Top

Hà Nội: Rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp

Cập nhật 03/10/2008 01:00

Sở Công Thương thành phố Hà Nội đang rà soát lại các khu, cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn nhằm xây dựng quy hoạch phù hợp với tình hình mới sau khi Hà Nội mở rộng.

Theo Sở Công Thương thành phố, hiện phát triển công nghiệp trên địa bàn chưa đồng bộ, nhất là khu vực địa giới hành chính mở rộng (tập trung ở tỉnh Hà Tây cũ). Riêng khu vực này dành tới 6.474ha đất cho phát triển công nghiệp (đến năm 2010), trong đó 8 khu công nghiệp có diện tích 4.450ha, 23 cụm công nghiệp với 823ha và 176 điểm công nghiệp làng nghề có diện tích 1.200ha.

Hầu hết các cụm công nghiệp đã triển khai đều chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Quy hoạch chi tiết các khu, cụm, điểm công nghiệp thiếu đồng bộ và thường bố trí sát dọc theo các quốc lộ, nhất là các cụm công nghiệp dọc đường Láng - Hòa Lạc.

Khu vực Hà Nội cũ có 5 khu công nghiệp tập trung, gần 20 cụm công nghiệp vừa và nhỏ. Do tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều cụm công nghiệp trước đó xây dựng xa khu dân cư đến nay lại nằm gần hoặc nằm trong đô thị như cụm công nghiệp Cầu Giấy, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng.

Theo Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu công nghiệp trọng điểm của Vùng Thủ đô Hà Nội chủ yếu tập trung vào khu vực phía Đông, từ vùng đô thị trung tâm nối với Hải Phòng và Quảng Ninh. Các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm sẽ được di chuyển ra xa nội thành và phải có biện pháp đồng bộ bảo vệ môi trường. Việc di chuyển này gắn với hình thành các khu đô thị vệ tinh, khu đô thị mới như khu Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Bồ Đề (Gia Lâm) và Yên Viên.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lựa chọn Liên danh Perkins Easman, Posco E&C và Jina tư vấn lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội với yêu cầu bảo đảm phù hợp với Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo các chuyên gia tư vấn thiết kế của Liên danh này, chỉ nên dành 40% diện tích thủ đô làm đất xây dựng đô thị, còn 60% xây dựng hành lang xanh. Nếu ý tưởng này được chấp thuận, đến năm 2030, Hà Nội sẽ là một trong những thủ đô phát triển bền vững nhất thế giới.

DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ