Top

Tạo “sân chơi” bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng ngoại tại Việt Nam

Cập nhật 15/08/2016 09:37

Để góp phần tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng ngoại tại Việt Nam, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông số tư 14/2016/TT-BXD hướng dẫn về cấp giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam.


Thông tư số 14/2016/TT-BXD ra đời có tính pháp lý vững chắc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu nước ngoài tham gia vào hoạt động đầu tư xây dựng tại Việt Nam. (Ảnh: TL)

Thông số tư 14/2016/TT-BXD quy định rõ các nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng tại Việt Nam sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép hoạt động xây dựng. Hoạt động của các nhà thầu này cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Thông tư cũng nêu rõ, điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động xây dựng đối với các nhà thầu phải được thực hiện theo quy định tại Điều 71 Nghị định 59/2015/NĐ-CP.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng đối với tổ chức (nhà thầu nước ngoài) được quy định như sau: Nhà thầu nước ngoài nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ tới cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng được quy định theo mẫu; bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) văn bản về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hoặc hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp; bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) giấy phép thành lập (hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức) và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước, nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp hoặc nơi mà nhà thầu đang thực hiện dự án cấp…

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng có trách nhiệm xem xét hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đúng, không đủ theo quy định phải thông báo và hướng dẫn một lần bằng văn bản cho nhà thầu biết để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Trong thời gian 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng xem xét và cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện theo quy định để được cấp giấy phép hoạt động xây dựng thì cơ quan cấp phép phải thông báo bằng văn bản cho nhà thầu biết.

Nhà thầu sẽ có trách nhiệm nộp lệ phí khi nhận giấy phép hoạt động xây dựng hoặc giấy phép điều chỉnh hoạt động xây dựng theo quy định của Bộ Tài chính.

Để đảm bỏ tính thực thi pháp luật, nhà thầu nước ngoài sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng khi vi phạm một trong những nội dung: Không khắc phục các vi phạm sau khi đã có văn bản yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan từ 02 lần trở lên; đã bị xử phạt vi phạm hành chính đối với công việc thuộc giấy phép hoạt động xây dựng được cấp từ lần thứ 2 trở lên.

Với những hướng dẫn cụ thể về cấp giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, Thông tư số 14/2016/TT-BXD, ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng chính thức ban hành và có hiệu lực được các nhà thầu nước ngoài đánh giá rất cao, coi đây là nền tảng pháp lý vững chắc tạo “sân chơi” giữa các nhà thầu trong và ngoài nước cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, cơ chế thông thoáng, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư, thu hút vốn, công nghệ, khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.

DiaOcOnline.vn - Theo Xây Dựng