Top

Báo động chất lượng nhà tái định cư

Cập nhật 14/04/2014 09:26

Sự xuống cấp nhanh chóng của các khu tái định cư (TĐC) là một thực tế đã và đang xảy ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Những khu chung cư này vừa được đưa vào sử dụng đã xuống cấp về hạ tầng kĩ thuật khiến cuộc sống của các hộ dân TĐC vốn đã chật vật nay lại thêm phần khó khăn. Trong khi đó, ý kiến, nguyện vọng của người dân lại chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức.

Bài 1: Chưa an cư, nhà đã hỏng

Các cơ quan giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư dự án nhà TĐC luôn cam kết tạo ra một chỗ ở mới ngang bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ khi người dân dành đất đai của mình cho các dự án phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, những gì mà người dân TĐC nhận được lại không như cam kết trước đó.

Thót tim khi đi thang máy

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam từng nhận xét: “Chủ trương chỗ ở TĐC rất hay, trong đó có việc đảm bảo nhà mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nhà cũ. Tuy nhiên, nói vậy mà không phải vậy”.

Tòa nhà N9, khu TĐC Đồng Tàu (Hà Nội) vừa đưa vào sử dụng nhưng lớp sơn bên ngoài đã bị bong tróc.

Có mặt tại khu TĐC Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) vào một ngày đầu tháng tư, chúng tôi gặp ông Trần Đức Tiến, người dân khu nhà B3A, một trong những cư dân đầu tiên của khu. Gia đình ông Tiến chuyển đến đây từ năm 2005. Ông Tiến cho biết, từ đó đến nay đã 9 năm nhưng cơ quan chức năng không có một lần bảo trì, bảo dưỡng nào đối với hạ tầng của tòa nhà, trừ một số lần sửa chữa lặt vặt.

Cách nhà ông Tiến không xa, gia đình bà Đỗ An, phòng 08 - 04, tòa nhà B11D cũng đang sống trong tình cảnh xuống cấp về cơ sở hạ tầng. “Hành lang một số tầng bị phồng lên. Đường ống nước bị hỏng, dột. Trần nhà có chỗ bị nứt. Hơn nữa, tường còn bị ngấm nước, nghiêm trọng nhất là ở tầng 6. Khu đổ rác thì cũng bị xuống cấp trầm trọng”, bà An phàn nàn.

Theo phản ánh của một số hộ dân khác, thang máy ở đây hỏng liên tục. Có khi thang đang chạy thì đột nhiên ngừng lại, người bị nhốt ở bên trong không có cách nào liên lạc với bên ngoài. Chủ đầu tư có sửa nhưng chỉ mang tính chắp vá, được một thời gian ngắn, thang lại hỏng. Đường ống nước thỉnh thoảng bị rò rỉ, đôi chỗ rò nghiêm trọng, ngấm vào tường khiến tường tróc ra thành từng mảng.

Chị Lan, người dân sống ở tòa nhà B3A cho biết, ngay khi mới chuyển về, gia đình chị đã phải bỏ tiền ra sửa lại nhà thì mới ở được.

Tuy nhiên, khu TĐC Nam Trung Yên vẫn còn được đánh giá là tốt hơn nhiều so với khu TĐC Đồng Tàu (Thịnh Liệt, Hoàng Mai). Nơi đây “nổi tiếng” là khu TĐC xuống cấp nhất Thủ đô.

Tình cờ gặp chúng tôi ở sân công cộng của khu, bà Đỗ Thị T., tầng 9, khu N2, cho biết: Các vườn hoa, thảm cỏ ban đầu có người chăm sóc nên khá đẹp. Tuy nhiên, đã lâu lắm rồi không thấy có người nào ngó ngàng đến nữa. “Cỏ hoang mọc đầy như khu nhà hoang. Chúng tôi nhổ cỏ để trồng rau sạch”, bà T. nói.

Như muốn giãi bày nỗi bức xúc từ lâu trong lòng, bà T. chia sẻ: “Cả chung cư ăn chung một bể nước ngầm. Nước từ bể ngầm được hút lên bể chính trên mái của tòa nhà, sau đó chuyển đến các hộ dân cư. Do nước bị nhiễm bẩn nên có mùi khó chịu. Đáng sợ nhất là cầu thang máy. Nhiều khi cầu thang đang chạy thì đột nhiên ngừng lại rồi trôi tuột xuống mấy tầng khiến người bên trong thót tim. Cửa thang máy bị hỏng, cứ đóng mở lung tung, thậm chí phải có người dùng tay kéo, giữ thì mới đóng mở được”.

Không dám về ở

Rộng 31 ha, vốn đầu tư 1.062 tỷ đồng, Vĩnh Lộc B là một trong những khu TĐC khá quy mô của TP Hồ Chí Minh gồm 45 block chung cư với tổng số hơn 1.900 căn hộ, phân bổ cho các hộ bị giải tỏa tại 10 quận, huyện. Có mặt tại khu dân cư này vào những ngày đầu tháng 4/2014, cái nắng gay gắt phủ lên những block căn hộ chung cư vắng lặng, bao quanh là những con đường nhựa nội bộ nóng hầm hập với từng đám cỏ dại vàng úa mọc đầy hai bên lối đi. Lác đác vài người dân qua lại khiến cho cảnh tượng của khu dân cư trở nên trống trải.

Những người dân đang sinh sống tại đây cho biết, tại block 1 - 1 chỉ có 11/43 hộ sinh sống và đó là block đông dân nhất, còn tại các block 2 - 4, 1 - 3... chỉ có khoảng 5 - 7 hộ dân nhận nhà. Hàng trăm căn hộ còn lại vẫn bỏ không. Chúng tôi men theo cầu thang dẫn lên những tầng lầu của block căn hộ 1 - 2, hành lang dơ bẩn, tay vịn cầu thang bám đầy bụi, xác côn trùng chết. Bên trong, hàng chục căn hộ trống huơ.

Ông Nguyễn Văn Thiện, ngụ tại nhà 103, block 1 - 2, một trong những cư dân đầu tiên về đây TĐC từ dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm, ngán ngẩm nói: “Block này có đến 43 căn nhưng chỉ mới có khoảng 5 hộ về đây sống. Có ai dám về đâu vì chỉ mới hoàn thành xong khoảng một năm mà tường đã rạn nứt, nền đất sụt lún. Có block sụt lún rất sâu, mấy người dân chúng tôi lấy cây gậy dài 3 m chọc vào chỗ sụt mà vẫn không chạm đất”.

Trở lại với khu TĐC Nam Trung Yên (Hà Nội), ông Trần Đức Tiến cho biết thêm: “Ở nhà chung cư, quan trọng nhất là việc phòng chống cháy nổ, nhưng hệ thống phòng cháy chữa cháy ở đây hỏng từ lâu rồi. Nhìn bên ngoài thì thấy rất đầy đủ, có bình cứu hỏa, có vòi phun, chuông báo cháy nhưng toàn bộ thiết bị này đều đã hỏng. Bể nước chữa cháy có nhưng nước thì không. Ngoài ra, khu này cũng không có đường thoát hiểm, nếu cháy xảy ra thì người dân không biết thoát cách nào”. Theo quan sát của phóng viên, một số chuông báo cháy tại khu TĐC Đồng Tàu cũng đã hỏng mà chưa được sửa chữa.

Chính sự thiếu thốn cũng như xuống cấp của hệ thống hạ tầng đã khiến các khu TĐC dù đã hoàn thành nhưng vẫn vắng bóng người đến ở.
DiaOcOnline.vn - Theo Tin tức