“Người có tiền mua căn hộ 600 triệu không phải là người nghèo, còn người bỏ ra trên 1 tỷ để mua căn hộ không hẳn là người không có nhà ở”.
Nhận định bất ngờ trên không ai xa lạ chính là Tổng giám đốc một doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản khi chia sẻ với phóng viên Tổ Quốc.
600 triệu đồng không phải ai cũng có
Mới đây, Tập đoàn Hưng Thịnh bất ngờ tung ra căn hộ giá 600 triệu. Mức giá này được cho là khá rẻ so với vị trí căn hộ. Theo Hưng Thịnh, dòng sản phẩm này nhắm đến các cặp vợ chồng trẻ có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, mặc dù mở bán rầm rộ nhưng lượng giao dịch vẫn không như Hưng Thịnh kỳ vọng.
Không lâu sau đó, Tập đoàn Đất Xanh cũng tung ra căn hộ tại Thủ Đức (TP.HCM) với mức giá chỉ từ 600 – 700 triệu đồng/căn. Ngay sau đó, các dòng sản phẩm căn hộ được xem là giá rẻ trở nên im ắng như chưa từng được công bố.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land (Công ty con của Tập đoàn Hưng Thịnh) thẳng thắn nhìn nhận: “Trong thời buổi kinh tế khó khăn, người có 600 triệu để mua một căn hộ không phải là người nghèo”.
Người ta thường nói “tiền nào của nấy”. Sản phẩm rẻ chưa chắc chất lượng đã tốt. Chưa thể bình luận dự án căn hộ 600, 700 triệu đồng của Hưng Thịnh và Đất Xanh chất lượng tới đâu bởi các dự án này vẫn còn đang khởi công, chưa tới được tay khách hàng.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là ai sẽ mua căn hộ 600 triệu đồng? Câu hỏi này được đặt ra khi các dòng sản phẩm căn hộ được xem là giá rẻ gần như chiếm lĩnh thị trường.
Thị trường nhà ở vẫn còn xa tầm với đối với người thu nhập thấp.
|
Theo giới phân tích, những người không có nhà thì khó mà tìm đâu ra 600, 700 triệu đồng. Bởi với mức thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng, người không có nhà đã phải chi tiêu ngót nghét gần hết (cộng cả tiền thuê nhà) thì còn dư bao nhiêu để dành dụm mua nhà?
Nếu nhìn tổng thể có thể nhận thấy, rất nhiều dự án lên tới hàng chục ngàn căn hộ mà chủ đầu tư thà “án binh bất động” chứ không chịu giảm giá. “Bởi giảm giá e rằng nhiều người nghĩ chất lượng và thương hiệu giảm theo” như lời giám đốc một công ty xây dựng chia sẻ.
Thực tế cho thấy, trong thời buổi thị trường bất động sản còn khá “lạnh lẽo”, nhiều chủ đầu tư vẫn kiên trì theo đuổi sự “đẳng cấp” của mình. Đơn cử như Novaland đang tung ra hàng loạt dự án có mức giá từ 1,5 tỷ đồng trở lên bên cạnh chuỗi căn hộ thuộc giai đoạn 2 và 3 của dự án Sunrise City với mức giá trung bình từ 34 - 45 triệu đồng/m2.
Tại Thành phố mới Bình Dương (cách TP.HCM hơn 20 km), ngay cả các dự án nhà ở do nhà đầu tư nước ngoài liên danh với doanh nghiệp trong nước cũng có giá cao ngất ngưởng. Cụ thể, dự án SORA gardens dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2014 có giá lên tới 1.000 USD/m2.
Rõ ràng, thị trường bất động sản đến thời điểm này không rẻ như nhiều người nghĩ. Căn hộ vẫn còn xa tầm với đối với người nghèo, trong khi người giàu nếu có mua cũng chỉ nhằm mục đích bán lại với mức giá cao hơn mà thôi.
“Bơm” tiền cứu ai?
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam nhiều tiếng xấu, bởi “doanh nghiệp Việt Nam dù làm cám gà cũng buôn bất động sản”.
“Dù tai tiếng nhưng đây lại là thị trường nền tảng nên cần phải phục hồi”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Tuy nhiên, các giải pháp phục hồi thị trường bất động sản cho đến nay vẫn chưa thấy hiệu quả rõ nét ngay cả sau khi tung ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin sắp tới sẽ có gói 100.000 tỷ “bơm” vào thị trường bất động sản nhằm vực dậy thị trường này sau nhiều năm đóng băng.
Thông tin trên cũng đã được Ngân hàng Xây dựng xác nhận là do chính ngân hàng này đề xuất.
Ngay lập tức, giới chuyên gia bất động sản bình luận sôi nổi và có những ý kiến trái chiều.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nếu có gói 100.000 tỷ thì e rằng cũng chỉ hỗ trợ cho những người có tiền.
“Tôi cho rằng không nên hỗ trợ cho đối tượng này bởi người giàu tự mua nhà được, không cần phải hỗ trợ”, ông Châu bình luận.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Lành cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là các cơ quan chức năng tìm ra giải pháp để giải ngân càng nhanh càng tốt các gói hỗ trợ đã có chứ đừng nghĩ đến gói này, gói khác.
“Thời bất động sản hưng thịnh, người ta làm giàu nhanh chóng thì có nghĩ gì đến người nghèo đâu”, ông Đực băn khoăn.
Thực tế, theo như lời TS. Lê Xuân Nghĩa, gói 100.000 tỷ đồng là gói cho vay thương mại do Ngân hàng Xây dựng đứng ra làm đầu mối liên kết với 4 ngân hàng thương mại quốc doanh khác. Như vậy, liệu các ngân hàng thương mại này có sẵn sàng cho người nghèo vay hay không?
DiaOcOnline.vn - Theo Tổ Quốc
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: