Trong tương lai, 62% diện tích Hà Nội sẽ được phủ xanh. Ảnh: Bá Hoạt |
Quy hoạch của Thủ đô bao giờ cũng được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước và cả kiều bào ở nước ngoài đặc biệt quan tâm. Bên lề Hội nghị BCH Đảng bộ TP Hà Nội Khóa XIV, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có cuộc trao đổi với phóng viên về tiến độ xây dựng Đồ án "Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050".
*Thưa Chủ tịch, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội báo cáo Chính phủ so với các quy hoạch đã trình lần trước có gì mới?
Đây là một sự chuyển biến rất lớn. Điểm quan trọng nhất của quy hoạch lần này là đã tiếp thu được những ý kiến đóng góp, kể cả theo hệ thống chính thống của các cơ quan quản lý và đặc biệt là của các chuyên gia. Trong lần 2, thành phố đóng góp không những trực tiếp mà bằng cả văn bản, kể cả minh họa bằng lời, ý tưởng, phương án bản vẽ. Lần này những nhóm tư vấn đã tiếp thu và đưa vào, làm cho lần trình duyệt này gần tiến tới được mục tiêu mà chúng ta mong muốn.
Đó là quy hoạch thành phố Hà Nội như thế nào để phát triển không những về quy mô mà còn cả về chất lượng. Nói bền vững thì cứ nói chung chung thế thôi, Hà Nội đòi hỏi đô thị hiện đại nhưng phải có bản sắc, có cái riêng. Vậy cái riêng là cái gì? Lần này đưa ra được 3 vấn đề trọng tâm, thực hiện được mục tiêu của đô thị hiện đại và bản sắc.
Thứ nhất, phải đặt vấn đề bảo tồn, cải tạo và nâng cấp phố lõi trung tâm đã cấu thành đô thị đa hệ, cổ có, cũ có, hiện đại có. Phải bảo tồn phố cổ như thế nào, kể cả bảo tồn những cái cũ, nâng cấp lên để giữ gìn bản sắc.
Thứ hai, đã nghiên cứu một cách toàn diện, những khái niệm, quan điểm và cơ cấu đô thị xanh. Ở đây, không đơn thuần chỉ là trung tâm, vành đai xanh, hành lang xanh… ngay bản thân ý tưởng đưa ra các khu đô thị lõi, cấu trúc phần xanh nào có trục không gian xanh. Ví dụ, toàn bộ vành đai đô thị mới bọc quanh lõi hiện nay, từ sông Nhuệ đến sông Đáy sẽ cấu thành các cụm đô thị, nhưng người ta đưa ra ý tưởng tạo trục không gian xanh để kết nối của các nhóm đô thị từ phía bắc sông Hồng đến phía nam sông Hồng, từ thượng lưu sông Hồng đến hạ lưu sông Hồng. Đương nhiên, phải tính đến việc bảo tồn, giữ gìn các hồ nước. Ý tưởng về xanh phải như thế, Hà Nội trong tương lai không thể xây kín 100%, mà phải có những không gian xanh.
Thứ ba, hạ tầng cũng thể hiện được là đô thị hiện đại như thế nào? Quy hoạch phải đưa ra định hướng về tổ chức không gian gắn với hạ tầng cho mạch lạc, ví dụ phía bắc sông Hồng thì theo hệ thống gọi là dải không hướng tâm, đường 5 rồi đến đường Vành đai 3 ở bên trên, thành hệ thống dải, theo địa tầng các sông, các ngòi, các hồ. Còn phía nam theo hướng tâm và các vành đai, rất mạch lạc, vành đai 1, 2, 3, 4, 5. Kết nối với nó bằng các hệ thống giao thông công cộng mà chủ yếu là đường sắt trên cao hoặc dưới thấp, khi vào trung tâm hạ xuống ngầm, còn phần lớn trên cao. Bên cạnh đó phải có ý tưởng giải quyết các đường xuyên tâm nổi, chìm từ Bắc Nam, Đông Tây...
Ngoài ra, quy hoạch lần này đã phân tích và đưa ra 22 vấn đề, tức là những tồn tại Hà Nội phải giải quyết, trong đó quan trọng là hạ tầng, không gian, địa chất, tài nguyên. Ví dụ nước sạch, nước ngầm, chúng ta chỉ hạn chế khai thác nước ngầm ở mức độ nào đó thôi, còn lại phải quay sang dùng nước mặt. Rồi giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông như thế nào, vấn đề địa tầng thấp trũng, phân tích kỹ để quyết định mức độ phát triển đô thị ở đó... Lần này, các nhà tư vấn đã quan tâm đến những vấn đề này vì quy hoạch kiểu gì thì quy hoạch, nhưng không phải chỉ có vẽ để hướng tới tương lai mà cần phải có được hướng giải quyết những vấn đề đang đặt ra hiện nay.
*Vậy theo Chủ tịch đánh giá thì tính khả thi của quy hoạch đến đâu?
Theo tôi là khả thi. Cơ bản nhất là nguồn lực thì lần này đã đưa ra bài toán tài chính; đã dự toán, dự tính nguồn lực về tài chính cần bao nhiêu, khai thác ở đâu, như thế nào? Đặc biệt đưa ra lộ trình thực hiện quy hoạch, ví dụ trong hệ thống bản vẽ, đến 2015 mức độ nào, 2020, 2030 hay hình ảnh của Hà Nội đến 2050.
*Theo Chủ tịch, tỷ lệ xanh 62% mà chúng ta đặt ra liệu có khả thi không?
Cái đó chắc còn hơn thế nữa khi bắt đầu đi vào làm cụ thể, bởi vì khái niệm xanh đưa ra là cho cả địa giới hành chính Hà Nội, chứ còn cộng với cái xanh của bản thân nội tại đô thị lại khác nữa.
*Vậy thế còn trung tâm hành chính trong tương lai, chúng ta sẽ đặt ở đâu?
Lần trình thứ 2, Thủ tướng quyết định nghiên cứu tiếp theo 2 bước. Chúng ta vẫn dành một quỹ đất để quy hoạch khu đô thị hành chính quốc gia ở khu vực Hòa Lạc, dọc theo trục hồ Tây - Ba Vì. Đồng thời, giải quyết cho một số cơ quan của trung ương, bộ đưa về quy hoạch tạo thành một trung tâm mới nằm trên trục đó. Riêng trung tâm đô thị hành chính ở Láng - Hòa Lạc chúng ta đã quy hoạch, dành quỹ đất để khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một trung tâm hành chính trên đó.
Còn trước mắt, những cơ quan của bộ cần phải mở rộng thì sẽ quy hoạch đưa ra đô thị vành đai bên ngoài để kéo đô thị trung tâm ra. Tất nhiên, không nhất thiết phải cấu trúc thành một tổ hợp tổng thể như ở thủ đô một số nước vì cái đó cũng đã bộc lộ những bất cập nhất định.
*Xin Chủ tịch cho biết, khái niệm "đô thị lõi" được tính từ đâu?
Lần này chúng ta đã quyết định được phạm vi quy mô của đô thị lõi. Ở phía nam sông Hồng tới hành lang sông Đáy, lõi trung tâm về đến sông Nhuệ, ngoài sông Nhuệ đến sông Đáy là đô thị vành đai, ôm bọc lấy cái lõi. Còn phía bắc là đô thị dải, cả Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, trừ Sóc Sơn là vệ tinh. Dự tính Đồ án Quy hoạch Hà Nội sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2010.
Xin cảm ơn Chủ tịch!
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: