Top

Thông tuyến sân bay, cảng biển, cao tốc tại Quảng Ninh

Cập nhật 31/12/2018 09:44

Sáng 30/12, tỉnh Quảng Ninh đồng loạt khai trương, thông tuyến 3 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng.

Tại sự kiện, tỉnh Quảng Ninh đón nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Thay mặt Chính phủ, tôi đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong vấn đề xã hội hóa đầu tư, phát triển hạ tầng ở tỉnh nhà. Không chỉ chuyển từ nâu sang xanh, các đồng chí còn phát triển các loại hình sản xuất, dịch vụ để đưa Quảng Ninh thành tỉnh đóng góp đứng thứ 4 của cả nước”.

Thủ tướng bấm nút vận hành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám làm vì trách nhiệm đối với Tổ quốc, nhân dân và lợi ích của Tập đoàn Sun Group khi đầu tư những công trình có ý nghĩa quan trọng, chất lượng cao ở mọi vùng miền Tổ quốc.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long và cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đều là các công trình quy mô lớn, hiện đại, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách theo hình thức PPP. Đây là điểm đột phá của Quảng Ninh trong chiến lược phát triển kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện.

Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) có tổng vốn đầu tư 7.463 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh Quảng Ninh là 734 tỷ đồng hỗ trợ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Phần còn lại 6.729 tỷ đồng là vốn của nhà đầu tư. Đây là sân bay quốc tế đầu tiên do một tập đoàn tư nhân Việt Nam đầu tư, hoàn thành sau hơn hai năm thi công xây dựng.

Là cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), sân bay quân sự cấp II, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có thể đón được tất cả loại máy bay hiện đại như Boeing 787, 777 và Airbus A350, A320. Sân bay quốc tế Vân Đồn có 6 điểm đỗ máy bay và 4 ống lồng phục vụ hành khách di chuyển từ nhà ga lên máy bay. Công suất nhà ga giai đoạn 1 là 2,5 triệu hành khách/năm, khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn/năm.

Toàn cảnh Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn.

Đề cao trải nghiệm của hành khách, chủ đầu tư đã trang bị tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chuỗi hệ thống trang thiết bị hiện đại nhập khẩu từ những thương hiệu hàng đầu thế giới. Đó là hệ thống đèn hiệu đường băng và sân đỗ đạt tiêu chuẩn CAT II, xuất xứ Bỉ, đảm bảo nguồn điện cấp đáp ứng tiêu chuẩn ICAO sau 1 giây mất điện. Máy bay có thể cất và hạ cánh ở hai đầu đường băng, hệ thống trả khay tự động Ilane của hãng Smiths (Đức) được tích hợp máy soi đa chiều đáp ứng tiêu chuẩn dò chất nổ lỏng Euro Standand 3 tiên tiến nhất khu vực châu Á, lần đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam…

Thiết kế nhà ga Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên của Vịnh Hạ Long. Công trình mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa với mái vòm màu đỏ cam rực rỡ, tựa những cánh buồm no gió xếp chồng lên nhau hướng ra biển lớn. Bên trong nhà ga, hành khách như được du ngoạn trên vịnh di sản, qua những bức bình phong kính họa cảnh thuyền buồm trên sóng nước Hạ Long... Đội ngũ kiến trúc sư (KTS) đến từ Singapore đã đưa rất nhiều khoảng xanh sinh thái vào thiết kế, giúp không gian sân bay ấn tượng như một khu nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, việc đưa vào vận hành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ bổ sung thêm một sân bay chất lượng quốc tế trên bản đồ khai thác hàng không của Việt Nam. Đây là lần thứ hai kể từ sau năm 1975 tại Việt Nam, một sân bay được xây mới (sau sân bay Phú Quốc).

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn mở ra những cơ hội giao thương, phát triển lớn, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.

Với tổng vốn đầu tư 1.032 tỷ đồng, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long có khả năng đón tàu có tải trọng tới 225.000 GRT, tổng số người lên đến 8.460 (gồm cả hành khách, thủy thủ đoàn), phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc. Đây là cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam, xóa “điểm nghẽn” lớn của ngành du lịch tàu biển là các cảng đều đón chung tàu khách và tàu hàng.

Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long có thể chứa hơn 8.000 người.

Không chỉ đạt tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế, công trình còn tạo ấn tượng với du khách ngay từ hạng mục nhà ga rộng 4.500 m2, cao 3 tầng, do KTS hàng đầu thế giới - Bill Bensley thiết kế. Không gian bên ngoài nhà ga hành khách giống như một góc phố cổ bên Vịnh Hạ Long. Bên trong tàu sang trọng, bí ẩn như tầng hầm của con tàu biển thế kỷ 13, với hệ thống cột gỗ, trần gỗ và trần thép, nội thất cầu kỳ cùng 27 khung tranh thể hiện hải đồ và tàu biển cổ.

Khi đi vào hoạt động, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long sẽ tạo ra bước ngoặt phát triển mới cho ngành du lịch Quảng Ninh, mở thêm không gian mới cho hợp tác, phát triển du lịch, kinh tế mang tầm quốc tế. Đây cũng sẽ là đòn bẩy thu hút dòng khách quốc tế sang trọng đến với thành phố di sản, tạo đà cho du lịch bứt phá.

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn trong ngày thông xe 30/12. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhằm kết nối sân bay, cảng biển, cũng trong ngày 30/12, tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn với tổng mức đầu tư 11.857 tỷ đồng đã chính thức được thông tuyến. Tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn được thiết kế tốc độ 100 km/h, quy mô 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hạ Long đến Vân Đồn từ 90 phút xuống còn khoảng 50 phút.

Cùng với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đã thông xe đầu tháng 9, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tạo mạch giao thông cao tốc thông suốt từ Hà Nội đến Vân Đồn, rút ngắn thời gian di chuyển từ 5h xuống còn 2h30 phút, tăng cường kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội Quảng Ninh. Đáng chú ý, sau cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, trong năm 2019, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khởi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, hình thành trục huyết mạch giao thương quan trọng trong khu vực phía Bắc bằng hệ thống cao tốc hiện đại.

Việc tỉnh Quảng Ninh đồng loạt tổ chức khai trương, đưa vào sử dụng chuỗi các công trình giao thông trọng điểm do Tập đoàn Sun Group đầu tư nói trên không chỉ tạo một dấu ấn lịch sử, mà còn là bước ngoặt quan trọng trong việc giải bài toán huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn. Đây cũng là động lực quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư lớn khác, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Zing