Top

Thị trường thép xây dựng giữ ổn định trong tháng 8

Cập nhật 18/09/2016 12:22

 Trong tháng 8/2016, giá thép xây dựng tại nhiều địa phương trên cả nước cơ bản được giữ ổn định so với cuối tháng 7.

Sản lượng sản xuất, tiêu thụ và giá bán các sản phẩm thép của các doanh nghiệp trong nước tiếp tục được giữ ổn định. (Ảnh: TL)

Cụ thể, tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động ở mức 11.900 đến 14.150 đồng/kg, tại các tỉnh miền Nam dao động ở mức 11.900 đến 14.250 đồng/kg.

Cũng trong tháng 8, sản lượng sản phẩm thép của các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam đạt 1.532.496 tấn, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2015, và tăng 5,7% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, sản phẩm thép các loại bán ra trong tháng 8 ước đạt 1.300.037 tấn, chỉ tăng 6% so với tháng 7 trước đó; tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2015 mức tăng này đạt 38,7%.

Theo VSA, lượng thép xuất khẩu sản phẩm thép các loại đạt 269.922 tấn, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước, và tăng 9,5% so với tháng 7. Trong đó, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Lượng thép thành phẩm xuất khẩu sang khu vực này tháng 7 đạt gần 145 nghìn tấn, chiếm tỷ trọng 48,7% tổng lượng thép xuất khẩu thép.

Ở chiều ngược lại, lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm nhập khẩu tháng 7/2016 vào Việt Nam đạt hơn 1,81 triệu tấn, với kim ngạch nhập khẩu gần 799 triệu USD. Tính chung tổng lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam từ ngày 01/01/2016 đến 31/7/2016 là hơn 13,7 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 5,15 tỷ USD. Tuy vậy, thép nhập từ một số thị trường như Nhật, Hàn Quốc, Nga... chiếm một nhỏ tổng lượng nhập, nên giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc gần như chi phối toàn bộ giá thép nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), đối với mặt hàng thép, trong thời gian vừa qua xuất hiện tình trạng thép có trọng lượng, kích thước thấp hơn tiêu chuẩn quy định. Thủ đoạn gian lận thương mại chủ yếu của các cửa hàng kinh doanh tôn, thép là bán sai chủng loại khách hàng yêu cầu.

Tại một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ đoạn gian lận chủ yếu là sản xuất thiếu chuẩn kích cỡ khoảng trên dưới 1 mm đường kính. Đối với thép cây, có hai dạng làm giảm đường kính bằng cách sản xuất thân thép nhỏ hơn tiêu chuẩn - thường gọi là thép “gầy”, trong khi phần gân nổi trên thân thép được nhô cao hơn để bù đắp. Loại sắt này nhìn bề ngoài thì không khác gì thép “chuẩn”, nhưng thực tế thì đường kính nhỏ đi chút ít, từ 0,5 - 0,8mm.

Cũng như các mặt hàng vật liệu xây dựng khác, việc gian lận thương mại đối với mặt hàng thép tác động xấu đến thị trường, làm ảnh hưởng đến thị phần và lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính trong nước...


DiaOcOnline.vn - Theo Báo xây dựng