Hiện giá phôi thép trên thế giới vẫn đứng ở mức 600 USD/tấn, nhưng do sự mất giá của VND so với giá USD, các doanh nghiệp sản xuất thép đã phải mua “đắt” thêm khoảng 600.000 đồng/tấn. |
Biến động tỷ giá giữa USD và VND đã khiến cho phí đầu vào của sản xuất thép xây dựng tăng cao, khiến các doanh nghiệp đối mặt khả năng tăng giá bán.
Đó là nhìn nhận của ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).
Trao đổi với phóng viên, ông Nghi cho biết: cuối tháng 10/2010, một số doanh nghiệp sản xuất thép đã bắt đầu điều chỉnh tăng giá bán thép xây dựng thêm từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn. Theo đó, giá thép đang được các nhà sản xuất bán ra ở mức phổ biến từ 13,2 - 13,85 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).
Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa thể bù đắp cho phần chi phí mà các doanh nghiệp đã phải “cõng” thêm do sự tăng giá mạnh của USD so với VND.
Ông Nghi dẫn chứng, trước đây các doanh nghiệp phải mua USD với giá 19.500 đồng/USD thì nay phải mua là 20.500 đồng/USD. Hiện giá phôi thép trên thế giới vẫn đứng ở mức 600 USD/tấn, nhưng do sự mất giá của VND so với giá USD, các doanh nghiệp sản xuất thép đã phải mua “đắt” thêm khoảng 600.000 đồng/tấn. Trong khi nguyên liệu này lại chiếm tới 94% giá thành của sản phẩm thép xây dựng bán ra.
“Vì vậy, các nhà sản xuất có thể sẽ phải tăng giá bán thép xây dựng tối thiểu là 500.000 đồng/tấn thì mới đủ bù đắp các chi phí. Song việc tăng giá cũng còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chấp nhận của thị trường”, ông Nghi cho hay.
Hàng năm, tháng 11 và tháng 12 đều là cao điểm của mùa xây dựng, do đó VSA dự báo lượng thép tiêu thụ sẽ tăng mạnh, ước tính mỗi tháng sức mua sẽ trên 400.000 tấn. Ông Nghi cho rằng đây chính là điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất tăng giá bán để giảm bớt thua lỗ.
Cũng theo VSA, tính đến 31/10, lượng thép tồn kho của các nhà máy là khoảng 270.000 tấn. Các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị được khoảng 480.000 tấn phôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời gian tới. “Do vậy, sẽ không có hiện tượng tăng giá do thiếu hàng”, ông Nghi khẳng định.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: