Top

Xi măng hạ giá, hết sốt

Cập nhật 24/06/2008 11:00

Giảm giá, không còn hiện tượng khát cục bộ đẩy lên mức 85.000-90.000 đồng một bao, thị trường xi măng đã trở lại trạng thái bình ổn và dồi dào hàng hóa sau cơn "sốt" bất ngờ ập đến hồi cuối tháng 5.

Qua khảo sát ngày 23/6, tại TP HCM, xi măng đã giảm từ 3.000-7.000 đồng một bao, nhiều cửa hàng bắt đầu phân phối đa dạng các chủng loại xi măng, không còn tình trạng thiếu hụt trầm trọng như trước đây.

Xi măng Holcim tại các cửa hàng bán lẻ vật liệu xây dựng hiện có giá 76.000 đồng một bao, giảm 7.000 đồng so với cuối tháng rồi. Tương tự, xi măng Hà Tiên 1 đang được bán đúng giá niêm yết tại mọi cửa hàng với 72.000 đồng một bao, cộng thêm phí chuyên chở khoảng 3.000 đồng mỗi bao, tùy vị trí công trình nên cũng giảm 5.000-6.000 đồng so với cuối tháng 5.

Lafarge, Fico, Cotec tuy không cam kết niêm yết giá bán như Hà Tiên 1 nhưng vẫn giữ vững 75.000 đồng một bao trong hơn 1 tuần qua. Các loại xi măng khác như: Cẩm Phả, Chinfon, Nghi Sơn, Hoàng Thạch càng dồi dào hơn vì đã được tiếp ứng hàng từ miền Bắc vào.

Trên thực tế, giá xi măng giao tận nơi hiện nay bị phụ thuộc phần lớn vào vị trí công trình đang triển khai. Đối với chủ đầu tư vừa mới chuẩn bị xây dựng, vị trí gần cửa hàng, chủ tiệm sẵn sàng bán rẻ hơn 1.000-2.000 đồng một bao để giữ mối và tiêu thụ được nhiều hàng hơn.

Tuy nhiên, khách mua lẻ một vài bao xi măng, lại ở vị trí cách xa cửa hàng thì phí vận chuyển lại đội lên rất cao, có khi giá chuyên chở lên tới 7.000 đồng một bao.

Giới kinh doanh mặt hàng này giải thích, nếu giá xi măng một số nơi vẫn còn cao là do quãng đường vận chuyển xa và lượng hàng khách mua quá ít, làm đội chi phí chuyên chở lên một khoản nữa. Bởi lẽ, giá bán lẻ ở mức "gốc" của một bao xi măng hiện nay chỉ vào khoảng 72.000 đồng.

Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Lý Chính Thắng, quận 3 (TP HCM) cho hay, hiện xi măng cung ứng ra thị trường đã dồi dào hơn trước nên khách hàng có thể thoải mái lựa chọn loại vật liệu ưng ý cho công trình của mình. Mức giá chênh lệch giữa các loại xi măng cũng không đáng kể vì hầu hết các thương hiệu rất đồng đều về giá cả, chỉ cách nhau khoảng 3.000-5.000 đồng tùy loại.

Tại cửa hàng Hùng Long trên đường Bến Vân Đồn, quận 4 (TP HCM), chủ sạp tiết lộ, hiện nay cơ sở của ông có thể cung ứng cho khách một lần 100-200 bao xi măng, chủng loại đa dạng, mua càng nhiều giá thành càng giảm vì tiết kiệm được chi phí chuyên chở.

Giám đốc một công ty thương mại và dịch vụ, nhà phân phối xi măng lớn tại quận 1, TP HCM, cho biết, tình hình khan hiếm xi măng đã được cải thiện đáng kể và tất cả thương hiệu lớn như Holcim, Hà Tiên 1, Lafarge, Fico, Cotec đều đồng loạt hạ và ổn định giá so với giai đoạn căng thẳng suốt tháng 5.

Trao đổi với PV, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị Công ty liên doanh xi măng Laferge, ông Nguyễn Hữu Phước nhận định, với đà này, đến cuối tháng 6 thị trường sẽ bình ổn trở lại, không còn hiện tượng khan hiếm vật liệu này nữa. Theo đó, giá mặt hàng chiến lược của ngành xây dựng sẽ hạ dần và ngày càng đi vào ổn định, người tiêu dùng cũng dễ thở hơn.

Ông Phước dự đoán, giá xi măng vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 sẽ giữ vững mức giá 75.000 đồng một bao các loại, sẽ không còn trên 80.000 đồng như thời kỳ "sốt" xi măng hồi tháng 5.

Lý giải cho việc hạ giá loại vật liệu xây dựng, ông Phước phân tích, xi măng đầu nguồn đã tăng giá, việc nhập khẩu clinker cũng dễ dàng hơn, doanh nghiệp sản xuất không còn bị bế tắc vì thua lỗ, có thể an tâm sản xuất nên thị trường sẽ tiếp nhận lượng hàng hóa dồi dào. Nơi cung ứng xi măng không bị thiếu hụt hàng sẽ phải bán đúng giá để cạnh tranh với các đơn vị khác.

Lãnh đạo công ty xi măng Lafarge còn cho biết thêm, ngay khi dư thừa hàng hóa, doanh nghiệp buộc phải tính đến việc cạnh tranh với các thương hiệu khác và kích cầu bằng những chương trình khuyến mãi, đãi ngộ khách hàng, nên giá xi măng trong thời gian tới chắc chắn sẽ ổn định và "chuẩn" hơn hiện nay.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp sản vật liệu này than phiền, ngoại trừ các tổng công ty xi măng trực thuộc sự quản lý của nhà nước, được nhiều ưu đãi phải tuân thủ quy định về giá loại sản phẩm này; những đơn vị liên doanh với nước ngoài, hoạt động và tồn tại độc lập thì cần được tự do quy định giá.

Trung tuần tháng 6, UBND TP HCM đã chỉ đạo Cục Thuế và Sở Thương mại kiểm tra hoạt động kinh doanh xi măng trên địa bàn thành phố. Theo đó, Cục Thuế được giao phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quản lý thị trường để kiểm tra kinh doanh xi măng trên địa bàn thành phố nhằm truy thu thuế theo quy định. Sở Thương mại được giao kiểm tra, xử phạt nghiêm các đại lý không niêm yết giá, bán quá quy định và kinh doanh không phép.

Từ ngày 26/5, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong việc nhập khẩu clinker, nguyên liệu chính dùng để sản xuất loại vật liệu xây dựng này, Chính phủ đã giảm thuế nhập khẩu clinker từ 5-10% xuống còn 0% trong năm nay.

Thống kê của Bộ Xây dựng, lượng clinker Việt Nam phải nhập trong năm nay khoảng 4 triệu tấn với giá nhập khẩu lên đến 70-75 USD một tấn, cao nhất từ trước đến nay.

Theo VnExpress