Top

Thị trường xi măng với cuộc chiến chất lượng

Cập nhật 20/11/2014 08:46

Không phải ngẫu nhiên, những thương hiệu xi măng hàng đầu tại Việt Nam vẫn âm thầm giành giật thị phần bằng cuộc chiến chất lượng.

Ảnh: Hoài Nam

Câu hỏi mà người tiêu dùng luôn quan tâm là tại sao cùng là xi măng lò quay, cùng loại PCB30 hay PCB40 mà giá cả chênh nhau cả trăm ngàn đồng/tấn, nhưng những sản phẩm đắt tiền vẫn bán hàng tốt? Cũng biết rằng, để bán hàng tốt, bên cạnh câu chuyện về giá, còn có cả hệ thống dịch vụ, thanh toán và chế độ hậu mãi, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là chất lượng của sản phẩm.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Hoàng Cảnh Nguyễn, Tổng giám đốc Xi măng FICO cho biết, FICO luôn giữ ổn định chất lượng cho tất cả các dòng sản phẩm, bao gồm PCB30, PCB40 và xi măng rời. Độ dư mác luôn cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam, chẳng hạn PCB40 đạt mác 42 - 43, xi măng rời khoảng 52 - 53. Đây cũng chính là yếu tố giúp Công ty mở rộng thị trường.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, Xi măng FICO là đơn vị duy nhất tại phía Nam có sản lượng tiêu thụ năm sau cao hơn năm trước với mức tăng bình quân khoảng 10%. Sau 5 năm gia nhập thị trường, hiện FICO chiếm 12% thị phần phía Nam và nằm trong Top 3 thương hiệu lớn tại khu vực này cùng với Hà Tiên và Holcim.

Tại thị trường phía Bắc, Xi măng Cẩm Phả cùng với Thăng Long và Hạ Long từng “nổi tiếng” về việc thua lỗ do suất đầu tư quá cao. Tuy nhiên, sau khi Cẩm Phả về với Viettel và Thăng Long về với Semen Gresikl, thì sự “nổi trội” của 2 nhãn hàng này lại rẽ về 2 hướng khác nhau. Trong khi Cẩm Phả giảm tỷ lệ xuất khẩu từ 45% sản lượng vào năm 2012 còn 15% năm 2014, thì Thăng Long tăng tỷ lệ xuất khẩu lên 40% sản lượng. Không thể phủ nhận chất lượng là nhân tố để Cẩm Phả gia tăng sản lượng tiêu thụ trong nước.

“Xi măng Cẩm Phả giữ mác khoảng 44 đối với PCB40 và mác 50 đối với xi măng rời. Chất lượng ổn định là cách mà Xi măng Cẩm Phả đưa xi măng rời vào các dự án lớn, cũng như gia tăng sản lượng xi măng bao ở phân khúc khác”, ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc Xi măng Cẩm Phả cho biết.

VICEM Hoàng Thạch cũng là một thương hiệu không còn xa lạ đối với thị trường miền Bắc với sản lượng tiêu thụ cao trong khối dân sinh nhờ sự nổi tiếng của thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Tại phía Nam, VICEM Hà Tiên cũng là cái tên không thể thiếu khi liệt kê những “ông lớn” của ngành xi măng.

Theo ông Lê Anh Đức, Trợ lý Tổng giám đốc VICEM Hà Tiên, bên cạnh chính sách bán hàng linh hoạt, thương hiệu uy tín, chất lượng ổn định cũng là một yếu tố mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành xi măng. “Điều này được minh chứng khá rõ ở Hà Tiên khi giá của Hà Tiên luôn nằm trong ‘top trên’ nhưng lượng tiêu thụ vẫn tốt trong khối dân sinh”.

Ghi nhận của Đầu tư Bất động sản tại nhiều dự án bất động sản, những thương hiệu như Hà Tiên, FICO, Cẩm Phả, Hoàng Thạch thường được các chủ đầu tư lựa chọn. Theo một số chủ đầu tư, khi thí nghiệm thì mác bê tông trên trọng lượng xi măng cấp phối phải ổn định, nếu chất lượng không ổn định sẽ khó kiểm soát được chất lượng công trình.

“Trả tiền cao cho vật liệu xây dựng là trả cho sự an toàn và yên tâm về tâm lý”, một chủ đầu tư chia sẻ.

Lý giải nguyên nhân các chủ đầu tư hay nhà thầu chấp nhận mua sản phẩm giá cao, một chuyên gia trong ngành xây dựng phân tích, chẳng hạn với sản phẩm xi măng PCB40, sau 7 ngày mới đánh giá được khoảng 90% chất lượng sản phẩm và phải đến 28 ngày mới đánh giá được 100% chất lượng. Đây là khoảng thời gian khá dài khiến các chủ đầu tư không phải lúc nào cũng “chờ đợi” được. Nếu sau mỗi lần đổ bê tông phải chờ đến cả tháng để kiểm định chất lượng, không biết công trình sẽ kéo dài trong bao lâu, mà thời gian thi công càng dài đồng nghĩa với việc chi phí sẽ bị đội lên.

Hiện thị trường xi măng được phân làm 2 loại rõ rệt: loại xi măng chất lượng ổn định cạnh tranh trên phân khúc dự án lớn, nhà cao tầng; loại chất lượng không ổn định được sử dụng cho các công trình như nhà cấp 4, tường bao, giao thông nông thôn... Mặc dù vậy, khi kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ giảm, cuộc chiến về giá sẽ lại lên ngôi.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản