Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng có kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết về cải cách thủ tục hành chính, với mục tiêu đến năm 2015 phải cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng. Kế hoạch này bao gồm cả việc rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết ở cả Trung ương và địa phương.
280 ngày làm thủ tục để khởi công dự án
Theo Bộ Xây dựng, với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thông thường phải thực hiện khoảng 15 thủ tục hành chính. Chưa tính thời gian chuẩn bị, chỉnh sửa hồ sơ, thời gian "đi" hết 15 thủ tục hành chính này lên tới 260 ngày làm việc cho dự án nhóm C và đến 280 ngày làm việc cho dự án nhóm A. Trường hợp đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt, tổng thời gian có thể rút ngắn được 75 ngày, nhưng lại chưa tính đến thời gian giải phóng mặt bằng, mà thực tế có những dự án kéo dài hết năm này sang năm khác. Phân theo thẩm quyền chủ trì giải quyết thủ tục, cơ quan Kế hoạch - Đầu tư có 3 thủ tục, thời gian giải quyết 80-100 ngày; Tài nguyên - Môi trường có 3 thủ tục, thời gian giải quyết 80 ngày; cơ quan Xây dựng có 3 thủ tục, thời gian giải quyết 60-85 ngày nếu đã có quy hoạch chi tiết; hoặc có 4 thủ tục, thời gian thực hiện 120-190 ngày, nếu chưa có quy hoạch chi tiết…
Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Bảo Kha |
Đối với dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thông thường phải thực hiện 19 thủ tục hành chính, thời gian 390-450 ngày. Trong đó nhiều nhất vẫn là cơ quan Tài nguyên - Môi trường 6 thủ tục, thời gian thực hiện 187 ngày và cơ quan Xây dựng có từ 5 đến 7 thủ tục, thời gian thực hiện 140-260 ngày làm việc tùy theo dự án có quy hoạch chi tiết được phê duyệt hay chưa. Đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tình trạng dự án bị kéo dài thời gian thực hiện khá phổ biến do nhiều trường hợp chủ đầu tư phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ nhiều lần và phải liên hệ với nhiều cơ quan khác nhau. Thêm nữa, thủ tục còn chồng lấn, lệ thuộc vào các thủ tục hành chính khác, chẳng hạn muốn phê duyệt dự án, cấp phép xây dựng phải hoàn tất việc thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, thỏa thuận chiều cao tĩnh không. Trong một số trường hợp chưa có sự phân định rõ phương thức quản lý, thiếu công cụ quản lý hiệu quả dẫn đến ách tắc, thậm chí tùy tiện phát sinh thủ tục, tạo kẽ hở xin - cho… Ví dụ, địa phương chậm lập quy hoạch, thiết kế đô thị dẫn đến việc phải thêm thủ tục "xin" thỏa thuận quy hoạch kiến trúc trong cấp phép xây dựng. Hoặc địa phương chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khi điều kiện cấp phép xây dựng là phải có giấy tờ hợp lệ về chủ quyền dẫn đến ách tắc. Về chủ quan, năng lực giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân hạn chế, thiếu cán bộ có năng lực dẫn đến chậm trễ, kéo dài thời gian thực hiện. Quy trình, thủ tục chưa công khai, minh bạch lại thiếu chế tài xử lý vi phạm trong thực hiện thủ tục hành chính dẫn đến sự trì trệ lâu nay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, có những thủ tục mới nhưng cần thiết và phát huy hiệu quả như thủ tục thẩm tra thiết kế. Nếu trước đây, việc thẩm tra thiết kế do chủ đầu tư thuê tư vấn, sau đó tự thẩm định, phê duyệt dẫn đến thông thầu, thỏa thuận ngầm, thất thoát, không bảo đảm chất lượng… thì nay khi có sự tham gia của cơ quan quản lý trong khâu tiền kiểm đã tiết kiệm chi phí, cắt giảm khối lượng bất hợp lý, hạn chế sai sót trong thiết kế… Năm 2013, sau khi thẩm tra thiết kế, tổng giá trị dự toán cắt giảm hơn 2.840 tỷ đồng; 6 tháng năm 2014, con số cắt giảm là 1.170 tỷ đồng.
Cắt 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính
Thực hiện chủ trương cải cách hành chính, Bộ Xây dựng đã đề nghị mở rộng đối tượng công trình miễn phép xây dựng tại khu kinh tế, khu công nghiệp, thậm chí cả nhà ở riêng lẻ thuộc dự án phát triển đô thị, nhà ở... Với công trình cấp 1 và cấp đặc biệt, nếu chủ đầu tư có yêu cầu, được xem xét cấp phép xây dựng theo giai đoạn để đẩy nhanh tiến độ; với dự án nhiều công trình, có thể xem xét cấp phép tất cả các công trình thay vì cấp phép xây dựng từng công trình như trước. Ngoài ra, yêu cầu quan trọng khác là phải phủ kín quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị làm cơ sở cho việc cấp phép; nâng cao năng lực cơ quan thực thi bằng việc giao nhiệm vụ cùng với trách nhiệm rõ ràng, có chế tài xử lý nghiêm vi phạm.
So sánh với thế giới, với yêu cầu của người dân, của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, số lượng, thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng còn nhiều, lại chưa minh bạch, thống nhất dẫn đến tùy tiện, phiền hà, phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực. Thủ tướng nhấn mạnh: "Cải cách thủ tục hành chính hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta. Nhất thiết phải tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả song quản lý còn phải tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư phát triển. Những thủ tục nào không cần thiết, dứt khoát phải cắt bỏ". Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng lập tức xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, với mục tiêu trong năm 2015 cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng. Kế hoạch này bao gồm việc rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết cả ở Trung ương và địa phương trong thẩm quyền của Bộ. "Thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục không những không tạo thông thoáng mà còn không đáp ứng được yêu cầu quản lý, vẫn lỏng lẻo, sơ hở, không chống được tiêu cực, tham nhũng thì phải xem lại" - Thủ tướng nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: