Top

Mặt bằng bán lẻ:

Cuộc chạy đua hút vốn mới

Cập nhật 04/12/2009 09:25

Mặt bằng bán lẻ tại trung tâm TP sẽ ngày càng hiếm.

Hà Nội và TP HCM có lẽ là hai thành phố có nhiều chợ cóc, chợ tạm nhất VN do mặt bằng cho bán lẻ hàng hoá rất thiếu. Có lẽ cũng vì vậy hiện nay, sau khi đổ xô đầu tư vào nhà chung cư cao cấp rồi tới nhà chung cư cấp vừa thì các nhà đầu tư lại đang hò nhau đổ vốn vào "mặt bằng bán lẻ".

Ông Trần Văn Nam ở khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính cho biết, ông vừa đàm phán thuê một mặt sàn diện tích gần 3.000m2 tại khu vực Mỹ Đình với giá 30.000 USD/1 tháng. Đây là diện tích mà chủ đầu tư xây dựng để định kinh doanh dịch vụ ăn uống và giải trí nhưng do một số thành viên góp vốn thay đổi ý định xin rút vốn nên chủ đầu tư đành cho thuê lại. Ông Nam dự định sẽ dành một nửa diện tích trên để đầu tư một khu liên hợp bao gồm bán hàng hoá tiêu dùng, bán đồ mỹ phẩm, dịch vụ thể thao và dịch vụ làm đẹp cho chị em phụ nữ. Nửa còn lại dự kiến cho thuê bán hàng. Cũng theo ông Nam, hiện nay tại Hà Nội nói chung và Mỹ Đình nói riêng, thuê được diện tích gần 3.000 m2 với giá 30.000 USD/tháng là không dễ.

Có thể nói kể từ năm 1992, khi Hà Nội lần đầu tiên xuất hiện loại hình siêu thị với một số siêu thị mini như Seiyu ở Kim Liên hay siêu thị của Cty XK lao động và dịch vụ ở Thanh Xuân thì tới năm 2007 sau 15 năm, cả nước có 140 siêu thị và 20 trung tâm thương mại. Hiện nay, tại TP HCM có 18 trung tâm thương mại và trung tâm thương mại tổng hợp, với tổng diện tích dành cho bán lẻ khoảng 233.000 m2. Hà Nội cũng có 17 trung tâm mua sắm chất lượng cao với tổng diện tích gần 160.000 m2.

Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong khi không ít ngành kinh tế suy giảm do khủng hoảng kinh tế trong thời điểm hiện nay thì bán lẻ hàng hoá vẫn tăng trưởng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2009 ước đạt 105,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đạt 958,3 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2008. Như vậy, loại trừ yếu tố giá thì mức tăng trưởng là 10,1%. Trong các ngành kinh doanh và dịch vụ, kinh doanh thương nghiệp vẫn đi đầu với 751,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,4% tổng mức, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Cùng kỳ này năm 2008, doanh thu bán lẻ tăng hơn 30% so với năm 2007. So với 2006, mức tăng cũng xấp xỉ 30%.

Có thể thấy đây là ngành có sức tăng trưởng khủng khiếp trong khi mặt bằng phục vụ cho hoạt động này tại hai TP lớn là Hà Nội và TP HCM vẫn rất chật chội và thiếu. Con số vài trăm nghìn m2 dành cho bán lẻ hàng hoá tại hai TP lớn nhất nước nói trên thực ra chỉ như muối bỏ bể khi các hãng bán lẻ 100% vốn nước ngoài đầu tư vào VN (DN kinh doanh bán lẻ 100% vốn nước ngoài được vào VN từ 1/1/2009). Hiện nay không ít hãng bán lẻ nước ngoài đã có kế hoạch chinh phục thị trường VN và một thông tin chưa chính thức cho thấy chỉ 1 trong các hãng đó đã đặt thuê tới 40.000 m2, bằng 30% diện tích bán lẻ tại TP HCM hiện nay và bằng 12% diện tích dự kiến có được vào năm 2011.

Theo một DN kinh doanh bán lẻ thì mặt bằng tại các khu dân cư và trong nội đô hiện nay mới thực sự căng thẳng. Các trung tâm thương mại nằm tại khu vực trung tâm Hà Nội đều đã kín toàn bộ với giá thuê khoảng 45 - 55 USD/m2/tháng, còn tại các khu vực ngoài trung tâm hiện đang có giá trung bình là 30 - 35 USD/m2/tháng. Tại TP HCM có những vị trí giá thuê có thể lên tới hàng trăm USD/m2. Tuy nhiên cũng theo DN nói trên, một số vị trí giá rất cao mà các DN thuê cơ bản là do màu cờ, sắc áo, tức là xuất hiện để thể hiện đẳng cấp chứ bán hàng không lại được với chi phí.

Đối với các khu vực không thuộc trung tâm, hiện tại mặt bằng bán lẻ không thiếu. Trong tương lai khi các khu đô thị mới lấp đầy cũng là lúc rất nhiều dự án trung tâm thương mại được xây dựng. Tại Hà Nội có thể điểm qua một số dự án lớn như Savico Plaza với diện tích 50.000 m2 tại quận Long Biên, theo tiến độ sẽ hoàn thành năm 2011. Hay dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower, dành 82.875 m2 cho thuê bán lẻ hàng hoá. Hoặc Indochina Plaza Hanoi dành 19.929 m2 cho thuê bán lẻ sẽ hoàn thành năm 2012... Nếu tính tới cuối 2011, theo kế hoạch sẽ có khoảng 350.000 m2 mặt bằng bán lẻ được đưa vào sử dụng tại TP HCM và 380.000 m2 tại Hà Nội. Hiện nay giá thuê mặt bằng đang cao ngất nhưng trong tương lai gần, giá thuê tại các khu không thuộc trung tâm Hà Nội sẽ không còn hấp dẫn đối với các chủ mặt bằng cho thuê như hiện nay bởi lẽ sẽ có nhiều diện tích mới được đưa vào sử dụng - một DN kinh doanh bán lẻ nhận định. Nhu cầu mặt bằng bán lẻ tăng mạnh khiến lĩnh vực này đang trở thành một kênh hút vốn. Một chuyên gia trong lĩnh vực phân phối hàng hoá nhận định, trên bản đồ bán lẻ hàng hoá, đẳng cấp của DN sẽ vẫn được phân định rõ ràng. Một số khu vực quan trọng như tại trung tâm Hà Nội hay trung tâm TP HCM, các DN lớn sẽ chiếm giữ để thể hiện đẳng cấp mà không chỉ để bán hàng. Thế mạnh của các DN bán lẻ VN hiện nay là đang chiếm giữ được nhiều vị trí quan trọng trong nội đô nhưng thế mạnh này có thể dần mất vì các DN bán lẻ của VN đang thuê mặt bằng và có thể bị các hãng vào sau tranh mất bằng cách trả phí cao.

Hiện nay, không ít nhà đầu tư đang hùn vốn để thuê các mặt bằng bán lẻ rồi cho thuê lại. Với phương pháp kinh doanh trên, một số chuyên gia lưu ý, về cơ bản, giá cho thuê mặt bằng bán lẻ cũng như giá bất động sản, các khu vực trung tâm nội đô sẽ ngày càng cao trong khi các khu vực xa trung tâm thấp dần. Đặc biệt các dự án mới đầu tư, do xây dựng hiện đại, suất đầu tư khá cao nên phí thuê cũng cao. Các dự án này đều ở xa trung tâm và trong tương lai gần chưa thể thu hút được nhiều khách hàng, nhà đầu tư có dự định thuê để cho thuê lại vẫn cần hết sức lưu ý.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp