Top

Hơn 50.000 hộ bị nợ đất dịch vụ

Cập nhật 14/04/2014 13:45

Rà soát mới nhất cho thấy, TP Hà Nội mới trả nợ đất dịch vụ cho khoảng 16.852 hộ dân, đạt 21,7% tổng nhu cầu. Đáng chú ý, một số quận, huyện, sau nhiều năm được thành phố giao nhiệm vụ, tới nay vẫn chưa giao được thửa đất dịch vụ nào cho dân.

Còn hơn 50.000 hộ dân đang chờ được TP Hà Nội trả đất dịch vụ

Quá chậm...

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ông Nguyễn Minh Mười cho biết, theo thống kê, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, đủ điều kiện được giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố là 7.741,48 ha. Trong đó, tổng nhu cầu đất dịch vụ phải giao là 854,81 ha, với tổng số hộ có nhu cầu đất dịch vụ là 77.526 hộ. Tuy nhiên, đến hết quý I-2014, chính quyền mới giao được 78,76 ha đất dịch vụ cho 16.852 hộ dân, đạt tỷ lệ 21,7% tổng nhu cầu, tính cả 4.430 hộ dân được huyện Mê Linh trả đất dịch vụ bằng tiền.
Đại diện Sở TN-MT thừa nhận, công tác giao đất dịch vụ còn chưa đáp ứng được yêu cầu theo kế hoạch. Trong khi một số quận, huyện đạt kết quả thực hiện khá như Đan Phượng đạt 76,5%, Thường Tín 61%, Phúc Thọ 43%, quận Hà Đông đạt khoảng 35,4%... thì còn nhiều nơi chưa giao được đất cho hộ dân nào như Thạch Thất, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm...

Vướng mắc cơ bản được Sở TN-MT chỉ ra là quá trình điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch phân khu, một số khu đất dịch vụ tại các xã Vân Canh, La Phù, An Khánh, Kim Chung (huyện Hoài Đức) đã GPMB, đang xây dựng hạ tầng nhưng lại không phù hợp quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Thêm vào đó, kinh phí xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ rất lớn, vượt khả năng cân đối của TP và các quận huyện. Sở TN-MT cũng phản ánh, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc. Một số huyện (Quốc Oai, Ba Vì, Thanh Trì, Gia Lâm...) đã có quỹ đất nhưng chưa giao đất cho dân.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh rất băn khoăn: “Cùng một thành phố, cùng cơ chế, chính sách, vì sao có nơi làm tốt, giao được nhiều đất dịch vụ cho dân trong khi những nơi khác lại trì trệ như vậy? Các quận, huyện sao không học hỏi giải pháp của nhau để cùng làm tốt?”. Ông Vũ Hồng Khanh thúc giục các quận, huyện: “Phải làm rõ vì sao chậm, để tháo gỡ ngay. Do cơ chế, chính sách hay do cán bộ thờ ơ, không làm quyết liệt? Chúng ta phải biết sốt ruột chứ, dân chờ lâu lắm rồi... sao có thể cứ hứa mãi mà không trả”.

...vì thiếu tiền?

Là đơn vị chưa giao được thửa đất dịch vụ nào cho dân, đại diện UBND huyện Thạch Thất cho biết, số diện tích đất dịch vụ huyện phải trả cho hơn 7 nghìn hộ dân là khoảng 60 ha. Một trong những lý do khiến huyện chưa giao được thửa nào là khi thời điểm đất có giá, một số hộ dân đã bán diện tích đất dịch vụ cho đối tượng khác. Do đó, thời gian làm công tác xét duyệt lâu hơn rất nhiều. Hiện nay, huyện đã xét xong cho hơn 1.000 hộ dân và đang tổ chức công khai danh sách cho người dân biết.

Cùng với đó, nhiều địa phương đồng loạt kiến nghị TP ứng vốn năm 2014 cho công tác GPMB đất dịch vụ để kịp có đất giao cho dân. Tại 2 quận mới Bắc Từ Liêm – Nam Từ Liêm, để có được tổng diện tích đất dịch vụ 85 ha, 2 quận này đang “xin” TP ứng cho 2.500 tỷ đồng. Trả lời kiến nghị này, lãnh đạo TP yêu cầu, 2 quận tìm giải pháp khác để cân đối. Bởi thực tế, nguồn vốn ngân sách hết sức khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư lại rất... mênh mông. Nếu quận huyện nào cũng muốn ứng cả nghìn tỷ đồng, chỉ để giải quyết nhu cầu đất dịch vụ, thì TP không cân đối nổi.

Yêu cầu tăng tốc chuẩn bị đất dịch vụ, ông Vũ Hồng Khanh chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát ngay lại kế hoạch giao đất dịch vụ. TP sẽ tổ chức một tổ chuyên trách để giúp các đơn vị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. TP cũng đồng ý với kiến nghị về việc đơn vị nào thừa  đất đấu giá cho chuyển sang đất dịch vụ. Ông Vũ Hồng Khanh lưu ý: “TP sẽ tạo điều kiện hết mức theo đúng quy định của pháp luật, các sở ngành thấy còn nội dung gì phân cấp được cho quận, huyện thì phân cấp nốt. Tuy nhiên, các đơn vị phải làm quyết liệt, chứ cứ ngồi đó kêu khó là không thể chấp nhận được...”.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh thủ đô