Top

Tạo đòn bẩy cho người nước ngoài mua nhà

Cập nhật 15/10/2017 09:54

Qua hơn hai năm Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực, số lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Đã có trên 750 trường hợp được cấp Giấy chứng nhận sở hữu. Nếu so với số lượng người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, con số này vẫn còn rất khiêm tốn.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) trong 9 tháng đầu năm 2017 đứng thứ hai trong số 21 ngành và lĩnh vực. Tuy nhiên, lượng vốn này chủ yếu đổ vào BĐS công nghiệp và du lịch, số còn lại đổ vào lĩnh vực BĐS thương mại. Điều này cho thấy chính sách cho người nước ngoài đã mở nhưng chưa thông suốt, vẫn còn những nút thắt mà Luật Nhà ở năm 2014 cần tháo gỡ.

Giới hạn sở hữu nhà

Anh Johnathan, quốc tịch Mỹ, là một doanh nhân thường xuyên tới Việt Nam để ký kết các hợp đồng nhập khẩu thủy sản. Qua du lịch và ký kết làm ăn, anh dự định đầu tư vào lĩnh vực BĐS thương mại.

Tuy nhiên, anh bị giới hạn do thời gian sở hữu là 50 năm. Hơn nữa, những người nước ngoài như anh bị giới hạn vị trí, số lượng BĐS được sở hữu. Thủ tục cho người nước ngoài cũng nhiều vấn đề phức tạp hơn công dân Việt Nam. Vậy nên, anh đành gác lại dự định đó, lựa chọn kênh đầu tư khác.

Ngoài khó khăn về chính sách, cũng như nhiều người nước ngoài khác mua nhà ở Việt Nam, anh còn gặp khó khăn về ngôn ngữ. Tại các sàn giao dịch không có sẵn tiếng Anh để người nước ngoài hiểu được. Do đó, những thông tin về dự án, về thủ tục là một trong những rào cản lớn.

Đây chỉ là một trong số hàng nghìn trường hợp người nước ngoài muốn mua nhà ở Việt Nam đang vướng mắc. Vì vậy, phần lớn người nước ngoài khi vào Việt Nam công tác, sinh sống đều chọn cách thuê nhà cho đơn giản, thuận lợi.

Tp.HCM là địa bàn được đánh giá “hấp dẫn” đối với người nước ngoài khi tìm mua nhà ở tại Việt Nam. Một dự án nằm ở vị trí đắc địa của quận 2, Tp.HCM, được mở bán giai đoạn hai có hạn ngạch dành cho người nước ngoài chiếm hơn 30% trong thời gian ngắn. Như vậy, còn nhiều khách hàng là người nước ngoài không có được suất mua căn hộ tại dự án này.

Đánh giá của Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS cho thấy, Luật Nhà ở năm 2014 đã khắc phục được những hạn chế trong các chính sách cũ từ năm 2008. Trong vòng 8 năm trước khi Luật Nhà ở năm 2014 ra đời, chỉ có gần 130 trường hợp người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.

Tạo đòn bẩy cho người nước ngoài mua nhà

Tuy nhiên, sau hai năm, Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực, chính sách này đã đạt được những kết quả tích cực. Đã có trên 750 trường hợp người nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận (nhiều gấp gần 6 lần) so với 8 năm thực thi chính sách cũ theo Nghị quyết số 19/2008/QH11._Đây là đòn bẩy để thu hút người nước ngoài vào Việt Nam sinh sống, được cộng đồng người nước ngoài đồng tình ủng hộ.

Luật Nhà ở năm 2014 có quy định cho người nước ngoài sở hữu BĐS, trong khi Luật Đất đai không có quy định liên quan đến sở hữu đất gắn với BĐS.

50 năm sau sẽ ra sao?

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho rằng hiện nay, theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tối đa là 50 năm, kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm một lần là 50 năm. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với thời hạn sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc giới hạn về thời gian, số lượng và vị trí sở hữu nhà là một trong những “công cụ” nhằm hạn chế người nước ngoài đầu cơ BĐS, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Lý do đưa ra là người ngoài có điều kiện kinh tế hơn, cho nên, nếu họ “ôm hàng”, “gom hàng” ở những vị trí đẹp, căn đẹp… và chờ thời cơ “bung hàng”, chắc chắn người Việt Nam sẽ là người lãnh chịu hậu quả khủng hoảng của thị trường BĐS.

Điều này cho thấy các chính sách quy định về vấn đề sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của người nước ngoài tại Việt Nam cần được làm rõ hơn như quy định về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại các tòa nhà, các dự án nhà ở để đảm bảo không quá chặt chẽ song vẫn phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề sở hữu 50 năm, vấn đề sau khi hết thời hạn 50 năm việc bán lại như thế nào? Đại diện Hội môi giới BĐS Việt Nam cho hay, hội này đã giúp nhiều người nước ngoài bán lại nhà ở Việt Nam. Khi bán, thủ tục diễn ra bình thường nếu dự án đó cho phép người nước ngoài sở hữu vĩnh viễn.

Để thu hút nhiều người nước ngoài mua nhà, đại diện Savills tại Tp.HCM đề xuất Chính phủ cần điều chỉnh giới hạn phù hợp một số loại hình BĐS ở vài khu vực có nhu cầu đặc biệt hơn, như BĐS nghỉ dưỡng hay chung cư hạng A. Như vậy sẽ thu hút được nguồn tiền đầu tư từ người nước ngoài vào thị trường BĐS.

Hiện tại, Việt Nam có hơn 82.000 người nước ngoài và hơn 4 triệu kiều bào đang sinh sống và làm việc. Nhu cầu mua nhà của các đối tượng này khá lớn. Sự linh động của chính sách, thay vì những giới hạn cứng nhắc, sẽ tạo một đòn bẩy thúc đẩy thị trường BĐS phát triển hơn nữa.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh