Qua rà soát tình hình thực tế tại Hà Nội, hiện nay vật liệu xây không nung đã được sử dụng trong một số các công trình xây dựng, tuy nhiên chủ yếu vẫn là những vật liệu không nung nặng. Việc sử dụng loại vật liệu nhẹ không nung vẫn chưa được phổ biến, vậy nguyên nhân do đâu?
Phát triển vật liệu không nung nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo sự phát triển bền vững.
|
Hiện trên địa bàn Hà Nội chưa có nhà máy sản xuất gạch không nung quy mô lớn, đặc biệt là gạch không nung nhẹ (bê tông bọt, bê tông khí chưng áp); sản lượng gạch không nung chưa nhiều; nguồn cung từ các tỉnh như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… cũng bị hạn chế do vấn đề giao thông, tăng cước phí. Nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu xây dựng dẫn đến tình trạng một số khu vực người dân tự phát sản xuất và vẫn sử dụng gạch nung để phục vụ nhu cầu vật liệu xây dựng tại chỗ.
Ngoài ra, việc sản xuất, sử dụng đất sét nung đã có từ hàng nghìn năm, nhiều khu vực nông thôn, việc sản xuất gạch thủ công được coi như một nghề truyền thống. Sản phẩm gạch thủ công được sản xuất tương đối đơn giản, sử dụng rộng rãi trên toàn địa bàn và có giá thành rẻ hơn gạch không nung, đặc tính dễ thi công, có thể sử dụng trong nhiều công trình nên đã được dùng chủ yếu hiện nay tại Hà Nội.
Việc sử dụng gạch nung đã tạo nên nhiều hệ quả ô nhiễm môi trường, đặt Hà Nội trước những thách thức phải vào cuộc mạnh mẽ trước những hệ lụy của các lò gạch thủ công. Theo lộ trình chấm dứt sản xuất gạch nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ngày 29/9/2011, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4524/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, trên địa bàn Hà Nội đã quy hoạch 39 nhà máy gạch tuynel, công suất mỗi nhà máy khoảng 20 - 40 triệu viên/năm để đến năm 2020 đạt khoảng 1,1 tỷ viên/năm. Đồng thời xây dựng lộ trình đến giai đoạn năm 2016 - 2020 không đầu tư mới sản xuất gạch đất sét nung.
Đối với các lò gạch thủ công, đến nay UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo chấm dứt việc sản xuất gạch không nung bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường, hoàn thành việc xóa bỏ các lò gạch thủ công theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng. Một số khu vực còn các vỏ lò đã ngừng hoạt động, tuy nhiên việc tháo dỡ chưa triệt để. Hầu hết các công trình, dự án khu đô thị và một số dự án khu nhà ở, khu đô thị thuộc các huyện được thiết kế trước năm 2010 chủ yếu sử dụng vật liệu xây nung. Nhưng đến nay một số chủ đầu tư đã chuyển đổi sang sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.
Bên cạnh đó, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các quận huyện, thị xã, Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan triển khai, trong đó có Chỉ thị số 15/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình sản xuất gạch ngói, đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, việc phát triển vật liệu không nung đang gặp phải nhiều khó khăn, bởi việc đầu tư xây dựng nhà máy gạch không nung đòi hỏi vốn lớn, quỹ đất rộng, nguồn lao động cần được đào tạo bài bản, các trình tự đầu tư, thủ tục xây dựng nhà máy mất nhiều thời gian. Do đó, đến nay mặc dù đã được UBND thành phố phê duyệt trong quy hoạch vật liệu xây dựng 18 nhà máy sản xuất gạch không nung (công suất mỗi nhà máy khoảng 20 - 70 triệu viên/năm), song đến nay trên địa bàn Hà Nội hầu hết các nhà máy được quy hoạch đều chưa có dự án đầu tư. Từ những yếu tố trên đã khiến Hà Nội vẫn gặp khó khăn trong việc phát triển loại vật liệu không nung trong các công trình xây dựng.
Ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng: Trong những năm qua, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình xây dựng được khởi công, do vậy việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường có yếu tố quan trọng trong việc phát triển bền vững Thủ đô. Theo lộ trình trong Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ ngừng đầu tư mới các dự án sản xuất gạch nung. Do đó, trong quá trình quá độ, chuyển đổi sang sản xuất và sử dụng gạch không nung, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND các huyện tiếp tục kiểm tra, rà soát, giám sát không để phát sinh thêm các dạng lò thủ công cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tồn tại, sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Được biết, thời gian qua Hà Nội đã xóa bỏ được khoảng 1.751 lò gạch thủ công, trong khi nhu cầu về vật liệu xây dựng lớn, các nhà máy sản xuất gạch tuynel, gạch không nung chưa đủ sản lượng để đáp ứng nhu cầu vật liệu của thành phố. Đặc biệt là nhu cầu vật liệu cho Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các khu vực nông thôn thuộc các huyện xa trung tâm như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì… nơi mà trước đây có hàng trăm lò gạch thủ công hoạt động. Vì vậy, Hà Nội cần tiếp tục hoàn chỉnh, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật thi công, các định mức, đơn giá liên quan đến việc sản xuất và sử dụng các chủng loại vật liệu không nung để có cơ sở áp dụng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thiết kế, chủ đầu tư và nhà thầu thi công.
Phát biểu tại hội thảo “Tăng cường sản xuất và sử dụng hiệu quả vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng”, ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Theo như dự kiến, trong thời gian từ năm 2015 – 2020. chúng ta sẽ sử dụng khoảng 20 - 30 tỷ viên gạch, với việc sản xuất ra 1 tỷ viên gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất, cũng như phải sử dụng khoảng 150 nghìn tấn than, thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2. Do vậy đến năm 2020, nếu như chúng ta sử dụng 100% đất sét nung, mỗi năm sẽ tiêu tốn 50 triệu m3 đất, tương đương với 2.500 ha đất với độ sâu khai thác 2m và diện tích tương đương với một xã.
Ông Phạm Văn Bắc cũng đã đánh giá cao những thành tích của Hà Nội trong việc thực hiện triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng trong Chương trình phát triển vật liệu xây không nung. Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội vẫn ghi nhận còn khoảng hơn 100 lò gạch thủ công cải tiến, mà thực chất là những lò gạch thủ công còn hoạt động. Ông Bắc kiến nghị: Thời gian tới Hà Nội cần tổ chức rà soát, xóa bỏ các lò gạch thủ công, ngoài ra nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khuyến khích phát triển loại vật liệu không nung trong các công trình xây dựng.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: