Bộ Xây dựng đã đồng ý cho Tổng Công ty công nghiệp xi măng VN điều chỉnh giá xi măng tăng mỗi đợt 15% vào tháng 8 và tháng 11. Có thể đây là lý do xuất hiện tình trạng nhiều đại lý nhập nhiều nhưng bán... nhỏ giọt, gây khó khăn cho khách hàng.
Đại lý tăng nhập, giảm bán
Anh Đỗ Mạnh Hưng, kỹ sư xây dựng - chủ nhiệm công trình thuộc Công ty Thiết kế và xây dựng nhà Hà Nội, cho biết: “Tôi là khách hàng lâu năm của một đại lý xi măng ở đường Yên Phụ nhưng cách đây 3 ngày là đợt lấy xi măng gần nhất, chủ đại lý chỉ đáp ứng một nửa số xi măng theo yêu cầu. Họ giải thích hàng chưa về kịp nhưng lý do này không thuyết phục”.
Chị Trần Thị Bích Hà, số 50 ngõ 140 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội, bất bình: “Cách đây 10 ngày tôi ra đại lý bán xi măng gần nhà để tìm hiểu giá cả và hẹn lấy 20 tấn xi măng Hoàng Thạch nhưng đến hẹn, chủ cửa hàng lại thay đổi ý định, chỉ cho lấy tạm 5 tấn, dù trong kho xi măng chất cao ngất. Họ bảo đã có người đặt trước, cứ lấy tạm chờ một tuần nữa lấy tiếp”.
Một số chủ công trình xây dựng khác cũng khẳng định, khoảng 1 tuần trở lại đây, việc mua xi măng không dễ.
Trong khi đó theo dõi tại một số nhà máy sản xuất xi măng như Cty xi măng Nghi Sơn, Cty xi măng Bỉm Sơn, Cty cổ phần xi măng Hà Tiên 1, Cty xi măng Hoàng Thạch… cho thấy, doanh số bán ra ở các nhà máy đang tăng khá cao. Hầu hết các đại lý trực thuộc hoặc các đại lý vật liệu xây dựng đã tăng lượng nhập xi măng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với trước đây.
Theo đó, lượng xi măng xuất kho của Cty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 tăng từ 7.000 - 8.000 tấn/ngày lên 9.000 - 10.000 tấn/ngày; xi măng Holcim tăng từ 12.000 - 13.000 tấn/ngày lên 14.000 - 15.000 tấn/ngày; ximăng Fico tăng từ 2.000 tấn/ngày lên 2.500 tấn/ngày... Các nhà máy sản xuất cho biết, vẫn đáp ứng theo yêu cầu của các nhà phân phối!
Qua khảo sát của chúng tôi trước thời điểm chính thức tăng giá xi măng, chẳng chủ đại lý nào thừa nhận việc găm hàng chờ giá của mình, mà đều đổ lỗi do hàng… chưa về kịp?
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam khẳng định, sẽ cùng các cơ quan chức năng kiểm tra tình hình nhập kho, xuất kho, tồn kho, giá bán và niêm yết giá, cũng như việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng với nhà sản xuất của các nhà phân phối, đại lý ximăng.
Khách hàng dở khóc, dở mếu
Phải bù thêm tiền vào chi phí xây cất nhà cửa là tình cảnh dở khóc dở mếu của rất nhiều gia đình. Còn với các nhà thầu thì hiện giá vật liệu xây dựng đã đứng ở mức cao; thậm chí vượt xa sức chịu đựng của các công trình, nên việc đội thêm giá xi măng sẽ khiến các nhà thầu càng thêm căng thẳng.
Theo kỹ sư, chủ nhiệm công trình Đỗ Mạnh Hưng thì chi phí dành cho xi măng không lớn, nhưng tăng trong thời điểm này là gây khó cho nhà thầu.
Vì giá vật liệu xây dựng thời gian vừa qua đã liên tục tăng: thép từ 12.000 lên 20.000 đồng/kg, gạch tăng gần gấp 3 lần, cát, sỏi đá... đều đội giá. Giá xi măng đến chân công trình đã đứng ở mức cao, 930.000- 950.000 đồng/tấn, nay lại tăng thêm, chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”.
Anh Triệu Văn Toản, đội trưởng đội 3, Cty thiết kế xây dựng công trình giao thông 842 khẳng định: Người dân không đủ tiền có thể hoãn lại kế hoạch xây nhà hoặc làm nhà nhỏ đi, nhưng giới xây dựng chuyên nghiệp thì khốn đốn hơn nhiều. Họ như “gà mắc tóc”, biết lỗ vẫn phải cắn răng làm để hoàn thành công trình, bảo vệ uy tín.
Nếu xi măng tăng giá là điều không tránh khỏi, thì cần xem xét lại thời điểm và lộ trình tăng giá. Vừa thông báo đã tăng giá sẽ khiến nhà thầu trở tay không kịp và 3 tháng tăng một đợt thì diễn tiến quá nhanh.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cũng khẳng định: “Giá xi măng tăng sẽ khiến nhà thầu, người xây cất nhà căng thẳng, nhưng bù lại ngành xi măng đã có chủ trương quyết liệt xử lý những đối tượng tự ý đẩy giá lên cao. Vì vậy, nhà thầu, người xây cất nhà yên tâm là sẽ không có chuyện bị “móc túi” vì giá xi măng một cách phi lý, hay có hiện tượng gây nhũng nhiễu làm căng thẳng thị trường”.
Cũng theo ông Thiện thì đến năm 2010, giá xi măng sẽ “dễ thở” hơn, bởi lúc đó nhu cầu sẽ khoảng 50 triệu tấn trong khi tổng công suất thiết kế các dự án sản xuất xi măng lên đến 60 triệu tấn.
Tăng giá là điều tất yếu
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, thời gian qua ngành công nghiệp xi măng đã gặp nhiều khó khăn về thu xếp vốn cho đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố đầu vào như than, xăng dầu, thạch cao, vỏ bao, vật tư phụ tùng thay thế, clinker nhập khẩu cũng tăng mạnh, dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng, đặc biệt là các dự án mới đầu tư.
Từ yêu cầu của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo ngành xi măng thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá và thị trường xi măng trong nước, nhưng để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định và phát triển, việc tăng giá bán theo lộ trình là điều khó tránh khỏi.
Không có chuyện khan hàng
Ông Trần Quang Tuấn, người phát ngôn của Tổng Công ty công nghiệp xi măng VN khẳng định, không có hiện tượng khan hàng. Thậm chí các đại lý, nhà phân phối đang nhập hàng với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ tăng mạnh trong quý IV/2008.
Tổng Công ty Xi măng VN đã chỉ đạo các đơn vị như Hoàng Thạch, Hà Tiên, Bỉm Sơn, Hải Phòng hoạt động ổn định dài ngày để đạt năng suất cao trong quý IV.
Theo Báo Gia Đình
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: