Top

Thiếu đất cho hạ tầng

Cập nhật 03/01/2012 09:55

Ông Phạm Đình Cường - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) - tại hội thảo “Động viên tài chính từ đất đai để đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở” ngày 30.12 cho biết, từ 2002-2010 diện tích đất chuyển đổi mục đích sử dụng là 140.000ha; trong đó có 62.000ha dùng cho xây dựng nhà ở đô thị có nguồn thu tô đất.

Trong khi đó, thực tế ngân sách đầu tư cơ hạ tầng năm 2012 và vài năm tới đây được dự báo chỉ đáp ứng 46% nhu cầu xây dựng.


Hiện việc huy động tài chính cho hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Bình An

Đề xuất có quỹ đất cho hạ tầng

Năm 2011 cũng chứng kiến hàng loạt các địa phương công bố quy hoạch phát triển đến năm 2020 - tầm nhìn 2030 hoặc 2050. Đáng lưu ý là trong các bản quy hoạch này, diện tích đất đô thị rất cao cùng với nhu cầu vốn đầu rất lớn, nhưng giá trị khoa học và tính khả thi các bản quy hoạch này thì cần phải xem lại. Đơn cử, diện tích đất nghĩa trang đang ngày một phình ra rất nhanh, nhưng trong các bản quy hoạch không hề có một dòng dự báo diện tích cũng như trích dự phòng quỹ đất cho nhu cầu này. Trong khi đó, chúng ta đang đặt mục tiêu giữ cho được 3,8 triệu hécta đất nông nghiệp phục vụ an ninh lương thực. Chính vì thế, quỹ đất dành cho công nghiệp, nhà ở đô thị, cho giao thông, đất nghĩa trang... cần phải được quản lý chặt chẽ hơn nữa.

Nhiều ý kiến đề xuất xây dựng Quỹ dự trữ đất phục vụ hạ tầng; thành lập ngân hàng phát triển hạ tầng; thành lập đơn vị chuyên đi giải phóng mặt bằng thay thế các chủ đầu tư dự án... Tuy nhiên, nhiều ý kiến ái ngại rằng thực tế đất đai ở VN đã trở thành đa sở hữu và quỹ đất đã cạn nên sẽ rất khó có thể có một quỹ đất như vậy. Trong khi đó, quỹ đất sạch tại các địa phương đang bị cạn kiệt nhanh chóng, nhất là các đô thị hiện nay là bài toán nhãn tiền do việc thiếu quy hoạch bài bản hoặc quy hoạch liên tục bị thay đổi, phá vỡ do tư duy nhiệm kỳ trong quản lý hoặc do những người không am hiểu gây ra. Đơn cử TP.Hà Nội, theo Sở Công Thương TP.Hà Nội, đã không có quỹ đất dự phòng cho việc kéo đường dây điện phục vụ nhu cầu của người dân, cảnh báo nguy cơ thiếu điện trong nội thành ngay trong năm 2012.

Khó nâng giá thuê đất

Với câu hỏi làm thế nào để động viên tài chính từ đất cho đầu tư hạ tầng, đã có nhiều giải pháp đã được đưa ra như đổi đất lấy hạ tầng; thay đổi quan điểm thu hồi đất theo hướng các bên cùng có lợi; nâng các nguồn phí xây dựng/dịch vụ trên đất... Tuy nhiên, do chưa có định mức phí phải thu cũng như cơ quan quản lý chưa định lượng được giá trị gia tăng do các công trình hạ tầng đem lại sau khi xây dựng trên quỹ đất được thu hồi nên các nguồn thu đều khó thực hiện. Theo con số Cục trưởng Cục Quản lý công sản cung cấp, nguồn thu từ đất năm 2010 bao gồm thuế đất 1.360 tỉ đồng; tiền sử dụng đất 48.522 tỉ đồng và tiền thuê đất (2.988 tỉ đồng). Theo đó, đóng góp từ đất đai vào ngân sách đã chạm mốc 10%, trong khi đó 90% tiền thu đến từ thuê đất của hơn 500.000 DN (với số thu gần 3.000 tỉ đồng); nhưng nếu chia trung bình, tiền thuê đất đang thấp hơn so với số phải thu. Tuy nhiên, nếu nâng giá thuê đất lên 5-6 lần thì khó khả thi do DN trong năm 2011 gặp quá nhiều khó khăn do suy thoái chung của nền kinh tế.

Còn theo ông Vũ Nhữ Thăng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - hiện nay chính sách động viên từ đất đai ở nước ta nói chung và huy động nguồn lực từ đất đai cho phát triển hạ tầng ở nước ta là khá đa dạng. Hiện có 6 khoản thu khác nhau liên quan đến đất và trở thành một nguồn thu quan trọng cho nhiều địa phương phát triển hạ tầng. “Tuy nhiên, số thu từ đất ở VN chủ yếu liên quan đến khoản tiền phải trả một lần (tiền sử dụng đất). Đây là nguồn thu không ổn định và thiếu bền vững do quỹ đất là hạn chế” - ông Thăng nói. Còn các khoản thu có tính chất thường xuyên như thu từ thuế nhà, đất (thuế đối với nhà đang được miễn) hiện chiếm một tỉ trọng rất nhỏ trong tổng thu NSNN (năm 2010, thu từ thuế nhà, đất chỉ bằng khoảng 0,07% GDP).

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu có cơ chế đúng và phù hợp thì vẫn có thể khơi dậy một nguồn lực tài chính đáng kể từ quỹ đất để các địa phương phát triển hạ tầng. Khi phát triển hạ tầng cơ sở, giá trị gia tăng của quỹ đất sẽ tăng lên. Nhưng vấn đề đặt ra là giá trị gia tăng của đất do việc đầu tư cơ sở hạ tầng đem lại nên được điều tiết theo phương thức nào để có thể có thêm nguồn lực, bù vào chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước. Bởi một nghịch lý ở nước ta hiện nay là Nhà nước đầu tư làm đường, đầu tư hạ tầng và theo đó là giá đất tăng, nhưng vẫn chưa có phương thức điều tiết thỏa đáng.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động