Top

Khu Mả Lạng sẽ thành đất vàng

Cập nhật 16/11/2018 09:24

UBND quận 1, TP HCM đã ban hành các văn bản thu hồi đất tại khu Mả Lạng, sẽ có trên 80% căn hộ được giải tỏa, giá bồi thường dựa trên yếu tố thị trường

Nằm lọt thỏm trong 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh, quận 1 TP HCM, khu Mả Lạng một thời được mệnh danh là một trong 4 chợ trời ma túy lớn nhất cả nước. Hiện khu Mả Lạng đang từng bước chuyển mình trở thành khu trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, trường học, bệnh viện và khu vực tái định cư 900 hộ dân…

Sợ ma "trắng" hơn sợ quỷ

Để vào khu Mả Lạng, tôi phải nhờ một cán bộ cảnh sát quận 1 dẫn đường. Từ hẻm 117 Cống Quỳnh vào sâu chừng 30 m, chúng tôi thấy trời càng tối dần dù đang giữa trưa, những con hẻm chằng chịt, ngoằn ngoèo đến mức chính người cảnh sát khu vực này cũng không nhớ hết lối ra. Anh mách nhỏ: "Ở khu này, muốn ra đường lớn cứ nhìn lên trên, thấy đường dây điện chằng chịt nhất mà đi sẽ ra được".

Nhiều căn hộ ở khu Mả Lạng chật hẹp và tăm tối, thiếu vắng ánh mặt trời

Cách đây gần 20 năm, khu Mả Lạng được mệnh danh là một trong 4 chợ ma túy lớn nhất nước. Anh cảnh sát khu vực dẫn tôi đến thăm ông Chín "cồ", một tay đàn anh ở khu Mả Lạng. Từng có trong tay 20 đàn em chuyên tổ chức đánh bạc, đòi nợ thuê, giờ ông là lão già đạp xích lô bên hông chợ Bến Thành. Khi chúng tôi muốn hỏi về quá khứ cũ, ông Chín "cồ" trầm ngâm: "Chuyện xưa vang bóng một thời nhưng tôi không phải là đàn anh duy nhất ở khu này. Ở đây có trên dưới 20 băng nhóm. Nhưng trong giới giang hồ anh em chia địa bàn rõ ràng chẳng ai đụng đến ai. Các tay buôn ma túy thuê tụi này bảo kê. Hễ kẻ lạ đi vào là tụi này chặn hỏi, cảnh giới nên chợ ma túy vẫn tồn tại mà công an không làm gì được". Tuy nhiên, ông Chín cho biết dù ở ngay "thánh địa" ma túy, các tay buôn lẫn những ông trùm vẫn không giàu nổi, bởi tiền làm ra cũng sa lầy vào "cái chết trắng". Thế rồi, xóm Mả Lạng cứ thế nghèo vẫn nghèo.

Quanh co hơn 30 khúc cua chừng 1 km, chúng tôi dừng chân trước căn nhà chỉ 5 m2 của bà Lê Thị Kim Xuyến (71 tuổi). Bà Xuyến là một trong số ít người đến đây sống khi xung quanh còn rất ít dân cư. Bà Xuyến nhớ lại: "Hồi tôi về đây làm dâu cũng là lúc khu nghĩa địa Mả Lạng vừa được di dời. Ban đầu đến đây sống lo ma quỷ về ám vì mình sống trên đất người chết. Nhưng khi dân đông rồi lại sợ con ma "trắng" (ma túy - PV) hơn". Cả 8 hướng ra vào nhà bà đều là 8 khu chợ ma túy, con nghiện ra vào như trẩy hội. Bà Xuyến kể: "Hồi trẻ, có lần về Tiền Giang thăm bà con, biết tôi ở quận 1 ai cũng trầm trồ. Sau đó, mấy người quen lên Sài Gòn rồi ghé nhà tôi chơi, thấy nhà chỉ đủ 3 người nằm, bên ngoài kim tiêm đầy rẫy, họ hoảng hốt chơi chừng 10 phút rồi về".

Nhà bà Xuyến chưa phải là nhỏ nhất. Có những hộ, cái gọi là nhà cũng chỉ đủ chứa vài vật dụng gia đình và vừa một người ngủ… ngồi. Đêm xuống, các thành viên còn lại phải lôi giường xếp, chiếu… ngủ dọc lối đi con hẻm, thậm chí có người ngủ ngay trên yên xe máy. Vào sâu bên trong các con hẻm, chúng tôi bắt gặp nhiều căn nhà ẩm thấp, vật dụng sinh hoạt giăng đầy lối đi. Ông Lê Văn Thửng, 75 tuổi, tặc lưỡi: "Chúng tôi gắn cả đời mình ngay lòng Mả Lạng mà cũng đã quá mệt mỏi với cảnh tù túng, chật hẹp, ai cũng muốn thoát khỏi cảnh sống trong mấy "hộp diêm" như thế này".

Mong dự án sớm hoàn thành

Tuy nhiên, ông Thửng cũng ghi nhận sự đổi thay cuộc sống của bà con nơi đây so với gần 20 năm trước. Ma túy bị đẩy lùi, đám trẻ được đi học và người lớn bắt đầu chí thú làm ăn, bà con ít chữ nghĩa thì làm công việc chân tay, buôn bán hè phố. Anh cảnh sát khu vực cho biết từ khi về đây phụ trách địa bàn anh không thấy những "thủ lĩnh" nổi cộm nào. Một vài tay anh chị nằm trong diện chú ý đặc biệt của công an giờ cũng chuyển sang buôn bán mì, nui xào ở các vòng xoay gần đó. Số khác chạy xe ôm, buôn thúng bán bưng.

Theo tìm hiểu, dự án giải tỏa khu Mả Lạng bắt đầu triển khai từ năm 2000 và giao cho Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên qua nhiều năm, đơn vị này không đủ năng lực tài chính để thực hiện nên UBND TP HCM đã rút giấy phép và giao cho Công ty TNHH Bitexco làm chủ đầu tư dự án, đề xuất điều chỉnh quy hoạch, chỉnh trang đô thị. Theo đó, sẽ giải tỏa hơn 1.400 căn nhà để xây dựng cao ốc văn phòng - trung tâm thương mại - căn hộ kết hợp. Ông Thửng mong mỏi dự án sớm triển khai bởi mấy chục năm qua là một dự án treo khiến đời sống người dân cứ lềnh bềnh. Mới đây, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 cùng chủ đầu tư đến gặp ông ra giá tiền tỉ. "Đất chúng tôi giờ thành đất vàng" - ông Thửng kỳ vọng.

Theo kết quả điều tra, khảo sát của Công ty Công nghệ Bất động sản Rever cho thấy có khoảng 900 hộ có nhu cầu bố trí ở các căn hộ tái định cư tại chỗ. Giá đất khu vực hiện nay thuộc dạng "đất vàng", từ 120-200 triệu đồng/m2.

Cũng theo thông tin từ UBND quận 1, hiện nay khối lượng công việc đã triển khai được 50%. Từ giữa năm 2018 đã bắt đầu giải tỏa một số điểm vòng ngoài ở khu Mả Lạng. Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư vẫn chưa hứa hẹn thời điểm hoàn thành do kinh phí đền bù quá lớn. Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBDN quận 1, cho biết quận đã kiến nghị để giải tỏa khu này nhằm chỉnh trang đô thị. Sẽ có trên 80% số căn hộ được giải tỏa và đã có các văn bản ban hành thu hồi đất. Giá bồi thường đều dựa trên yếu tố thị trường. Ngoài ra, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vừa được điều chỉnh, UBND quận đang kiến nghị UBND TP tháo gỡ một số khó khăn để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Người dân sẽ được đào tạo, bố trí việc làm

Khu Mả Lạng có hơn 1.800 hộ dân và nhân khẩu lên đến 7.000 người. UBND quận 1 cho biết quá trình triển khai dự án, người dân ở khu Mả Lạng sẽ được hỗ trợ việc đào tạo học nghề. Sau khi triển khai dự án, một phần ưu tiên cho những người tái định cư tại chỗ có công ăn việc làm ổn định.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ