Top

Sắp "khai tử" một số nhà máy thép ngoài quy hoạch

Cập nhật 01/08/2009 09:20

Các nhà máy thép sẽ phải tuân thủ quy trình sản xuất mới hiện đại, ít ô nhiễm. Ảnh: Dân trí.

Bộ Công Thương cho biết, trong quý IV/2009 sẽ tổ chức kiểm tra thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, dừng những những dự án thép không khả thi tại một số tỉnh có nhiều dự án sản xuất thép.

Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản số 4758/BCT-CNNg, ngày 25/5/2009 đề nghị UBND các tỉnh rà soát lại các dự án của các doanh nghiệp ngành Thép thuộc mọi thành phần kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó đánh giá khả năng thực hiện của các dự án đã được cấp phép đầu tư (nêu rõ những dự án không thể triển khai tiếp, dự kiến việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư...) và đề xuất các dự án có khả năng tiếp tục thực hiện đề nghị bổ sung vào quy hoạch ngành Thép.

Bộ Công thương cũng cho biết, sẽ kiến nghị UBND các tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án không đủ các điều kiện đảm bảo (công nghệ và máy móc lạc hậu như lò cao có công suất dưới 200m3; lò điện và lò chuyển dưới 20 tấn/mẻ).

Đối với những dự án thép nằm ngoài quy hoạch nhưng có khả năng tiếp tục triển khai tốt, sản xuất những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được, Bộ sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đề nghị UBND các tỉnh chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án thép đáp ứng tiêu chuẩn công suất tối thiểu đối với lò cao là 700m3; lò điện từ 70 tấn/mẻ và lò thổi oxy từ 120 tấn/mẻ trở lên.

Theo Bộ Công thương, việc có quá nhiều dự án thép ngoài quy hoạch vừa phá vỡ quy hoạch ngành Thép dẫn tới tình trạng dư thừa công suất dẫn đến phá vỡ cân đối, quy hoạch của vùng, các ngành về cân đối năng lượng (điện), nguyên liệu (quặng sắt), vận tải (cảng biển, đường bộ, đường sắt), đặc biệt là môi trường. Ngoài ra, còn gây ra tình trạng đầu tư lãng phí tiềm lực quốc gia làm thiệt hại cho kinh tế.

Thống kê của Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương cho thấy, số lượng các dự án thép đầu tư trong quy hoạch, giai đoạn 2007-2015 là 23 dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng các dự án không có trong danh mục quy hoạch được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã là 32 dự án.

Trong số đó có 3 dự án nhà máy thép liên hợp quy mô lớn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, 5 dự án quy mô vừa đã được Bộ Công Thương có ý kiến thỏa thuận.

Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, nếu tất cả những dự án đăng ký đi vào sản xuất thì tới năm 2015 công suất của toàn ngành Thép trong nước có thể lên tới 28 triệu tấn/năm. Trong khi đó, riêng sản xuất thép cán (thép xây dựng) hiện nay đã đạt công suất 6-7 triệu tấn/năm, dư thừa công suất đến gần 40% so với nhu cầu của thị trường nội địa là 4-5 triệu tấn/năm.

 

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng: Với nhu cầu thép tại thị trường Việt Nam và thị trường các nước trong khu vực thì chỉ cần thêm 2 nhà máy liên hợp có công suất 5-10 triệu tấn/năm trong vòng 5 năm tới là thích hợp.

Ông Cường cũng cho rằng, việc xây dựng quá nhiều dự án thép ở hầu hết các địa phương sẽ làm mất cân đối như: Cân đối năng lượng, vận tải, môi trường... Các dự án thép xây dựng ồ ạt đã chiếm rất nhiều diện tích đất đai của nông nghiệp.

Theo tính toán, mỗi dự án liên hợp thép chiếm từ 1.000-3.000ha, chưa kể đến diện tích cảng biển và các ngành công nghiệp hỗ trợ.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News