Top

Xem lại bức tranh vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội

Cập nhật 27/04/2017 09:43

Ngày 21/5/2016, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Quyết định số 2528/QĐ-UBND về thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra các dự án nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hà Nội, có sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng và sử dụng đất…. Đoàn thanh tra gồm 18 thành viên các Sở Ngành, Trưởng đoàn là ông Nguyễn Hữu Nghĩa Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố Hà Nội.


Ngày 28/2/2017, Trưởng đoàn thanh tra đã ký báo cáo kết quả thanh tra số 1512/BC-STNMT-KTTLN gửi Chủ tịch UBND thành phố; qua báo cáo cho biết từ năm 2001 đến tháng 6/2014 trên địa bàn thành phố có 569 dự án triển khai xây dựng với 4.514,7ha. Lúc đầu Đoàn thanh tra lựa chọn thanh tra 267 dự án, nhưng theo báo cáo do điều kiện hạn chế về thời gian, con người, phương tiện kỹ thuật, đoàn thanh tra mới chỉ thực hiện thanh tra 50 dự án và mới chỉ dừng ở mức xác định hành vi vi phạm, chưa xác định được quy mô vi phạm về quy hoạch, xây dựng, đất đai, giấy phép xây dựng.

Kết quả thanh tra cho thấy – 50 dự án đều có những vi phạm khác nhau và trong đó có 38 dự án/50 dự án sai phạm về quy hoạch, về xây dựng (xây dựng một tầng, thông tầng, vượt diện tích xây dựng so với giấy phép hoặc thiết kế được duyệt, sử dụng sai công năng.v.v..

Đọc báo cáo của Đoàn thanh tra, chắc chắn ai cũng thấy bức xúc, vì năng lực và trách nhiệm của các cơ quan quản lý của thành phố Hà Nội:

Thứ nhất, mặc dù Quyết định thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành không ghi thời gian thanh tra, nhưng hiểu theo Luật Thanh tra thì thời hạn quyết định cũng là 45 ngày, và với thời gian đó, một đoàn thanh tra đông về số lượng (18 thành viên) chắc hy vọng của vi chủ tịch thành phố sẽ thanh tra và phát hiện sai phạm của 569 dự án đã đầu tư xây dựng hoặc chí ít cũng thanh tra được 267 dự án như dự định ban đầu. Thế mà gần 10 tháng với thời gian gấp nhiều lần thời gian quy định của một đoàn thanh tra chỉ thanh tra được 50 dự án – một con số quá nhỏ so với yêu cầu đặt ra? Vị tổng kiểm toán đã từng phê phán, một đoàn thanh tra mà thanh tra tới 200 dự án thì liệu có “cưỡi ngựa xem hoa” không? Tất nhiên cũng không nên lấy “dâu ông lọ cắm cằm bà kia” bởi yêu cầu thanh tra của từng đoàn thanh tra khác nhau, ví dụ: Thanh tra Bộ kế hoạch đầu tư một đoàn thanh tra có thể thanh tra rất nhiều dự án đầu tư của một tỉnh, nhưng họ chỉ xem về chủ trương đầu tư, trình tự lập, phê duyệt dự án, kế hoạch cấp vốn… trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ; đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Xây dựng thì yêu cầu thanh tra việc thực hiện đầu tư, từ khảo sát, thiết kế, thi công… vì vậy một đoàn thường chỉ thanh tra 1 hoặc 2,3 dự án là cùng (tùy theo quy mô của dự án). Còn đoàn thanh tra liên ngành của Hà Nội với yêu cầu thanh tra phát hiện vi phạm bề nổi, thì yêu cầu đã được đặt ra trong quyết định. Như vậy Hà Nội sẽ cần bao nhiêu đoàn thanh tra liên ngành, làm bao nhiêu năm để đáp ứng yêu cầu quản lý do chủ tịch UBND thành phố đặt ra? Rõ ràng yêu cầu quản lý và năng lực quản lý đang là một bài toán chưa có lời giải.

Thứ hai: Yêu cầu của một Đoàn thanh tra là phát hiện sai phạm, đồng thời đối chiếu với pháp luật từng giai đoạn để kiến nghị cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý, nhưng trong báo cáo 50 dự án được thanh tra, mới dừng ở mức độ phát hiện sai phạm, không phát hiện được quy mô và mức độ sai phạm, vì vậy không có căn cứ pháp luật để xử lý từng sai phạm, như vậy kết luận thanh tra UBND thành phố biết xử lý như thế nào? Và câu chuyện đó lại tiếp tục “bỏ ngỏ”; công trình đã xây dựng xong, đã bán cho dân ổn định rồi, có cấp sổ đỏ cho dân không hay sai là phá?

Thứ ba: Qua báo cáo kết quả của Đoàn thanh tra, dù sao con số này có thể tin tưởng được. Mới kiểm tra 50 dự án thì hầu hết đều năm trong sáu nhóm sai phạm (theo phụ lục). Có tới 38 dự án/50 dự án sai phạm về trật tự xây dựng, chiếm tới trên 70% các dự án sai phạm.

Nếu làm một bài toán đơn giản thì có lẽ trong 569 dự án sẽ có tới hơn 350 dự án có sai phạm về trật tự xây dựng? dự luật đặt ra rằng các số liệu do các Sở Ngành thành phố báo cáo về vi phạm trật tự xây dựng trong các cuộc họp hội đồng nhân dân thành phố, báo cáo gửi các Bộ ngành liên quan ngành liên quan thì con số đó lấy ở đâu?

Một thực tế trên địa bàn thành phố Hà Nội hầu hết các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn quận huyện, thì quận huyện chỉ thực hiện 2 nhiệm vụ chính: một là ký văn bản đồng ý đầu tư xây dựng hoặc không đồng ý. Nhiệm vụ thứ 2 là giải phóng mặt bằng; còn lại tất cả hồ sơ về quy hoạch, xây dựng như thế nào, điều chỉnh ra sao thì quận, huyện không được giao bất kỳ một loại hồ sơ gì của dự án, nhưng khi có vi phạm lại quy trách nhiệm cho quận, huyện? việc này trong quá trình thanh tra ở một số quận, huyện, Thành tra Bộ Xây dựng đã kiến nghị làm rõ sự phân cấp giữa UBND thành phố, các Sở, Ngành và UBND quận, huyện trong việc đầu tư xây dựng một dự án trên địa bàn, trách nhiệm cung cấp hồ sơ của các Sở, ngành cho UBND quận, huyện làm cơ sở quản lý trong quá trình đầu tư xây dựng của Chủ đầu tư, có như vậy khi xảy ra vi phạm mới xử lý cán bộ một cách công bằng, minh bạch.

Mặt khác, qua kiểm tra các dự án và các nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể nói hầu hết các công trình đều vi phạm giấy phép hoặc quy hoạch 1/500 đã được duyệt, vi phạm ít nhất là “tầng mái” trở thành tầng nhà ở. Vậy thì có phải do buông lỏng quản lý hay còn có một sự thông đồng giữa các cơ quan quản lý và sai phạm? bởi sai phạm ở đây là phổ biến và công trình cao mấy chục tầng đâu phải là “cái kim”

Cuối cùng, một vấn đề còn đặt ra là cần phải nghiên cứu khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/CP, đối chiếu với các quy định cụ thể để nhanh chóng xử lý các công trình sai phạm, sai phạm nào dù điều kiện tồn tại thì xử phạt và thu lợi “bất hợp pháp “ để cấp sổ đỏ cho dân; sai phạm nào không đủ điều kiện tồn tại thì dỡ bỏ. Bởi luật pháp đặt ra không chỉ hiểu là “phạt cho tồn tại” mà đây là các vi phạm đã xảy ra, chúng ta không kịp thời phát hiện. Vấn đề này không còn dừng ở nhà nước và chủ đầu tư mà liên quan đến sự ổn định của hàng vạn người dân, và họ là những người “vô tội”, đồng thời giữ ổn định xã hội. Không thể để tình trạng như công trình 8b Lê Trực hiện nay, mấy năm rồi hàng trăm người dân vác đơn khắp nơi kêu cứu, công trình thì cưa chặt nham nhở làm ách tắc giao thông và xấu cả một vùng đô thị. Lại một mùa mưa nữa đến, không ai có thể đoán trước các tai nạn có thể ấp đến đầu người dân. Sự “trừng phạt” thì cũng là thỏa đáng, các cơ quan quản lý của Hà Nội cũng có một phần trách nhiệm trong việc vi phạm của một công trình.

DiaOcOnline.vn - Theo Xây Dựng