Top

Tranh thủ vật liệu rẻ, dân đổ xô xây nhà

Cập nhật 15/11/2009 08:30

Sức xây nhà tăng vọt nhờ giá VLXD chững mùa cao điểm. Ảnh: Thi Mai

Giá cả chững lại là động lực chính khiến thị trường vật liệu xây dựng đang phải chạy hết công suất phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân. Các chủ cửa hàng vật liệu xây dựng đều nhận định, bất chấp kinh tế khó khăn, “sức xây nhà” năm nay vẫn vượt trội so với các năm trước, nhất là từ tháng 9 trở lại đây.

Sức mua nóng đến nỗi, dù vẫn chưa động thổ, một số khách hàng lo xa đã chấp nhận chi một khoản tiền đặt cọc, đảm bảo vẫn mua được thép với giá rẻ của tại thời điểm hiện tại.

“Sức xây nhà" tăng vọt

Anh Hiệp, chủ đại lý vật liệu xây dựng (VLXD) Xuân Hoà trên đường Ngọc Thuỵ có 4 ô tô chuyên chở vật liệu đến tận chân công trình. Hai tháng trở lại đây, ngày nào 4 ô tô nhà anh cũng phải chạy hết công suất để kịp giao hàng cho khách.

“Từ đầu tháng 9 đến nay, chúng tôi làm không hết việc vì sức xây nhà của người dân năm nay tăng mạnh so với các năm trước”, anh Hiệp cho biết.

Nhiều chủ cửa hàng VLXD cũng có chung nhận định với anh Hiệp. Chị Vân, chủ một cửa hàng chuyên thép, xi măng, gách lát ở Hoàng Mai cho biết, chưa năm nào người dân lại đổ xô xây nhà nhiều như năm nay.

Quả thực, ngoài thép giảm giá liên tục mấy tuần gần đây, theo ghi nhận của VietNamNet, những mặt hàng khác đều đứng giá, thậm chí giảm. Anh Hiệp cho biết, giá gạch chỉ tăng vào mùa mưa nên từ đây đến cuối năm sẽ vẫn giữ nguyên. Hiện gạch đỏ có giá từ hơn 9-11 triệu đồng/vạn, trong đó gạch Đông Anh - Thạch Bàn là đắt nhất, gạch Bắc Ninh, Phúc Yên… thấp hơn vài giá.

Anh Bằng, chủ Xí nghiệp kinh doanh VLXD và Thương mại ở đầu cầu Chương Dương cũng nhận định, giá xi măng từ đầu năm đến giờ không biến động, cát, sỏi, đá theo đó cũng không thay đổi mấy.

“Hiện xi măng Hoàng Thạch đắt nhất, có giá khoảng 102.000đ/tạ nhưng các thương hiệu có giá trung bình hơn từ 83.000đ - 88.000đ/tạ như xi măng Quốc phòng 18, Chinfon... cũng được khá nhiều người sử dụng vì giá rẻ”, anh Bằng nhận xét.

Chủ cửa hàng “chuyên doanh” cát sỏi - Hùng Tươi, cách cầu Chương Dương 200m bên phía Long Biên cũng báo giá: cát vàng đã sàng rồi chỉ 110.000đ/m3, cát đen 40.000đ/m2, đá từ 195 - 210.000đ/m3. Theo chị, với mức đó, giá cát, sỏi không thay đổi so với mấy tháng trước.

Sau một vòng dạo qua các tuyến phố Hà Nội, nhất là các khu đô thị mới Gia Lâm, Đông Anh... phóng viên VietNamNet đều ghi nhận được hình ảnh các công trình đang xây dựng dang dở khắp nơi. Trong nội thành, nội con phố Quán Thánh đã có 4-5 công trình đang “bọc bạt”, còn tại ngoại vi, riêng trong tổ 34 Bắc Biên, Gia Lâm sơ sơ đã có gần 20 nhà đang thi công.

Hàng nội đắt khách dù giá cao
 

VLXD trong nước vẫn đắt khách dù giá cao so với hàng Trung Quốc. Ảnh Thi Mai


Giữa bạt ngàn các chủng loại VLXD, người đi mua “không chuyên nghiệp” rất dễ bị “hoa mắt, chóng mặt”. Anh Hiệp cho biết, xi măng càng thương hiệu mới càng bán rẻ, có khi chênh tới vài chục ngàn đồng/tấn nhưng xi măng Hoàng Thạch vẫn được chuộng nhất dù giá cao.

Riêng về thép, chị Tâm, chủ cửa hàng sắt thép trên đường Đê La Thành cho biết, đắt nhất và được chuộng nhất là thép Thái Nguyên, Hoà Phát. Thép Trung Quốc và thép Đa Hội cũng có bán, giá rẻ hơn đáng kể nhưng chất lượng không đảm bảo, cứng, giòn và dễ gãy nên không hút hàng.

Tuy nhiên, khách mua nhiều, không kiểm soát hết được rất dễ có nguy cơ bị trà trộn thép Trung Quốc và thép Đa Hội lẫn với hàng công ty. Vì thế, theo chị Tâm, khách hàng cần chú ý, mỗi 1m thép hàng công ty đều có logo thương hiệu dập nổi, trong khi thép Trung Quốc và Đa Hội không có, màu sắc xỉn hơn, vân trên thân thép to hơn và không gọn, sắc nét bằng.

Cũng như vậy, gạch ốp Trung Quốc có giá rẻ hơn gạch trong nước từ 15.000-20.000đ/m2 nhưng mỏng, màu sắc lại nhạt nên hầu như không cạnh tranh nổi với gạch nội địa và liên doanh.

“Gạch trong nước tuy giá đắt, từ 65.000-300.000đ/m2 nhưng chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sang lại không bị “đổ mồ hôi” khi trời nồm nên vẫn đắt khách hơn hẳn”, chị Ngọc ở cửa hàng thiết bị vệ sinh trên phố Cát Linh nhận xét.

Đặt tiền trước để giữ giá

 

Nhiều người đã đặt cọc trước để đảm bảo mua được thép rẻ như hiện tại. Ảnh: Thi Mai


Dù giá VLXD đang chững lại nhưng anh Duy Anh, một chủ thầu nhỏ chuyên các nhà dân dụng lại dự báo sức xây dựng “sốt cao” như hiện nay sẽ khiến giá vật liệu xây dựng có thể sớm lên giá.

Suy đoán của anh Duy Anh có cơ sở thực tế. Theo kinh nghiệm bán hàng lâu năm, chị Hương chủ cửa VLXD trên phố Cát Linh cho hay, cuối năm gạch ốp, lát thường bị lên giá. “Từ tầm này đến hết năm là khoảng thời gian hoàn thiện trong mùa xây dựng nên lượng người mua mặt hàng này sẽ tăng nhiều, giá cả chắc sẽ bị kéo lên”, chị Hương nói.

Ngay cả thép - mặt hàng vừa mới giảm tới 3 lần trong tháng 10 cũng không nằm ngoài nguy cơ “ngược dòng” vì nhu cầu tăng mạnh. Anh Bằng, chủ Xí nghiệp kinh doanh VLXD và Thương mại ở đầu cầu Chương Dương nhận định: “Giá thép tăng giảm chưa biết thế nào vì giờ thép vẫn hạ do các đại lý đang cố chờ giảm tận đáy nhưng chỉ cần giá nhích lên một chút, họ lại đổ xô nhập về dự trữ. Lúc đó, thị trường lại lâm vào cảnh khủng hoảng thiếu, đẩy giá thép vọt lên”.

Bởi vậy, dù vẫn chưa động thổ, một số khách hàng lo xa đã chấp nhận chi một khoản tiền không nhỏ đặt cọc để đảm bảo vẫn mua được thép với giá thời điểm hiện tại.

Để chứng minh, anh Bằng giở sổ bán hàng ra, chỉ cho phóng viên VietNamNet một loạt khách đã đặt trước tiền thép. “Họ làm thế là khôn vì mấy tháng nữa dù giá thép tăng hay giảm, họ vẫn được bán với giá mà tại thời điểm đặt tiền. Khách đặt cọc trước có từ người xây nhà cá nhân đến chủ thầu những công trình lớn”, anh Bằng tiết lộ.

Theo khảo sát của VietNamNet quanh các cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hoa Thám, Hồng Hà sang Gia Lâm, Đông Anh, giá cả đều như nhau, vấn đề là người tiêu dùng cần lưu ý khi mua thép hay gạch ốp, lát để tránh mua phải hàng kém chất lượng.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet