Top

"Không thể trao quyền phân nhà thu nhập thấp cho chủ đầu tư"

Cập nhật 21/09/2009 14:20

Nhà ở thu nhập thấp khó đến tay đúng đối tượng nếu quyền phân phối thuộc về chủ đầu tư.
Ảnh: Trung Kiên

Việc trao quyền phân phối và xét duyệt đối tượng được mua, thuê, mua thuê nhà thu nhập cho chủ đầu tư có thể làm nảy sinh tiêu cực. Vì thế cần thành lập một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm xét duyệt và phân phối, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhấn mạnh, khi trao đổi với Đất Việt.

* Thưa ông, vì sao ông lại cho rằng, việc giao quyền phần phối nhà ở thu nhập thấp cho chủ đầu tư sẽ không đảm bảo công bằng?

Ông Phạm Sỹ Liêm.


- Nếu như chủ đầu tư xây nhà để bán ra thị trường, đương nhiên họ muốn bán cho ai thì bán. Nhưng đằng này, họ đã nhận rất nhiều khoản hỗ trợ từ Nhà nước như hỗ trợ lãi suất, quỹ đất sạch và nhiều cơ chế ưu đãi khác nhằm mục tiêu giải quyết chỗ ở cho những người thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Bộ Xây dựng cũng đã nhiều lần khẳng định đảm bảo cơ chế để các doanh nghiệp khi tham gia dự án nhà ở xã hội có lãi 10%. Vì vậy, khi xây xong, quyền phân phối nhà ở thu nhập thấp phải thuộc về Nhà nước chứ không thể giao cho chủ đầu tư. Nếu giao cho họ, chuyện xin - cho, “chạy chọt” để đủ điều kiện là không thể tránh khỏi. Bối cảnh "cầu" quá lớn mà "cung" thì vô cùng hạn hẹp là điều kiện để nảy sinh tiêu cực.

* Nhưng dự thảo thông tư hướng dẫn việc bán, cho thuê, thuê mua nhà thu nhập thấp cũng đã quy định rất rõ: sau khi lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện, chủ đầu tư phải gửi về Sở Xây dựng nơi có dự án để phục vụ công tác hậu kiểm; UBND tỉnh, thành phố nơi có dự án có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm có liên quan. Trong thực tế, quy định này được thực hiện thế nào?

- Trong nhiều lĩnh vực khác, lĩnh vực nào cũng có quy định rõ phải “tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát” và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan. Nhưng thực tế thì sao? Chẳng hạn như trong đấu thầu, quy định rõ ràng, chặt chẽ là vậy, song cũng đã công bằng đâu. Tôi xin khẳng định lại là nhà ở thu nhập thấp rất khó đến tay đúng đối tượng nếu chủ đầu tư được giao quyền phân phối.

* Ông nghĩ sao về nguyên tắc lựa chọn đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp được thực hiện theo phương pháp chấm điểm?

- Phải nói thẳng đây là một nguyên tắc thể hiện sự quan liêu. Nội dung quy định như dự thảo cũng rối rắm, nhiêu khê. Chẳng hạn bây giờ gia đình tôi không có nhà ở, muốn thuê ngay một căn để ở, lại phải đi làm đơn đăng ký, rồi chờ người ta chấm điểm, xét duyệt, đối chiếu xem có đủ điều kiện hay không, thì biết đến bao giờ? Tôi nghĩ chẳng cần phải đề ra lắm thủ tục cho rắc rối làm gì, quan trọng nhất vẫn là hai tiêu chí: chưa có chỗ ở hoặc chỗ ở chật chội và những người đang làm việc trong các cơ quan nhà nước. Cứ đủ hai điều kiện đó thì bán hoặc cho họ thuê nhà ở thu nhập thấp.

* Nhưng nếu không giao cho chủ đầu tư chấm điểm và quyết định phân phối thì ai sẽ là người xét duyệt những đối tượng đủ điều kiện như ông vừa nói?

- Tôi cho rằng, thay vì giao cho chủ đầu tư, mỗi địa phương cần thành lập một đơn vị độc lập, kiểu như Hội đồng quản lý và xét duyệt nhà ở thu nhập thấp. Hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm xét duyệt và phân phối cho những đối tượng đủ điều kiện. Ngoài ra, cũng cần phân loại đối tượng, chứ không nên phân phối một cách ồ ạt. Chẳng hạn như căn cứ vào số lượng nhà thu nhập thấp hiện có là bao nhiêu, Hội đồng sẽ quyết định phân phối cho đối tượng nào trước. Danh sách đối tượng gửi lên Hội đồng sẽ do Công đoàn ngành lập, sau khi tập hợp các đối tượng đủ điều kiện trong ngành mình.

* Cảm ơn ông.


Chỉ được phép bán lại sau 10 năm

Dự thảo thông tư hướng dẫn việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp quy định: người mua nhà không được cho thuê, thế chấp hoặc bán trong thời hạn chưa trả hết tiền mua nhà (trường hợp mua trả chậm, trả dần); chỉ được phép thực hiện các giao dịch sau khi trả hết tiền cho chủ đầu tư và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng phải đảm bảo tối thiểu 10 năm kể từ khi ký hợp đồng mua nhà.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt