Top

Đánh thuế nhà mà "bỏ quên" động sản là chưa công bằng

Cập nhật 22/11/2009 09:15

Phải dùng công cụ tài chính kéo giá thành bất động sản xuống phục vụ an sinh - đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Chiều 21-11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế nhà, đất, phần lớn đại biểu đều không đồng tình với đề xuất đánh thuế nhà ở có giá trị trên 500 triệu đồng. Thậm chí có đại biểu còn thẳng thắn cho rằng nhà ở, sống, ăn ở, học hành, đi lại là quyền của dân nên không được đánh thuế. Nếu đánh thuế thì chẳng khác gì chúng ta không muốn giàu có, thấy nhà cao cửa rộng, nhà to là cứ muốn đánh thuế.

“Có nhà ở” là quyền của dân, sao lại đánh thuế?

Theo đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), việc dự thảo quy định nhà ở trên 500 triệu đồng phải chịu thuế 0,03% là không hợp lý. Theo ông, có những người phải tích cóp cả đời mới xây được cái nhà lại phải chịu thuế. Trong khi đó, những người mua sắm ôtô, du thuyền, máy bay cũng là sở hữu tài sản lại không phải đóng thuế. Do đó, quy định như trong dự thảo không công bằng.
 

Nhiều đại biểu chưa đồng thuận việc đánh thuế nhà ở trên 500 triệu đồng. Ảnh: HTD


Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) bổ sung, nhiều trường hợp để xây nhà ở phải vay mượn bạn bè, ngân hàng, khi xây dựng cũng phải nộp biết bao nhiêu chi phí, nay nếu tiếp tục bị đánh thuế thì sẽ dẫn đến việc thuế chồng thuế. Hơn nữa, nhà ở là quyền của công dân nên mọi cơ chế, chính sách ban hành phải tôn trọng quyền này. “Thu nhập của người dân còn thấp, thêm một sắc thuế là thêm một nghĩa vụ, khó khăn cho người dân, làm dân chúng không đồng thuận”.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nói từ năm 1990 đến nay, thu nhập đầu người ở nước ta tăng ba lần nhưng giá đất đô thị tăng đến 40, 50 lần. Do đó, chưa đến lúc đánh thuế, thậm chí 10 năm tới cũng chưa nên thu vì với thu nhập hiện nay chỉ cần mong muốn mỗi người có một căn nhà là đủ.

Đại biểu Trương Xuân Quý (Tuyên Quang) cho rằng nếu đánh thuế thì giá trị thu được không nhiều, trong khi đó lại phải mất nhiều chi phí để thực hiện.

Đại biểu Trần Đình Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu) đặt câu hỏi: “Tại sao xây nhà đắt tiền phải chịu thu thuế, còn nhà ít tiền lại không? Phải chăng chúng ta không muốn nhìn thấy sự giàu có?”.

Đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) đặt vấn đề và nêu câu hỏi: “Nếu chúng ta bấm nút thông qua mà xã hội không đồng tình thì trách nhiệm của Quốc hội như thế nào?”.

Chỉ nên đánh thuế vào giới đầu cơ

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng), mục tiêu mà dự thảo luật đưa ra là nhằm tăng cường khả năng quản lý nhà nước với đất đai, hạn chế đầu cơ. Nhưng thực tế hoạt động đầu cơ diễn ra vì lợi nhuận rất cao, nếu có đánh thuế thì mức thuế cũng không theo kịp mức giá, nhất là những nơi đất vàng ở các đô thị lớn. Do đó, bà Hương cho rằng mục tiêu mà dự thảo luật đề ra sẽ không đạt được. Thậm chí việc thu thuế nhà ở sẽ không hề đơn giản chút nào, nhất là việc kiểm kê, đo đạc nên nếu có thực hiện thì chi phí cũng rất lớn mà nguồn thu có được chẳng là bao.

Đại biểu Trần Du Lịch nhìn nhận cơ chế, chính sách không nên đụng đến toàn dân mà chỉ nên đụng đến giới đầu cơ đất. Luật phải hướng đến mục tiêu là dùng công cụ tài chính để hoàn thiện, làm lành mạnh thị trường bất động sản, kéo giá thành bất động sản xuống, phục vụ cho an sinh; điều tiết và không khuyến khích tích lũy tài sản đất đai, đầu cơ. Ông đề nghị chỉ đánh thuế những người có nhiều nhà.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng đề nghị nếu có quy định đánh thuế nhà ở thì phải xây dựng một lộ trình phù hợp. Đồng thời nên quy định về hạn mức nhà ở tối thiểu trên đầu người và không phải tính thuế. Đại biểu Trần Việt Hưng (Hòa Bình) thì bổ sung phương thức nên đánh thuế theo hạn mức đầu người. Ví dụ bốn người trong gia đình thì theo quy định đô thị loại 1 là 8 m2/người, nếu vượt diện tích trên thì mới đánh thuế.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP