Top

Nỗi khổ nhà đất - Bài 2: Có nhà mà như ở trọ

Cập nhật 03/10/2017 08:47

Luật Đất đai quy định, dự án kéo dài không quá 5 năm (tính cả thời gian gia hạn), thế nhưng… đến giờ hàng triệu người dân TPHCM sống trong nỗi khổ quy hoạch treo kéo dài hàng chục năm mà không bị xóa.

>>Nỗi khổ nhà đất - Bài 1: Gian nan xin sổ đỏ


Người dân xã Pham Văn Hai, huyện Bình Chánh sống chung với quy hoạch, nhà sập, nước ngập không được xây

Bà con rơi vào cảnh “đi không nỡ, ở không xong”… Ở thì không được xây dựng, không được cấp chủ quyền, sang nhượng không ai mua; còn đi thì chủ dự án không bồi thường, lấy tiền đâu tạo lập chỗ ở mới! Tại sao luật đã rõ, nhưng tại nhiều nơi, chính quyền địa phương lại không thực hiện nghiêm việc xóa quy hoạch để trả lại quyền lợi cho người dân?

Nhà tạm cũng khó…

Nhà ông Trần Trung Trực ở số 5A.12, ấp 5, tỉnh lộ 10 (nay là đường Trần Văn Giàu), xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh hàng chục năm sống chung với… quy hoạch treo! Dù đất nhà ông có sổ đỏ nhưng ban đầu “dính” quy hoạch mở rộng tỉnh lộ 10 (mất 35 m²), còn lại 179m², đến năm 2009, lại bị dính tiếp quy hoạch nút giao đã có bản vẽ 1/2.000. Dù đất có chủ quyền, dù quy hoạch “treo” đã quá hạn 5 năm nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa xóa quy hoạch để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân. Nhà ông bị sập một phần, mưa ngập thành sông, nhưng để xin phép xây dựng không hề đơn giản. Quy hoạch quá hạn 5 năm phải xóa theo luật định thì chính quyền không thực hiện, đã vậy, người dân sống trên đất được cấp quyền sử dụng hợp pháp thì muốn xây phải “cam kết tự tháo dỡ” mà không được bồi thường.

Ông Trực thở dài: “Để có chỗ sinh sống, chúng tôi dùng hết tiền dành dụm để xây nhà, nhưng lại có thể bị đuổi đi bất cứ lúc nào, mà không được bồi thường giá trị căn nhà. Ai sống trong vùng quy hoạch sẽ hiểu, dù sống trên đất của mình nhưng giống như ở nhờ…”.

300 hộ dân sống tại tổ 82, 83, 84, 85 khu phố 12, đường Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp (trước đây là đường Dương Quảng Hàm) phải sống trong thấp thỏm 20 năm qua.

“Khu dân cư mà chúng tôi hiện đang cư ngụ nằm trong khu quy hoạch cây xanh của thành phố đã gần 20 năm. Lẽ ra, theo luật phải xóa quy hoạch, nhưng đến giờ, nhà xuống cấp chỉ được sửa chữa theo hiện trạng, không được làm kiên cố, nhà ngập chỉ được nâng nền. Dù đất gia tộc, con cháu không có chỗ ở nhưng không được xây nhà, nếu muốn xây thì phải “chung chi” hoặc xây lén lút...” - ông Nguyễn Xem, một cư dân ở đây cho biết.

Và sự thật, việc xin xây dựng sửa chữa trong khu quy hoạch dù đã được thành phố cho phép xây dựng tạm nhưng thực tế không hề đơn giản. Một người dân ở huyện Củ Chi đến Báo SGGP than vãn rằng, căn nhà ở trên 20 năm rồi nên bị sập. Gia đình lên xã xin xây dựng lại, xã đùn đẩy không trả lời, nhưng vì trời mưa gia đình bị ngập trong bùn nên quyết định xây lại theo nền nhà cũ. Cán bộ phường đến kiểm tra, gia đình phải dấm dúi để được cho qua, nhưng đến khi cán bộ huyện phát hiện thì đề nghị tháo dỡ vì xây không phép. Hết đường, gia đình phải kêu cứu đến báo. Rõ ràng quy định đã có, người dân trong vùng quy hoạch muốn sửa chữa nhà chỉ cần xin phép ở phường xã, vì sao xã không cấp phép sửa chữa, chúng tôi “alo” làm rõ thì hôm sau người dân mới được xã xác nhận sửa chữa tạm!

Và nỗi buồn an cư…

Chính sách đất đai dù nhiều cải tiến nhưng đến giờ vẫn còn quá nhiều bất cập. Lẽ ra mảnh đất nhiều đời sinh sống, việc cấp chứng nhận là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước chứ không để dân phải “xin”. Đã vậy, nếu người dân nào chưa kịp tiến hành xin sổ đỏ mà lỡ dính vô quy hoạch thì sẽ khổ sở, phải đi chứng minh thời điểm sử dụng, nếu không sẽ bị đền bù thấp. Dù luật quy định dự án không được kéo dài quá 5 năm nhưng hàng ngàn dự án “treo” hàng chục năm, “cột” người dân vào thế bí mà lại không có chế tài xử lý cán bộ không thực thi theo luật! Tại sao không thực hiện xóa quy hoạch theo quy định, mà không một cấp chính quyền hay cá nhân nào phải chịu trách nhiệm? Đây là câu hỏi được người dân thắc mắc nhiều nhất.

Trên đường Dương Quảng Hàm, phường 5 (Gò Vấp), có khoảng 200 hộ dân đang sống trên khu vực được quy hoạch đất phục vụ giáo dục, từ năm 1999 chuyển sang quy hoạch công trình công cộng, đến năm 2012 lại chuyển thành quy hoạch giáo dục. Hiện tại, nơi này đã bàn giao đất cho Trường ĐH Văn Lang (cơ sở 3). Trường cũng đã làm hàng rào hết khuôn viên và đã xây gần xong 1 block cao 12 tầng. Nhưng khoảng 200 hộ lân cận khuôn viên vẫn nằm trong… quy hoạch giáo dục! Người dân nơi đây đã mấy đời sinh sống nhưng đến giờ đến đời con cháu vẫn chưa thể an cư trên mảnh đất ông bà. Bà con chỉ mong muốn nếu quy hoạch thì đền bù để dân được an cư nơi khác, chứ sống có tài sản mà không được sở hữu, có thể bị giải tỏa bất cứ lúc nào.

Tương tự, ở khu vực ngã 3 đường Nguyễn Thị Kiểu và Nguyễn Thị Tràng, phường Tân Thới Hiệp (quận 12), gần 20 năm qua bị quy hoạch cây xanh nên không cho người dân làm sổ đỏ. Đi không có chỗ ở, ở thì không được xây nhà! Nhiều khu quy hoạch khác cũng thế, như khu Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú) cũng nằm trong quy hoạch treo 7 năm; phường Bình Trị Đông A (quận Bình Tân) cũng treo 15 năm nhưng bà con cũng không biết khi nào được đền bù hay khi nào bỏ quy hoạch…

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP