Top

Môi giới nhà cho khách nước ngoài thuê: Nhiều “ngách” riêng tìm khách

Cập nhật 14/08/2017 09:59

Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong năm 2016, số người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam lên đến hơn 320.000 người.


Môi giới làm việc với khách nước ngoài có nhiều điểm khác biệt so với môi giới làm việc với khách trong nước

Sự gia tăng khách ngoại quốc khiến thị trường nhà cho người nước ngoài thuê trở nên tiềm năng. Môi giới làm việc với khách nước ngoài có nhiều điểm khác biệt so với môi giới làm việc với khách trong nước.

Gian nan tìm khách

Tại Việt Nam, điều kiện tham gia nghề môi giới bất động sản không quá khắt khe. Phần lớn các sàn/công ty đều không yêu cầu kinh nghiệm và chuyên môn đối với ứng viên. Tuy nhiên, ở lĩnh vực môi giới nhà cho người nước ngoài, ứng viên có thể chưa có kinh nghiệm và chuyên môn nhưng việc thành thạo ngoại ngữ (tiếng Anh) là điều kiện bắt buộc.

Môi giới nhà cho khách nước ngoài thuê, ngoài việc hoàn thiện các kiến thức, kĩ năng như  môi giới các phân khúc khác, còn phải không ngừng trau dồi ngoại ngữ, đặc biệt là tìm hiểu văn hóa của người dân những nước hay thuê nhà tại Việt Nam. Chị Trương Cẩm Tú, môi giới nhà cho người nước ngoài thuê khu vực Tây Hồ, Hoàn Kiếm cho biết: “Khách hàng người Nhật và người Hàn rất nguyên tắc và kỉ luật nên kĩ tính và cẩn trọng khi thuê chỗ ở. Họ thường chọn những khu chung cư chất lượng cao đi kèm với điều kiện an ninh chặt chẽ, các tiện ích đầy đủ và đồng bộ. Trong khi đó, khách hàng đến từ các quốc gia phương Tây lại chuộng những không gian sống tự do, không bị ràng buộc bởi các quy định. Do đó, họ có xu hướng chọn thuê biệt thự, nhà riêng khi đến Việt Nam”.

Bên cạnh những cách tiếp cận khách hàng phổ biến và quen thuộc như tin rao, đẩy mạnh quảng cáo google, fanpage, môi giới làm việc với người nước ngoài còn chú trọng thiết lập mối quan hệ với các cá nhân, tổ chức có mối liên hệ với người nước ngoài tại Việt Nam.

Chị Hà Minh Hiền, môi giới nhà cho người nước ngoài thuê khu vực Ba Đình, Đống Đa cho biết, khá nhiều khách nước ngoài không tìm nhà qua các công cụ Internet mà thông qua bạn bè, người quen: “Thông tin từ người thân, bạn bè luôn khiến họ tin tưởng, cảm giác an toàn hơn việc tìm kiếm qua mạng. Điều này không khó hiểu bởi đặt chân đến một quốc gia khác, khách hàng luôn có tâm lý hoang mang và cảnh giác khi tìm nhà”.

Đó là lý do chị Hiền tìm cách kết thân với nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Chị thường xuyên tham gia các câu lạc bộ tình nguyện quốc tế, các chương trình hỗ trợ sinh viên nước ngoài. Chị Minh Hiền chia sẻ: “Tôi thiết lập được nhiều mối quan hệ thân thiết với người nước ngoài từ những chương trình này. Chính bởi vậy, họ thường tìm đến tôi khi chính họ hoặc người quen có nhu cầu tìm nhà tại Việt Nam”.

Khác với Minh Hiền, anh Đặng Tất Thắng, môi giới khu vực Tây Hồ lại tìm nguồn khách nước ngoài qua các hướng dẫn viên du lịch hoặc các trợ giảng người Việt tại các trung tâm ngoại ngữ. Anh luôn trích lại một phần hoa hồng để cảm ơn người giới thiệu nếu giao dịch thành công.

Ngoài ra, phần lớn khách nước ngoài sau khi được môi giới tìm giúp một chỗ ở ưng ý sẽ chủ động giới thiệu bạn bè, người quen cho môi giới đó. Theo anh Tất Thắng, khi thiết lập được mạng lưới chặt chẽ từ các mối quan hệ này, nguồn khách hàng tiềm năng luôn lớn và ổn định hơn so với các khách hàng tìm đến môi giới qua các công cụ marketing online.

Nhiều chủ nhà Việt Nam có thói quen “hét giá” khi khách hỏi thuê là người nước ngoài

Không phải khách nước ngoài nào cũng giàu

Theo các môi giới, người Việt thường mặc định khách nước ngoài đến thuê nhà tại Việt Nam là giàu có. Chính bởi vậy, nhiều chủ nhà có thói quen “hét giá” khi khách hỏi thuê là người nước ngoài. Chị Minh Hiền chia sẻ: “Người nước ngoài đến Việt Nam thuê nhà cũng giống như người tỉnh lẻ lên Hà Nội sinh sống và làm việc. Người có điều kiện, người khó khăn”. Rất nhiều lần chị Hiền đề nghị chủ nhà đưa giá trị cho thuê về đúng với giá thị trường để việc cho thuê diễn ra nhanh chóng, tất cả các bên cùng có lợi.

Khách nước ngoài, nếu là chuyên gia cấp cao, nhân viên các cơ quan ngoại giao, nhân viên các tổ chức phi chính phủ thường chọn thuê nhà riêng, căn hộ cao cấp ở khu trung tâm với mức giá phổ biến từ 650 USD-3.000 USD/tháng. Trong khi đó, sinh viên, nghiên cứu sinh, những người mà công việc có nguồn thu khiêm tốn hơn như dạy ngoại ngữ ở các trung tâm, bán hàng… thường chọn thuê nhà xa trung tâm, nhà giá rẻ để tiết kiệm chi phí.

Các khu giá rẻ được khách nước ngoài chuộng thuê là Hà Đông, Nam Từ Liêm và Thanh Xuân. Chị Hiền từng môi giới cho 2 khách Mỹ dạy tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ căn hộ cao cấp có giá 15 triệu/tháng trên đường Nguyễn Chí Thanh. Nhưng ở được 6 tháng, khách đã phá hợp đồng, chấp nhận mất cọc 1 tháng để thuê  căn chung cư ở Hà Đông có giá chỉ bằng 1/3.

Phần lớn nguồn dữ liệu nhà thuê chính chủ dành cho người nước ngoài đều ở mức giá cao nên khi khách nước ngoài đề nghị thuê nhà giá rẻ, các môi giới làm việc với khách nước ngoài thường “móc nối” với môi giới làm việc với khách trong nước. Chị Cẩm Tú cho biết: “Tôi xác định giúp họ là chính vì phí hoa hồng từ những căn giá rẻ không cao, lại phải chia cùng với môi giới có nguồn hàng nên số tiền công thu về không đáng là bao”.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ