Top

Ngành vật liệu xây dựng thích ứng với biến đổi khí hậu

Cập nhật 01/05/2012 06:50

Trên địa bàn TPHCM có 305 lò gạch thủ công của 94 cơ sở nằm chủ yếu ở quận 9 và Thủ Đức. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng trong quá trình nung, đốt gạch gây ra, từ năm 2006, TPHCM đã bắt đầu thực hiện việc chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công trên địa bàn TP. Đến nay, tất cả các cơ sở sản xuất gạch nung bằng thủ công tại TPHCM đã không còn.

Đổi mới công nghệ


Sản xuất gạch ngói đất sét nung là ngành nghề truyền thống lâu đời tại TPHCM. Sở Xây dựng TP cho biết, trước năm 2000, đa số các cơ sở sản xuất gạch xây bằng lò thủ công được xây dựng ở các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức, Củ Chi và nay tập trung chủ yếu ở quận 9 và Thủ Đức. Các cơ sở trên hàng năm cung cấp cho thị trường 300 triệu viên gạch nung các loại với nhiều quy cách khác nhau.

Với công nghệ cũ, những cơ sở này dùng đất sét để sản xuất gạch được mua trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ, được vận chuyển từ các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương… Chất đốt để nung gạch là các loại than đá, củi, cây cao su, phế liệu từ sản phẩm lâm nghiệp, vỏ trấu, bao ni lông, vỏ xe phế thải… Việc sử dụng các chất đốt này đã thải ra một lượng lớn khí độc hại tác động đến môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng cư dân. Ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư mà còn dẫn đến lãng phí tài nguyên đất nông nghiệp vốn ngày càng hạn hẹp, làm ảnh hưởng đến chương trình an ninh lương thực.


TPHCM không còn cơ sở gạch nung đất sét bằng thủ công. Trong ảnh: Một cơ sở gạch nung đất sét tại quận 9 trước đây. Ảnh: HUY ANH

Trước tình hình đó, thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) không nung đến năm 2020 của Chính phủ, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để phổ biến đến các quận – huyện về chủ trương thực hiện chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công trên địa bàn TP. Sở cùng các đơn vị liên quan cũng đã tuyên truyền, phổ biến và tổ chức các hội nghị chuyển đổi ngành nghề cho chủ cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công. Sở Xây dựng cũng đã phối hợp với Hiệp hội Xây dựng và VLXD TPHCM tổ chức các chuyên đề “Phát triển VLXD không nung”, giới thiệu các dây chuyền, thiết bị sản xuất VLXD không nung và ưu điểm của sản phẩm này để các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là các đối tượng chuyển đổi nghề từ sản xuất gạch nung từ lò thủ công trên địa bàn quận 9 và Thủ Đức tìm hiểu, đầu tư. Phát triển sản xuất, sử dụng VLXD không nung thay thế gạch đất sét nung là xu hướng tất yếu của ngành công nghệ VLXD hiện đại và bền vững, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về phía địa phương, UBND quận 9 cũng đã tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện chuyên chở đất nguyên liệu để sản xuất gạch nung bằng lò thủ công; thu hồi giấy chứng nhận đăng ý kinh doanh hộ cá thể đã cấp cho các cơ sở với ngành nghề sản xuất VLXD; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Cụm Công nghiệp Long Sơn để tạo điều kiện cho các cơ sở có nhu cầu chuyển đổi công nghệ vào tham gia sản xuất… Với sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa Sở Xây dựng, UBND quận 9, UBND quận Thủ Đức và các sở - ngành liên quan, đến nay tất cả các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công trên địa bàn TP đều đã dừng hoạt động. TPHCM là một trong những tỉnh thành đi đầu trong việc chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công theo chủ trương của Chính phủ. Ông Nhạn cũng cho biết, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra thường xuyên, xử lý, kết hợp tuyên truyền, vận động, đảm bảo không tái sản xuất gạch nung bằng lò thủ công trên địa bàn TP.

Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp

Là ngành nghề truyền thống, sản xuất gạch đất sét nung đóng vai trò rất lớn trong việc tạo ra công ăn, việc làm cho người dân. “Chính vì thế, trong quá trình thực hiện việc chấm dứt các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công, Sở Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, phân loại các cơ sở sản xuất nằm trong và ngoài dự án đầu tư; thống kê phân loại lao động để xác định lao động nhập cư hay địa phương; phân số lượng lò nung theo từng loại để có cơ sở đề xuất UBND TP hỗ trợ cho từng trường hợp, tạo điều kiện cho chủ cơ sở chấp hành chủ trương của nhà nước” - ông Nhạn cho biết.

Dưới sự hướng dẫn của sở, UBND quận 9 đã lập phương án hỗ trợ các cơ sở có vị trí nằm ngoài các dự án đầu tư chấm dứt hoạt động trên địa bàn. Hiện UBND TP đã phê duyệt phương án hỗ trợ các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công chấm dứt hoạt động trên địa bàn quận 9 với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng. Theo đó, các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công nằm ngoài các dự án đã quy hoạch trên địa bàn quận 9 sẽ được hỗ trợ để chấm dứt hoạt động; người dân địa phương, người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ cũng sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề tại Trung tâm Dạy nghề quận 9 để có điều kiện ổn định đời sống.

“Để có được thành quả này, ngoài chủ trương, chính sách rõ ràng và được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương thì với sự tuân thủ các quy định pháp luật và lòng tin, mong ước của người dân là muốn xây dựng một TP ngày càng văn minh, sạch đẹp” - ông Nhạn nói.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển VLXD đến năm 2020, nhu cầu sử dụng vật liệu xây tương ứng khoảng 42 tỷ viên gạch quy chuẩn. Nếu đáp ứng nhu cầu này bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 57 - 60 triệu m3 đất sét tương đương với 2.800ha đến 3.000ha đất nông nghiệp; tiêu tốn từ 5,3 đến 5,6 triệu tấn than, thải ra khoảng 17 triệu tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.



DiaOcOnline.vn - Theo SGGP