năng tiếp cận nhà ở được cải thiện?
Một chuyên gia đầu ngành của thị trường BĐS đã phải ôm đầu kêu trời cho rằng, như vậy các nhà băng đã đi “nhầm đường”. Bởi vấn đề của thị trường BĐS hiện nay không phải là tạo ra sản phẩm, xây dựng hay hoàn thiện căn hộ nữa mà sản phẩm làm ra không bán được. Hàng loạt căn hộ chung cư đã hoàn thiện nhưng không có người ở, hàng trăm biệt thự trị giá cả tỷ bạc để… nuôi bò. Đây là hệ quả tất yếu của một thời gian dài BĐS bị các nhà đầu tư làm giá. Điều khiến ngành xây dựng nói chung và BĐS nói riêng đánh mất niềm tin nơi người tiêu dùng. Bởi khi giá BĐS bị đẩy lên quá cao, vượt tầm với của người có nhu cầu thực sự, hệ lụy tất yếu là ngân hàng cũng mất niềm tin nơi chủ đầu tư, còn chính chủ đầu tư thì không tin nhà thầu…
Thị trường BĐS đang chứng kiến một nghịch lý là nhà đầu tư có dự án và có nhà để bán, còn người tiêu dùng thì có nhu cầu thực sự để sở hữu nhà. Song, họ không thể bắt tay nhau hiện thực giao dịch mua bán. Anh Nguyễn Kiên Cường, một khách hàng có nhu cầu mua nhà tại quận Đống Đa giải thích: “Giá BĐS vẫn quá cao so với thu nhập bình quân của người dân”.
Ngay với loại hình nhà ở xã hội, câu chuyện tưởng như đùa lại là sự thật. Trong khi người có nhu cầu mua nhà thì lại không đủ điều kiện vay vốn các gói hỗ trợ nhà ở có lãi suất hợp với khả năng chi trả của họ. Ngược lại, người đáp ứng được điều kiện vay vốn mua nhà ở xã hội thì lại chưa có căn hộ phù hợp với khả năng tài chính và trả nợ của họ…
Câu hỏi bao nhiêu tiền cho BĐS sẽ vẫn là thừa, bởi thị trường có thể sẽ vẫn tiếp tục đóng băng dù các nhà băng có chịu khó bơm trăm nghìn tỷ đồng đi chăng nữa. Bởi thực tế ở đây vẫn là chuyện ai sẽ mua nhà, chứ không phải làm thế nào để tạo ra nguồn cung. Ông Liêm cho rằng, chỉ có đổi mới về chính sách nhà ở, đặt trọng tâm vào nhà giá rẻ, phổ cập thì mới có thể kích thích thị trường BĐS.
Thực tế đã cho thấy, nhà ở xã hội nhận được nhiều ưu đãi từ Nhà nước, song đều ở những vị trí ít thuận lợi, lại có nhiều ràng buộc với người sở hữu nên thực tế đã có một số người mua nhà ở xã hội đang muốn trả lại. Trong khi đó, nhà ở thương mại giá rẻ, vị trí tốt luôn không có để bán bởi loại hình nhà ở này người mua không cần thủ tục rườm rà, không quy định đối tượng, thu nhập…
Đã đến lúc cần phải có cái nhìn rõ ràng hơn để phát triển một thị trường BĐS đáp ứng đúng nhu cầu thực sự của người tiêu dùng. Chỉ có như vậy, hàng nghìn tỷ đồng của các nhà băng mới thực sự có ý nghĩa đối với thị trường, với người tiêu dùng. Nếu không có sự nhìn nhận rõ ràng về chính sách, đối tượng thụ hưởng, chiến lược phát triển nhà phù hợp thì hàng nghìn tỷ đồng của các nhà băng vẫn sẽ nằm yên trong két…
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: