Top

Thở cũng đủ mệt giữa 'khu đất vàng' TP.HCM: 12 người ở nhà 3,5mx1,5m

Cập nhật 16/10/2017 10:54

Khuất sâu trong những con hẻm nhỏ ở 'khu đất vàng' trung tâm Q.1, TP.HCM tồn tại những ngôi nhà 'siêu nhỏ', chật hẹp đến nghẹt thở. 

Hẻm 24 Thủ Khoa Huân, P.Bến Thành, Q.1 giữa trung tâm thành phố. ẢNH: HOÀI NHÂN

Tại hẻm 24, hẻm 11 Thủ Khoa Huân và hẻm 58 Trương Định (Q.1),…có hàng chục hộ nhà chỉ trên dưới 4-5 mét vuông. Với họ, ánh sáng mặt trời là thứ gì đó quá xa xỉ.

Nhà 3,5mx1,5m, 5 thế hệ ở chung

Nằm lọt thỏm giữa một chuỗi nhà hàng, khách sạn, tiệm vàng,… hoành tráng, buôn bán tấp nập là con hẻm 24 Thủ Khoa Huân (P.Bến Thành, Q.1). Con hẻm rộng khoảng hơn 1 mét, phía trước hẻm nhiều người buôn bán hàng nước, bán cơm,… đồ đạc treo lỉnh kỉnh.

Sâu trong hẻm là một khoảng không gian tối tăm, ẩm thấp. Nhìn bên ngoài, ít ai biết đằng sau tuyến đường buôn bán sầm uất là hơn 10 căn nhà có diện tích chỉ khoảng vài mét vuông.

Để đủ cho 5 thế hệ sinh sống trong căn nhà có bề ngang 3,5 m và chiều dài 1,5 m, ông Lê Văn Tân (80 tuổi) phải làm thêm căn gác để có thêm chỗ ngủ cho các cháu. Hàng ngày mọi sinh hoạt của cả gia đình gồm có 12 thành viên bó hẹp trong khoảng không gian như chiếc hộp diêm, nhà vệ sinh trong nhà cũng là nơi rửa chén giặt đồ cho cả gia đình, còn nấu ăn thì đem bếp ra ngoài để sát cửa ra vào mà nấu, phía trên chỗ nấu ăn là chỗ phơi đồ.

Ông Tân kể, trước 1948 gia đình ông mưu sinh khắp nơi rồi dạt về đây, sau đó mua được một căn nhà nhỏ phía ngoài hẻm 24 Thủ Khoa Huân, cạnh đó là khu vực kho chứa hàng của người Hoa, cho đến sau 1975 chủ kho hàng này dọn đi nơi khác để làm ăn, thì chính quyền địa phương mới cho phép các hộ dân sinh sống tại đây, đập tường rồi chia nhau che chắn, xây tạm lại để ở. Đến bây giờ, những bức tường của kho hàng năm xưa vẫn còn.

“Gia đình tôi ở nơi đây cũng hơn 100 năm rồi, từ thời cha tôi cho đến khi tôi đã có chắt như bây giờ. Hiện nhà tôi có 12 người tất cả, nhưng lúc trước tới 18 người, do thấy chật quá người cháu của tôi mới mua căn nhà nhỏ ở đầu hẻm để dọn ra ở riêng”, ông Tân kể.

Với diện tích nhỏ nghẹt thở đến như vậy thì việc cả nhà quây quần bên mâm cơm, hay cùng nhau xem tivi là điều quá xa xỉ. Hàng ngày, tất cả con cái của ông đều đi làm, người thì chạy xe ôm, người thì bán cà phê, bán trái cây,… tối đến thì về nhà chia nhau tắm rửa, rồi mỗi người một nơi, người thì vác ghế bố ra mái hiên của các cửa hàng mặt phố để ngủ, người thì ra trước cửa nhà nằm, mưa gió thì “trúng ai người đó chịu”.

“Còn mấy đứa cháu, chắt, thì được ngủ trong nhà để sáng có sức còn đi học nữa”, ông Tân nói.

Bán nhà không giấy tờ

Đi càng vào cuối hẻm thì thấy càng nhiều ngôi nhà xập xệ, ngột ngạt và tối tăm, một cảnh tượng thật khó ngờ lại xuất hiện ngay giữa “khu đất vàng” trung tâm Q.1.

Ở tận cùng con hẻm là căn nhà gác gỗ của vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng (53 tuổi) và 3 đứa con trai đang sinh sống. So với nhiều hộ dân khác có lẽ căn nhà của anh thuộc diện nhỏ nhất. Với tổng diện tích chỉ vỏn vẹn 3 mét vuông, nhưng cái toilet lại chiếm gần phân nửa, chỉ vừa chỗ cho hai người nằm ngủ.

Hàng ngày, anh Dũng chạy xe ôm, vợ bán cà phê tại khu vực đường Lê Thánh Tôn (Q.1), còn các con của anh, đứa thì chạy GrabBike, đứa thì phục vụ ở nhà hàng,... tối về mạnh ai người đó ngủ. Nằm chung với đống đồ đạc trên gác, con trai của anh Dũng nói: “Nhà nhỏ lắm chú ơi! Cột mục hết rồi, phường mới thay cho cây cột sắt mừng muốn chết”.

“Lúc trước, vợ chồng con cái của thằng em trai ở trên gác, còn vợ với 3 đứa con tôi thì ở dưới đất, vì quá chật nên tôi mang ghế bố ra ngoài đường nằm. Mới đây, thằng em nó mua được một căn nhà nhỏ ở đầu hẻm, nên giờ nhà cũng đỡ chật”, anh Dũng nói.

Như theo lời của anh Dũng thì việc mua bán nhà tại đây cũng khá đơn giản, chỉ cần 2 bên trao đổi thương lượng giá cả, rồi một bên đưa tiền, một bên giao nhà, không cần phải giấy tờ rườm rà, vì nhà tại đây không hề có sổ hồng. Không nói đâu xa, chính căn nhà của vợ chồng anh Dũng đang ở cũng không có giấy tờ chính chủ. Nhưng cho dù bán được nhà, thì anh cũng không bán, vì nơi đây cũng như nhà từ đường, đã gắn bó mấy chục năm.

“Đất tại đây là chính quyền địa phương cấp ở tạm từ hồi đất nước thống nhất tới giờ, nên đâu có sổ sách gì đâu. Muốn bán thì mình chỉ bán cho bà con vòng vòng trong hẻm làm chỗ chất hàng thôi, chứ người nơi khác ai mà dám mua nhà đất không giấy tờ”, anh Dũng tâm sự.

Việc có nhà nhưng không sổ hồng là tình trạng chung của nhiều hộ dân trong khu hẻm 24 Thủ Khoa Huân. Đối với họ, chỉ cần có chỗ che nắng che mưa, đỡ mất tiền thuê nhà là đủ rồi.


Mọi sinh hoạt của người dân tại hẻm 11 Thủ Khoa Huân, P.Bến Thành, Q.1 đều diễn ra ngay trên con hẻm. ẢNH: PHAN ĐỊNH


Vì nhà quá chật nên một hộ dân đã đem đồ đạc để ngay trên đường vào hẻm. ẢNH: HOÀI NHÂN



Căn nhà chỉ vỏn vẹn 3 mét vuông của vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng tại hẻm 24 Thủ Khoa Huân, P.Bến Thành, Q.1. ẢNH: PHAN ĐỊNH)


Vì nhà chật không thể nấu ăn trong nhà nên chị Phan Thị Hoa (49 tuổi, ngụ hẻm 11 Thủ Khoa Huân, P.Bến Thành, Q.1) phải đem ra trước hẻm để nấu. ẢNH: PHAN ĐỊNH


Một hộ dân đang chuẩn bị cơm cho kịp bán vào giờ trưa, bên ngoài hẻm.. ẢNH: HOÀI NHÂN
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên