Top

Cục trưởng Cục Quản lý Giá Nguyễn Tiến Thỏa:

Thép đang bị làm giá: sớm có biện pháp can thiệp

Cập nhật 07/04/2010 11:40

Từ đầu tháng 3- 2010 đến nay, giá thép bán lẻ đã tăng đến sáu lần, với mức tăng gần 2,6 triệu đồng/ tấn. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý khẳng định đây là mức tăng bất thường. Trao đổi với phóng viên, cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho biết:


Giá thép tăng cao ảnh hưởng nhiều đến các công trình xây dựng - Ảnh: Minh Đức

Chúng tôi luôn theo dõi và nắm chặt tình hình về giá thép vì đây là một trong những mặt hàng quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến giá thành xây dựng và một số ngành khác. Thép cũng là mặt hàng trong diện bình ổn giá nên nếu có những biến động bất thường, cơ quan nhà nước hoàn toàn có quyền áp dụng biện pháp bình ổn.

Thanh tra tài chính đã cử nhiều đoàn đi kiểm tra. Bước đầu kết quả cho thấy một số doanh nghiệp thép tăng giá nhưng nhiều yếu tố cấu thành đầu vào chưa hợp lý, có thể tiết giảm được.

* Cụ thể đâu là những yếu tố bất hợp lý, thưa ông?

Để sản xuất 1 tấn thép, chúng ta đã có những định mức nhất định, ví dụ phải mất mấy tấn quặng, bao nhiêu tấn phôi, mấy tấn than, hay mấy trăm kWh điện...

Định mức đã có, nhưng qua kiểm tra chúng tôi phát hiện một số doanh nghiệp thép và cả ximăng sử dụng các nguyên vật liệu không đúng định mức hoặc chưa thật phù hợp. Một số định mức đó, theo đánh giá của chúng tôi còn cao.

Việc sử dụng những nguyên vật liệu động lực ở mức cao đã đẩy giá thành lên cao, trong khi đó theo chúng tôi, nhiều doanh nghiệp thép còn có thể tiết kiệm thêm rất nhiều loại nguyên vật liệu khác nhau để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm thép.

* Nhiều doanh nghiệp thép cho rằng sở dĩ họ phải tăng nhanh và nhiều như vậy vì giá phôi thép tăng, giá quặng tăng... Sự thật thế nào, thưa ông?


Bước đầu có thể nói nhiều doanh nghiệp thép hạch toán chưa đúng chế độ. Chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp tính toán lại các chi phí đầu vào, chi phí cấu thành lên giá thép hiện tại để có thể đưa ra giá cả hợp lý.

Chúng tôi công nhận giá cả thị trường một số mặt hàng cho thép như phôi, quặng đều tăng. Giá xăng, dầu, điện cũng tăng. Tuy nhiên, mức tăng của thép hay cả ximăng đều phải ở khoảng hợp lý chứ không thể nhân cơ hội giá cả đầu vào, giá điện, xăng dầu tăng rồi tăng quá mức được.

* Có doanh nghiệp thép đã tăng đến 20% trong thời gian 15 ngày liên tiếp - điều này có thể áp dụng biện pháp bình ổn giá như quy định giá khung, giá trần. Cục Quản lý giá sẽ có hành động như thế nào?


Không chỉ thép mà chúng tôi đã tổ chức những đoàn đi kiểm tra cả giá các mặt hàng khác như ximăng. Đến nay các đoàn kiểm tra đều hoàn tất và đang trong quá trình tổng hợp để có báo cáo cuối cùng.

Muốn có biện pháp cụ thể phải chờ những kết luận cuối cùng đó. Tuy nhiên, chắc chắn chúng tôi sẽ sớm có giải pháp.

Có thể trước mắt chúng tôi sẽ có văn bản nghiêm túc yêu cầu doanh nghiệp tiết giảm các chi phí, thực hiện đúng định mức để giảm giá thành, giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm giá thành sản phẩm.

Một chuyên gia lâu năm trong ngành thép:

Thị trường “méo mó” vì “sân sau”

Giá thép tăng thời gian qua có thể hiểu một phần do giá phôi nhập khẩu, nhưng kiểu tăng giá của một số doanh nghiệp không thể chấp nhận, nếu không nói thẳng cách tăng “quá hỗn”, phá vỡ nguyên tắc cân đối hài hòa ba lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp sử dụng việc nguyên liệu đầu vào tăng giá, dù có thật, để “chồm chồm” tăng giá bán ra mà bỏ qua tất cả lợi ích là điều thật đáng phê phán.

Thay vì chọn giải pháp chia nhỏ các đợt tăng giá với lộ trình một cách phù hợp, để thị trường kịp “tiêu hóa” mặt bằng giá mới, có doanh nghiệp lại chọn cách tăng gây rất sốc: chỉ hai đợt điều chỉnh đã tăng đến hơn 1,5 triệu đồng/tấn.

Không thể phủ nhận thị trường thép hiện đang bị “méo mó” không thể kiểm soát được do những “sân sau” của không ít doanh nghiệp sản xuất thép lập ra. Ở khía cạnh này rõ ràng quyền lợi của người tiêu dùng không được tôn trọng bởi yếu tố bình đẳng, đạo đức và văn hóa trong kinh doanh đã bị một số doanh nghiệp bỏ qua.

Ông Phạm Chí Cường (chủ tịch Hiệp hội Thép VN - VSA):

Không loại trừ thép đang bị ghim hàng


Có một thực tế là giá nguyên liệu để sản xuất thép như phôi thép, quặng sắt, than... của thế giới đang lên từng ngày. Thị trường VN không nằm ngoài thị trường của khu vực và thế giới khi giá thép tại các nước cũng tăng rất nhanh.

Tôi đơn cử giá phôi thép có doanh nghiệp vừa ký được hợp đồng ở mức 614 USD/tấn, nhưng qua hôm sau đã là 640 USD/tấn và hôm nay mức giá đề nghị là 670 USD/tấn. Còn giá quặng sắt, ba nhà cung ứng lớn nhất của Úc và Brazil đã tăng hơn 50% so với giá của năm 2009, từ mức 85 USD lên 152 USD/tấn.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các công ty thương mại, vốn đang rất tích cực “ôm” thép với khối lượng lớn trong thời gian qua để chờ giá lên, tạo ra lượng tiêu thụ ảo vì họ dự đoán giá thép sẽ tiếp tục tăng, nên tình trạng ghim hàng khó tránh khỏi.

Với kinh nghiệm theo dõi thị trường, lượng thép tiêu thụ trong tháng 3-2010 đã vượt xa dự báo (VSA dự báo khoảng 450.000 tấn - PV) hơn ít nhất 100.000 tấn, tương đương 600.000 tấn.

Tuy nhiên, muốn biết thị trường có như thế hay không, tôi nghĩ Cục Quản lý giá, quản lý thị trường các cấp... phải vào cuộc thông qua việc kiểm tra giá bán, kiểm tra hệ thống phân phối, cơ cấu giá thành...
 


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ