Top

4 xu hướng đầu tư khách sạn ở châu Á Thái Bình Dương

Cập nhật 28/02/2017 09:59

Đầu tư khách sạn ở châu Á Thái Bình Dương năm 2017 có thể rơi vào khoảng 8-9 tỷ USD, bằng hoặc nhỉnh hơn mức 8,5 tỷ USD năm 2016 với sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á, theo Jones Lang LaSalle (JLL).

Đơn vị này cho biết, năm 2016 hàng loạt các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn điển hình đã diễn ra thành công trong ngành đầu tư khách sạn. Đó là thương vụ Tập đoàn Marriott International mua lại Khu khách sạn và Nghỉ dưỡng Starwood và thương vụ thâu tóm khách sạn Carlson của Tập đoàn du lịch HNA. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2017.

Phó chủ tịch Tập đoàn Dịch vụ Khách sạn JLL, Lauro Ferroni đánh giá, các thương hiệu khách sạn sẽ gia tăng giá trị do nền tảng kinh doanh tốt và thị trường có thể phát triển mạnh theo hướng mua lại hệ thống điều hành để vận hành và xuất hiện nhiều hợp đồng nhượng quyền.

Chuyên gia này nhận định, các nhà đầu tư đến từ châu Á sẽ tiếp tục tăng trong năm 2017, với sự đón đầu của các tập đoàn đến từ Singapore. Nhà đầu tư Hong Kong dựa vào nguồn vốn liên kết với Trung Quốc cũng rất năng động. Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư chủ chốt mặc dù chính phủ nước này đã công bố việc kiểm soát nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào hồi giữa tháng 12 năm ngoái. JLL cũng đưa ra bốn xu hướng của lĩnh vực này dựa trên Báo cáo về Triển vọng Đầu tư khách sạn năm 2017.

Đầu tư ngành khách sạn châu Á Thái Bình Dương được dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan năm 2017. Ảnh: Vũ Lê

Nhà đầu tư Trung Quốc chuộng thị trường truyền thống

Trung Quốc luôn bị hấp dẫn đối với bất động sản khách sạn. Sự mất giá của đồng nhân dân tệ đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm cơ hội tại Mỹ và châu Âu để tối đa hóa lợi nhuận. Nhà đầu tư Trung Quốc sẽ luôn để mắt đến các danh mục tài sản chủ chốt trên toàn cầu như: New York, London, Paris, Hong Kong, Tokyo, và Sydney.

Nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc sẽ được dàn trải trên thị trường khách sạn toàn cầu, nhưng lượng giao dịch sẽ giảm, đặc biệt là đối với các giao dịch trên 1 tỷ USD, do sự kiểm soát nguồn vốn chặt chẽ hơn. Trung Quốc đang bắt tay vào một sự thay đổi lớn trong chính sách được thiết kế để ngăn chặn vốn đầu tư ra bên ngoài.

Đông Nam Á có thể lập kỷ lục mới

Các nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến thị trường khách sạn Thái Lan, Việt Nam, Hong Kong, và Singapore. 4 thị trường này tiếp tục ghi nhận các hoạt động thương mại sôi nổi và du lịch phát triển mạnh. Lượng khách du lịch đến Singapore và Việt Nam đã đạt kỷ lục vào năm ngoái và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Những nhà đầu tư dài hạn đã đến đây với mục đích tìm cơ hội đầu tư vào các khu resort và trung tâm tài chính. 

Malaysia, Cambodia và Myanmar đã diễn ra những giao dịch lớn vào năm ngoái, cũng đang thúc đẩy việc thu hút đầu tư lượng khách du lịch hàng năm. Tuy nhiên, các công ty du lịch đến từ Kuala Lumpua gặp đôi chút khó khăn do đã bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng về giá trong nền công nghiệp hóa dầu và khí đốt.

Nhật và Australia vào tầm ngắm của các nhà đầu tư

Các nhà đầu tư đang tìm kiếm những cơ hội sở hữu bất động sản ở Nhật Bản và Australia trong năm 2017. Nhật Bản được kỳ vọng sẽ có một hoặc hai giao dịch tài sản chủ chốt và các danh mục đầu tư dịch vụ khách sạn cũng bị hạn chế xâm nhập thị trường. Australia sẽ ra mắt những khách sạn mới để làm giảm bớt cuộc khủng hoảng nguồn cung khi quốc gia này đang đối mặt với lượng cầu lớn từ khách du lịch, đặc biệt ở Sydney và Melbourne.

Đặt chỗ nghỉ dưỡng qua mạng đang thúc đẩy thị trường

Theo nghiên cứu của JLL, việc tìm chỗ ở tại các trang mạng như Airbnb và Homeaway chiếm khoảng 10% trên tổng số đặt phòng tại các thị trường hàng đầu thế giới. Ngành công nghiệp khách sạn đang tìm kiếm những đối tác sáng tạo cho giải pháp về chỗ ở điển hình như thương vụ thâu tóm Accorhotel của Onefinestay trong năm 2016.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress