Top

Vụ ban hành thông tư 16 sai thẩm quyền:

Bộ Xây dựng cần xin lỗi dân

Cập nhật 27/02/2014 11:24

Ngoài xin lỗi dân, vấn đề bồi thường cho người bị thiệt hại cũng cần được đặt ra, theo ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh.

Tại căn hộ Keangnam (Hà Nội), phần sở hữu chung, trong đó có cột, chiếm diện tích rất lớn - Ảnh: V.D.

Ngày 26-2, trả lời phóng viên Tuổi Trẻ về việc xử lý thông tư 16 của Bộ Xây dựng, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh cho rằng trước khi trình Chính phủ phương án xử lý, trong đó không loại trừ vấn đề bồi thường thiệt hại, trước hết Bộ Xây dựng cần đưa ra lời xin lỗi.

Điều đáng nói là tại phiên điều trần ở Ủy ban Pháp luật ngày 25-2, vị đại diện cao nhất của Bộ Xây dựng là Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng thông tư 16 không mâu thuẫn với Luật nhà ở và nghị định 71 của Chính phủ, Bộ Xây dựng không sai và người dân không bị thiệt hại bởi các quy định của thông tư này.

Bộ Xây dựng 2 lần không báo cáo Thủ tướng

Bình luận về tình huống này, ông Minh nói: “Tuy không thừa nhận thông tư 16 sai nhưng Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư 03 ngày 20-2-2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 8-4 để sửa thông tư 16 và chỉ sửa một điểm là hướng dẫn cách tính diện tích sàn nhà chung cư theo cách tính thông thủy (diện tích thực tế). Hơn nữa, trong quá trình thực hiện, khi dư luận đặt ra vấn đề về thẩm quyền và tính hợp pháp của thông tư 16, Thủ tướng đã hai lần yêu cầu báo cáo (lần đầu tiên vào tháng 11-2011, đến ngày 28-1-2014 Thủ tướng lại yêu cầu phải có văn bản báo cáo trước ngày 25-2) nhưng Bộ Xây dựng không báo cáo giải trình mà thay vào đó là “âm thầm” ban hành thông tư 03”.

"Không thể chấp nhận được cách lý giải của chủ đầu tư. Họ đã cố tình ép khách hàng để trục lợi. Tôi sẽ kiện ra tòa vụ việc này đến cùng"

Bà Nguyễn Thị Huệ (một chủ hộ khu đô thị Dương Nội)

“Rõ ràng đây là chuyện thấy sai mà không chịu nhận sai. Nếu bây giờ người dân kiện ra tòa án thì ai gây ra thiệt hại người đó phải bồi thường theo Luật bồi thường nhà nước. Với những hợp đồng không ghi rõ là tính diện tích theo tim tường hay diện tích thông thủy thì hợp đồng đó vô hiệu, tức chủ đầu tư phải bồi thường. Nhưng trước khi nói đến câu chuyện bồi thường thì trước hết Bộ Xây dựng phải xin lỗi dân. Bộ Xây dựng phải có trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính, bởi cái thông tư anh ban hành không đúng thẩm quyền đã gây ra nhiều hậu quả mà người dân phải gánh chịu rất nhiều thiệt hại” - ông Minh phân tích.

Cũng giải đáp vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết sau phiên giải trình, Ủy ban Pháp luật sẽ có báo cáo kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với thông tư 16 của Bộ Xây dựng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất phương án. Còn theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, trong thời gian trước mắt, các cơ quan hữu quan gồm Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ nghiên cứu đề xuất hướng xử lý, tới đây sẽ báo cáo Chính phủ quyết định.

Trước đó ngày 25-2, kết luận phiên điều trần, ông Phan Trung Lý khẳng định: Bộ Xây dựng ban hành thông tư 16 không đúng thẩm quyền. Việc hướng dẫn cách tính diện tích sàn nhà chung cư từ tim tường không phù hợp với quy định của Luật nhà ở và Bộ luật dân sự.
 

Trung bình mỗi căn hộ của khách hàng mua nhà ở Keangnam phải thanh toán 15% diện tích sử dụng chung cho chủ đầu tư. Với mức giá 3.000 USD/m2 thì số tiền mỗi căn hộ phải trả cho phần sở hữu chung là không nhỏ. Trong ảnh: phần cột chiếm diện tích lớn trong căn hộ ở Keangnam - Ảnh: Việt Dũng

Dân muốn kiện chủ đầu tư

Bà Trịnh Thúy Mai, cư dân tòa chung cư cao cấp Keangnam (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết trong hợp đồng mẫu do Keangnam soạn thảo, cách tính diện tích căn hộ theo phương pháp từ tim tường đến tim tường. Tuy nhiên, hợp đồng lại không quy định trong diện tích căn hộ có phần diện tích thuộc sở hữu chung. Mặt khác, theo quy định tại điều 70 Luật nhà ở và điều 225 Bộ luật dân sự, sở hữu chung (tường, cột chịu lực, hộp kỹ thuật) là phần diện tích thuộc cộng đồng dân cư và không thể phân chia. Vì thế bà hiểu rằng diện tích căn hộ được tính từ tim tường nhưng không bao gồm diện tích thuộc sở hữu chung trong căn hộ (nếu có).

“Đến khi đã trả 100% tiền, chúng tôi mới biết trong diện tích căn hộ đã được Keangnam tính cả phần diện tích thuộc sở hữu chung. Diện tích hợp đồng căn hộ tôi mua là 206m2, trong đó diện tích thuộc sở hữu riêng 176m2, diện tích thuộc sở hữu chung 30m2. Ước tính phần tiền đã trả cho diện tích thuộc sở hữu chung khoảng 1,56 tỉ đồng. Chúng tôi đã có ý kiến với Keangnam, nhiều lần đề nghị Keangnam hoàn trả phần tiền đã thanh toán cho diện tích sở hữu chung nhưng Keangnam cương quyết không đồng ý” - bà Mai bức xúc.

Cùng tâm trạng, bà Nguyễn Thị Huệ, chủ hộ CT17 G12 A03 khu đô thị Dương Nội (Q.Hà Đông, Hà Nội), bức xúc về cách tính diện tích căn hộ của Công ty TNHH Nam Cường. Bà Huệ cho biết theo diện tích trong hợp đồng mua căn hộ mà bà phải trả là 83,66m2, nhưng diện tích sử dụng thực tế chỉ là 75m2. Phần diện tích không được sử dụng là hơn 8m2 là các cột và hộp kỹ thuật nhưng được chủ đầu tư tính vào diện tích căn nhà. Diện tích chung mà chủ đầu tư tính vào diện tích của nhà, bà đã mất tới 190 triệu đồng. Thêm vào đó, hằng tháng bà phải trả thêm phí bảo trì, an ninh... cho phần diện tích không được sử dụng này. Bà Huệ nói: “Hợp đồng lúc ký không có quy định cách tính diện tích căn hộ như thế nào. Nhưng sau đó chủ đầu tư có đính kèm phụ lục quy định cách tính theo tim tường. Tôi đã thắc mắc điều này và được Công ty TNHH Nam Cường giải thích là khi làm hợp đồng để ký với khách hàng, công ty chưa kịp in phụ lục!”.

Theo bà Trịnh Thúy Mai, thông tư 16 cho thấy rõ Bộ Xây dựng đã ban hành chính sách khiến người dân phải chịu mọi thiệt thòi. Việc ban hành thông tư 03 thay thế một số điều của thông tư 16 cho thấy bộ đã sai nhưng chưa cầu thị và nghiêm túc trong việc sửa sai. Để giải quyết việc này, bà Mai kiến nghị Bộ Xây dựng phải hủy bỏ cách tính diện tích căn hộ từ tim tường tại thông tư 16, chứ không phải là sửa đổi bằng thông tư 03 như Bộ Xây dựng đã làm. Đối với những căn hộ đã bàn giao nhà và thanh toán hết tiền, chủ đầu tư cần hoàn trả phần tiền diện tích thuộc sở hữu chung cho người dân. Đối với những trường hợp chưa thanh toán hết tiền và chưa nhận bàn giao nhà, chủ đầu tư cần điều chỉnh lại hợp đồng mua bán cho đúng...

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 26-2, bà Mai xác nhận để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, bà đã gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm (nay là Tòa án quận Nam Từ Liêm) và hiện tòa đang thụ lý giải quyết vụ việc này.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ