Top

Cấp phép xây dựng trễ do cán bộ là chính

Cập nhật 22/09/2009 08:20

Người dân làm thủ tục cấp phép xây dựng tại UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HTD

Nhiều cán bộ máy móc, hiểu sai quy định. Khi hỏi tắc ở khâu nào thì họ lúng túng, lúc nói khâu này, lúc chỉ khâu kia.

Từ tháng 3-2009, Sở Xây dựng đã lập một đoàn kiểm tra công tác cấp phép xây dựng tại các quận, huyện trong năm 2009. Mới đây, Sở đã có báo cáo kết quả của đợt kiểm tra này. Hầu hết các quận đều áp dụng quy trình ISO 9001:2000 trong việc giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên, một số quận, huyện lại có số lượng hồ sơ trễ hẹn cao: quận 12, Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Thạnh... Đến giữa năm 2009, một số quận đã có chuyển biến tốt như quận 12 chỉ còn 7,7% trễ hẹn, Hóc Môn còn 3,73%...

Quận Bình Thạnh “đội sổ” với tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn trong sáu tháng đầu năm 2009 là 56%. Theo đánh giá của Sở, đây là quận có biến chuyển chậm nhất về mặt cải cách thủ tục. Chiều 21-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đã nhận định tình hình chung: Đó là do chưa có sự thông suốt giữa các khâu trong quá trình cấp phép.

Lúng túng

* Thưa ông, ông có cảm nghĩ gì về những con số trễ hẹn tại các quận, huyện, đặc biệt là quận Bình Thạnh?

+ Khi thấy tỷ lệ hồ sơ cấp phép xây dựng trễ hẹn ở quận Bình Thạnh quá cao, tôi đã cho anh em kiểm tra lại thì được biết đó chính là do quận báo lên. Qua kiểm tra thực tế thì nhận thấy quận này thiếu lập quy trình quản lý, theo dõi hồ sơ. Do đó, khi hỏi tắc ở khâu nào thì họ lúng túng, lúc nói khâu này, lúc nói khâu kia. Có những hồ sơ đầy đủ rồi mà đến hẹn vẫn không trả kịp cho dân. Nếu trễ từ phía người dân, ví dụ họ không bổ túc kịp theo yêu cầu thì không nói, còn đằng này trễ là do phía cơ quan cấp phép. Đó là điều đáng tiếc!

* Ngoài những yếu tố chung chung và quen thuộc như quy hoạch chưa phủ kín, hồ sơ nhiều cán bộ ít..., theo ông, nguyên nhân do đâu?

+ Tôi cho rằng đó là yếu tố con người. Một phần do năng lực cán bộ hiểu sai quy định. Bên cạnh đó, nếu quận quyết liệt “xốc” vào, xem lại việc cấp giấy hồng, giấy đỏ, giấy phép xây dựng, chấn chỉnh kịp thời thì sẽ giải quyết được thôi. Thực tế là khi chúng tôi đi kiểm tra, các quận đều đề nghị Sở tổ chức họp giao ban thường xuyên. Thế nhưng khi Sở tổ chức thì có nơi lại không cử đúng thành phần tham dự, do đó họ khó mà về triển khai cho đúng hoặc nhận thấy quy trình của mình hổng ở chỗ nào để khắc phục.

Hiểu máy móc quy định

* Ông có thể dẫn chứng cụ thể rằng từ đâu mà ông đánh giá nguyên nhân chủ yếu là ở khâu cán bộ?

+ Tôi đơn cử một chuyện. Tôi có nhận được hai đơn khiếu nại của người dân vì phòng QLĐT không cấp phép xây dựng, yêu cầu họ phải làm giấy đỏ trước. Trong khi đó, căn nhà này họ đã mua và qua thủ tục phòng công chứng, thể hiện diện tích đất rõ ràng, chỉ có điều giấy chủ quyền là “giấy trắng” nên trong giấy này chỉ thể hiện diện tích nhà. Cách giải quyết của quận vậy là máy móc. Bởi Quyết định 04 của UBND TP còn cho phép đất chưa có chủ quyền nhưng phù hợp quy hoạch, không ai tranh chấp cũng được cấp phép xây dựng rồi hoàn tất thủ tục cấp giấy sau. Cuối cùng, Sở phải có văn bản yêu cầu quận không được từ chối cấp phép trong những trường hợp như vậy.
 

Người dân làm thủ tục xin cấp phép xây dựng tại UBND quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: HTD.


* Vậy vai trò của Sở Xây dựng như thế nào? Sở có biện pháp gì để cải thiện tình trạng trên hay không?

+ Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn, hướng dẫn nghiệp vụ. Sở cũng đã tổ chức kiểm tra, xuống trực tiếp các địa phương. Sau đó, Sở đã báo cáo kết quả cùng với nhận xét, đánh giá gửi thành phố. Các gút mắc về cấp phép xây dựng đã từng được hướng dẫn rồi. Hiện nay, mọi công cụ gần như nằm trong tay quận, huyện. Quy hoạch do quận, huyện duyệt, nhà đất do quận, huyện nắm và cấp giấy, con người lẫn quy trình thực hiện cũng là do họ bố trí và thực hiện. Chỉ cần quận, huyện kiểm tra kỹ quy trình và chấn chỉnh thì tình trạng này sẽ được giảm thiểu ngay thôi.

* Xin cảm ơn ông.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP