Top

Phát triển khu đô thị mới: Tháo gỡ mối lo cũ

Cập nhật 17/05/2010 08:15

Nhiều người cho rằng, nhìn vào sự bùng nổ của các khu đô thị mới có thể thấy sự đi lên của đời sống xã hội, sự cải thiện rõ rệt trong nhu cầu sống của người dân. Thế nhưng nhiều người dân vẫn lo các khu đô thị được xây dựng một cách manh mún, chủ đầu tư cam kết một đằng, làm một nẻo... Một loạt khu đô thị sinh thái, khu đô thị mới đang và sẽ tiếp tục ra đời, nhưng liệu chúng có giải toả được các mối lo cũ đang tiềm ẩn trong người dân?


Bỏ tiền tỷ mua sự “ngộp thở”


Khi những khu đô thị mới mọc lên, người ta thường mường tượng về sự hoàn hảo và tính tiện ích của nó. Nhưng thực tế cho họ một lời giải hoàn toàn khác hẳn. Càng ở trong khu đô thị mới, người ta càng thấy xuất hiện những khoảng trống đáng lo ngại. Khảo sát tại các khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội cho thấy một số khu không chợ, trường học và các cơ sở y tế dù đã có người ở hàng chục năm.

Điểm chung của nhiều khu đô thị này là sự tráng lệ của những tòa nhà cao tầng kiên cố, hiện đại nhưng nó giống như một khu đô thị bê tông hóa khi thiếu một phần rất quan trọng, đó là không gian công cộng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Nhiều nơi vẫn chưa có công viên, nhà trẻ, trường học, trạm xá kèm theo dịch vụ y tế, khu thương mại, nơi sinh hoạt cộng đồng...

Bỏ ra hàng tỷ đồng mua nhà tại đô thị mới, nhưng quyền lợi của nhiều người dân vẫn bị chủ đầu tư xâm phạm. Màu xanh tươi mát của tán cây, thảm cỏ tại nhiều khu nhà vẫn thật xa vời. Thay vào đó là những mảng màu xám xịt của bê tông.

Chị Hải Anh, sống tại một khu đô thị ở Hà Nội đã hơn 3 năm bức xúc: “Bỏ đống tiền ra mua nhà, nhưng chúng tôi cảm thấy mình mua được chỗ để ngủ chứ không phải để ở theo giá trị sống đích thực. Nói là khu đô thị nhưng nhìn quanh chỉ toàn bê tông hóa, thiếu vắng cây xanh che nắng trong khi cỏ dại mọc như rừng”. Theo chị Anh, do muốn khu nhà có sức sống hơn, đã tự bỏ công sức mua một số cây trứng cá, dâu da về tự trồng. Những người như chị đành phải tự cải thiện nhu cầu về không gian sống dù biết rằng trong giá bán căn hộ chủ đầu tư đã tính bao gồm cả tiền đầu tư hạ tầng như đường giao thông, điện nước, cây xanh...

Rất nhiều người về sống ở các khu đô thị mới có chung tâm tư như của chị Hải Anh. Thực tế, hầu hết các chủ đầu tư mới chỉ tập trung lo xây nhà để bán còn các hạng mục như cây xanh, thảm cỏ, đấu nối hạ tầng thì thường làm rất chậm, thậm chí là còn bị bỏ lửng.

Tránh theo vết xe đổ


Thời gian gần đây, những cái tên như Thạch Bàn Garden City, Khu đô thị sinh thái Ecopark... đã được người ta nhắc tới như những địa chỉ hấp dẫn đầu tư. Hấp dẫn ở chỗ những khu đô thị này nằm ở phía Đông thành phố, nơi có giao thông, hạ tầng thuận lợi và hứa hẹn mặt bằng giá cả hợp lý.

Không chỉ tận dụng những ưu thế này để “thai nghén” rồi cho ra đời khu đô thị sinh thái Ecopark, mà Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) còn định hình một hướng đi riêng cho mình để tránh theo vết xe đổ của các khu đô thị trước đó. Hướng đi ấy không đơn giản là xây dựng một khu đô thị mới với những dãy nhà chung cư san sát mà là thiết lập một khu đô thị sinh thái đúng nghĩa, một môi trường sống tiện nghi nhưng hài hoà với thiên nhiên... Cũng như vậy, khu đô thị The Pavillion-Thạch Bàn Garden City cam kết “tạo ra một không gian sống lý tưởng cho cư dân với hạ tầng kĩ thuật hoàn hảo và đầy đủ tiện nghi cho cuộc sống hiện đại”.

Nhưng những bất cập của một số khu đô thị phía Tây Hà Nội khiến người dân trở nên nghi ngờ với hướng đi mang tính bền vững của khu đô thị sinh thái. Để giải toả nỗi hoài nghi này, không ai khác chính là chủ đầu tư của các khu đô thị sinh thái. Nhận thức được điều này, dù mới ở giai đoạn đầu của Dự án, song khu đô thị sinh thái Ecopark đã định hình rõ nét hình ảnh về một khu đô thị sinh thái, một không gian sống lý tưởng.

Sau chuyến tham quan khu đô thị về, bác Nguyễn Thị Hạnh, ở phường Bưởi, quận Tây Hồ nhìn nhận: “Chúng tôi cảm nhận được Ecopark đang lấp dần những chỗ trống ở các khu đô thị mới, đặc biệt là sự thân thiện, bền vững của môi trường sống, của không gian xanh mà các khu đô thị khác không có được. Bước chân vào khu đô thị này, chúng tôi không còn thấy những ồn ã, bộn bề cuộc sống thường nhật mà thấy được sự thư giãn, giao thoa với thiên nhiên. Những ai nghĩ rằng khu đô thị mới chỉ là những khu nhà được bê tông hóa, không cây xanh khi đến với Ecopark sẽ phải nghĩ lại”.

Bên cạnh cam kết về tính bền vững của dự án thì nhiều chủ đầu tư khu đô thị phía Đông còn đưa ra đích nhắm đến đối tượng khách hàng phù hợp. Đó là muốn thu hút người dân tới sống ở những khu vực ngoài trung tâm thành phố, dự án ý thức được phải có được những sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh... Chính vì vậy, đối tượng khách hàng mà các dự án này hướng tới là tầng lớp người Việt thu nhập trung bình và trên trung bình. Đây là tầng lớp hiện có tốc độ phát triển nhanh nhất và luôn hứng thú tìm kiếm những dự án có chất lượng.


Với những gì đang diễn ra, người ta cảm nhận về sự tăng tốc của các khu đô thị phía Đông. Và sự trỗi dậy ấy cần phải bắt đầu từ tính bền vững, tránh những vết xe đổ của một số khu đô thị ở phía Tây đang làm mất đi niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng có nhu cầu sử dụng.

Thông tin Doanh nghiệp