Top

Tata Steel: "Sẽ ưu tiên phôi thép cho thị trường Việt Nam"

Cập nhật 24/01/2008 15:00

Thị trường thép ở VN đang bùng nổ, chiếm khoảng 15% GDP/năm. Tuy nhiên, việc nhập khẩu quá nhiều phôi thép đang gây nên thách thức lớn cho nền kinh tế. Trong bối cảnh ấy, Tata Steel (thuộc Tập đoàn Tata - Ấn Độ) mới đây đã ký Biên bản Ghi nhớ với Tổng Cty Thép VN (VNSTeel) về dự án xây dựng một nhà máy sản xuất thép tổng hợp, có công suất 4,5 triệu tấn/năm.

Nhà máy sản xuất thép tổng hợp này được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp, cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế VN.

Ông Indronil Sengupta, Giám đốc điều hành các dự án tại Đông Nam Á của Tata Steel đã bày tỏ niềm lạc quan về sự vận hành của dự án vì “Chính phủ VN đã ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi”.

* VN có rất nhiều nguồn khoáng sản cho sản xuất thép nhưng thực tế đang phải nhập khẩu cả phôi thép. Dự án của Tata steel liệu có giải quyết được nghịch lý này, thưa ông?

Cách thức đầu tư của Tata Steel là đầu tư vào cả 3 khâu của quá trình sản xuất, từ thu gom nguyên liệu khai mỏ cho đến sản xuất và đưa ra sản phẩm cuối cùng là thép thành phẩm. Chúng tôi đã khảo sát và biết VN có nguồn khoáng sản rất phong phú, chúng tôi sẽ sử dụng những nguyên liệu khoáng sản sẵn có này của các bạn phục vụ cho sản xuất thép, giúp thị trường VN thay thế phần nhập khẩu và đáp ứng nhu cầu trong nước.

Cụ thể là Tata Steel đã ký Biên bản ghi nhớ với Tổng Cty Thép VN về dự án xây dựng một nhà máy sản xuất thép tổng hợp, có công suất 4,5 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư ước khoảng 4,5 - 5 tỷ USD, được triển khai thành nhiều giai đoạn trong vòng 10 năm tại Hà Tĩnh. Chúng tôi tin rằng nhà máy sản xuất thép tổng hợp này sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp, giải quyết được một phần nghịch lý của thị trường thép tại VN hiện nay.

Cam kết của chúng tôi với VN không chỉ dừng lại ở việc phát triển ngành công nghiệp, mà còn là phát huy nguồn nhân lực, đặc biệt tại những vùng quanh các khu kinh tế, công nghiệp. Chúng tôi mong muốn được hợp tác lâu dài với Chính phủ VN để xây dựng ngành công nghiệp thép và khai khoáng vững mạnh cho đất nước.

* Hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất thép tổng hợp này đã triển khai tới đâu rồi, thưa ông?

Để bắt đầu giai đoạn đầu tiên của dự án xây dựng nhà máy này, Tata Steel và VNSteel đã kí một Biên bản Ghi nhớ để phát triển một dự án nhà máy cán thép nguội (CRM - cold rolling mill) vào ngày 31/10/2007. Dự án CRM này sẽ được phát triển theo nhiều giai đoạn song song với nhu cầu đang tăng tại VN, với công suất dự tính là khoảng 1 triệu tấn/năm.

Chúng tôi cũng đã lựa chọn được đơn vị tư vấn đánh giá tính khả thi các hoạt động của dự án là Công ty tư vấn Corus Consulting. Chúng tôi cũng đang tiến hành đăng ký địa điểm xây dựng nhà máy và làm việc chặt chẽ với các cơ quan ban ngành của tỉnh Hà Tĩnh và Khu kinh tế Vũng Áng. Dự án sẽ được khởi công ngay sau khi chúng tôi nhận được đất.

* Tata Steel sẽ ưu tiên bán sản phẩm phôi thép do nhà máy sản xuất cho thị trường VN hay xuất khẩu?

Tất nhiên đa phần phôi thép do nhà máy sản xuất sẽ cung ứng cho thị trường VN. Phần còn lại chúng tôi sẽ cân bằng giữa nhu cầu của thị trường trong nước và nhu cầu xuất khẩu. Căn cứ vào tốc độ tăng trưởng của thị trường thép VN hiện nay khoảng 15%/năm, chúng tôi sẽ tính toán để lượng sản xuất ra vừa vặn với nhu cầu thị trường, vừa cân đối với việc xuất khẩu.

* Ông sẽ nói sao khi VN không phải là nước lớn nhất châu Á và giàu nhất châu Á nhưng lại thu hút được lượng vốn đầu tư gần như nhiều nhất trong khu vực?

Nếu chỉ dùng một câu để lý giải tại sao VN là môi trường đầu tư hấp dẫn, tôi sẽ nói một câu duy nhất: Các bạn hiện đang được hưởng những chính sách tuyệt vời từ những nhà lãnh đạo tuyệt vời! Riêng với Tata Steel, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện hết sức thuận lợi từ phía Chính phủ VN khi tiến hành nghiên cứu tìm hiểu thị trường và tiềm năng khoáng sản tại nhiều địa phương.

Theo Kinh tế Đô Thị