Top

TPHCM: Khan hiếm căn hộ xanh đạt chuẩn

Cập nhật 20/01/2017 09:43

Dự kiến năm 2016 - 2017, Việt Nam sẽ có hơn 42 công trình, dự án được cấp giấy chứng nhận công trình xanh. Tuy nhiên, chỉ có 5 - 6 công trình thuộc nhóm các dự án khu dân cư, căn hộ, trung tâm thương mại hay trường học…


Việc xây dựng căn hộ “ chuẩn xanh” không chỉ tiết kiệm năng lượng mà còn tạo ra môi trường sống trong lành cho cư dân và cộng đồng. Xu hường này hiện đang được nhà nước khuyến khích các chủ đầu tư áp dụng. Tuy nhiên, hiện tại TPHCM, số lượng các dự án căn hộ đáp ứng đồng thời các tiêu chí “ xanh - chất lượng” rất hiếm hoi. Sở dĩ có tình trạng này là bởi, để đạt chuẩn xanh, các chủ đầu tư thường phải bỏ ra rất nhiều tiền của và công sức. Thực tế, chi phí xây dựng các công trình kiến trúc xanh thường cao hơn các công trình bình thường.

Theo tài liệu của GreenViet, năm 2010 - 2011 Việt Nam chỉ có 2 công trình, năm 2012 - 2013 đạt được 15 công trình và đến năm 2016 - 2017 dự kiến sẽ có hơn 42 công trình dự án được cấp giấy chứng nhận công trình xanh. Các công trình xanh tại Việt Nam hiện đang tập trung đa phần vào ngành công nghiệp (các nhà máy) 15/42 dự án, kế đến là các dự án văn phòng 10/42 dự án. Các dự án khu dân cư, căn hộ, trung tâm thương mại hay trường học đều ở con số rất khiêm tốn: 5 -6/42 dự án. Điều đáng lưu ý hiện nay đó chính là sự phát triển nhanh về số lượng của các công trình xanh tại Việt Nam.

Trao đổi với PV Lao Động, bà Phan Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Trong lĩnh vực xây dựng, đã có nhiều nghiên cứu, lý luận về việc thiết kế và xây dựng công trình xanh phù hợp với các điều kiện khí hậu đặc thù của Việt Nam. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các dự án công trình xanh tại nước ta vẫn còn rất hạn chế. “Nếu như trong năm 2014, tại Sigapore có đến 1.200 công trình được chứng nhận công trình xanh, ở Đài Loan có 500 công trình, ở Malaysia là 125 công trình thì ở Việt Nam chỉ có chưa tới 10 công trình được cấp chứng nhận.

Theo quan điểm của các chuyên gia kiến trúc và xây dựng, những công trình phải tốn kém chi phí, sử dụng vật liệu đắt tiền từ thiên nhiên thì không thể xem là kiến trúc xanh được, bởi vì tiết kiệm năng lượng phải được thực hiện này từ giai đoạn thiết kế - xây dựng. Ví dụ như: Vật liệu tài nguyên có thể tái sử dụng, thân thiện môi trường, thiết kế đổi mới mang tính ứng dụng cao, giảm tiêu thụ điện năng, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.

Bà Melissa Merry Weather - Chủ tịch Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) cho biết: “Đối với quốc gia đông dân như Việt Nam, việc phát triển xây dựng theo LEED sẽ giúp cải thiện môi trường xanh cho cộng đồng và nâng cao chất lượng sống của người dân. Việc áp dụng tiêu chuẩn xanh này tuy chi phí sẽ tăng thêm gần 10% nhưng nhờ tiết kiệm năng lượng, nước và sự hữu ích từ môi trường … nên chi phí phát sinh khi vận hành sẽ không nhiều”.

Tuy nhiên, với thành phố đông đúc, nhiều lao động ngoại tỉnh như TPHCM thì dù các chủ đầu tư đã có tầm nhìn, quan tâm đến khách hàng, môi trường tương lai nhưng giá thành các căn hộ xanh sau khi hoàn thiện sẽ ở mức nào, những người lao động với mức thu nhập không quá cao có thể “mơ ước” được trải nghiệm không gian sống đẳng cấp tiêu chuẩn xanh này không vẫn là một câu hỏi ngỏ chưa có lời giải!

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động