Top

Phạt nặng mua bán nhà hai giá

Cập nhật 15/01/2020 09:20

Cơ quan thuế đang áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay siết tình trạng kê khai hai giá nhằm giảm tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp khi chuyển nhượng bất động sản.

Nhiều cá nhân trốn thuế trong chuyển nhượng căn hộ tại dự án Hado Centrosa Garden

Cơ quan điều tra Công an quận 10 (TP.HCM) cho biết, đơn vị này đang tiến hành các bước xử lý việc trốn thuế của một số cá nhân chuyển nhượng (lần 2) tại dự án căn hộ Hado Centrosa Garden (quận 10). Chủ đầu tư bán căn hộ với giá 5 tỷ đồng vào năm 2017 nhưng hợp đồng bán lại căn hộ ghi giá chuyển nhượng chỉ 1 tỷ đồng.

Ông Phạm Hoàng Khanh, Chi cục phó Chi cục Thuế quận 10 cho hay, đây không phải là trường hợp đầu tiên và đối với những trường hợp đã chuyển sang cơ quan điều tra trước đó, cơ quan thuế đều thu thêm được thuế. Theo quy định, giao dịch bán nhà giữa 2 cá nhân phải thực hiện nộp lệ phí trước bạ đối với người mua và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với người bán.

Trường hợp tương tự, TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM thụ lý vụ kiện của bà Đ.T.H yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 1.000 m2 đất và một căn nhà giữa bà với bên mua. Đáng lưu ý là theo nguyên đơn thì một trong các lý do để bà muốn hủy hợp đồng trên chính là có sự trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của bà.

Cụ thể, bà H cho biết thực tế giá mua bán nhà đất là 7,8 tỉ đồng nhưng hai bên thỏa thuận chỉ ghi trên hợp đồng chuyển nhượng là 1,2 tỉ đồng. Với mức giá ghi trên hợp đồng như vậy, bà H chỉ nộp 24 triệu đồng thuế. Số thuế thực nộp này thấp hơn khoảng 6,5 lần so với số thuế lẽ ra bà phải đóng là hơn 156 triệu đồng.

Một cán bộ Cơ quan điều tra Công an TP.HCM cho hay, việc khai giá chuyển nhượng thấp đi trong hợp đồng công chứng khá phổ biến. Đây là hành vi nhằm giảm tiền thuế. Cơ quan điều tra nắm được thông tin trốn thuế nhưng không dễ để xử lý hình sự.

Cụ thể, bên mua và bên bán thỏa thuận với nhau bằng một mức giá khác nhưng giá ghi trên hợp đồng công chứng để tính thuế lại thấp hơn. Do đó, hợp đồng này được xem là "giả mạo" để che giấu giao dịch thực, từ đó tránh nộp thuế. Cơ quan điều tra có thể dựa trên căn cứ này để củng cố hồ sơ xử lý hành vi trốn thuế.

Vị này cũng cho hay, việc khai giá thấp qua các lần giao dịch với nhà ở dự án, căn hộ chung cư sẽ dễ xử lý hơn do giá bán nhà ở dự án, căn hộ chung cư được niêm yết rõ ràng và hợp đồng công chứng cũng ghi đầy đủ giá chuyển nhượng.

Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc hạ thấp giá bán so với giá trị thực khi kê khai là hành vi vi phạm pháp luật về thuế của doanh nghiệp. Khi hạ thấp giá trong hợp đồng, nguồn thu của Nhà nước sẽ bị sụt giảm.

“Các cá nhân tham gia sẽ phải chịu trách nhiệm về tội trốn thuế, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả, tội không tố giác tội phạm...” - luật sư Nguyễn Duy Phương - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích. Ngoài ra, vì hợp đồng được lập để trốn thuế nên vẫn có thể bị tòa án tuyên vô hiệu.

Đối với mức phạt khi trốn thuế, luật sư Nguyễn Huy Việt - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng mức phạt không nhẹ. Điều 200 Bộ luật hình sự 2015 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự quy định, cá nhân trốn thuế lần đầu dưới 100 triệu thì bị xử phạt hành chính.

Cá nhân có hành vi trốn thuế dưới 100 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc từng bị kết án về tội này... thì bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng hoặc bị kết án từ 3 tháng đến 1 năm tù.

Mức xử phạt đối với cá nhân trốn thuế cao nhất là phạt tù đến 7 năm hoặc phạt tiền đến 4,5 tỷ đồng.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN