Top

Giá thép xây dựng tăng chóng mặt, do đâu?

Cập nhật 07/12/2007 08:00

Giá thép cuộn đã lên 15 triệu đồng/tấn, tăng 1,5 triệu đồng/tấn so với tuần trước. Phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu phôi thép nhập khẩu nên bị động trong sản xuất thép

Mấy ngày gần đây, tại thị trường TPHCM giá thép xây dựng tăng liên tục. Cùng với việc tăng giá là hiện tượng khan hiếm hàng.
 
Một số cửa hàng chỉ đồng ý bán cho khách với số lượng vài trăm ký, còn mua từ một tấn trở lên đều bị từ chối thẳng vì “thép đang hiếm, giá lại tăng liên tục nên bán nhiều không biết có lấy được hàng giá cũ hay không”.

Giá tăng, thiếu hàng...

Theo phản ánh của nhiều khách hàng, ngày 5 -12, chúng tôi khảo sát thị trường thép xây dựng tại một số khu vực chuyên doanh mặt hàng này.
 
Chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10 tỏ ra rất khó chịu khi khách hàng khảo giá chọn hàng: “Giá thép tăng từng ngày, hàng lấy về không đủ bán có đâu sẵn như trước mà chọn với lựa!”. “Lấy hàng thì lấy ngay đi, nếu không lấy thì đi chỗ khác. Hỏi nhiều quá!...”. Tại khu vực này, giá thép cuộn loại Ø 6,

Ø 8 vọt lên 15.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg so với tuần trước. Thép cây loại Ø 10: 90.000 đồng/cây (tăng 6.000 đồng/cây), Ø 12: 120.000 đồng/cây (tăng 3.000 đồng/cây), Ø 14: 165.000 đồng/cây (tăng 5.000 đồng/cây), Ø 16: 214.000 đồng/cây (tăng 15.500 đồng/cây)...

Không chỉ giá bán của các cửa hàng vật liệu xây dựng tăng mà ngay các hãng sản xuất thép cũng đang đua nhau tăng giá. Ngày 4 - 12, Vina Kyoei đã điều chỉnh giá tăng thêm từ 200.000 đồng - 300.000 đồng/tấn thép (ngày 16 - 11 Vina Kyoei đã có đợt điều chỉnh giá với mức tăng tương tự).
 
Trước đó, ngày 1-12, Pomina cũng đã tăng giá từ 200.000 đồng - 300.000 đồng/tấn. Tương tự, ngày 30 - 11, Tổng Công ty Thép VN cũng đã tăng giá tại khu vực phía Nam thêm 300.000 đồng/tấn mặc dù trước đó, ngày 24 - 11, hãng này đã tăng 100.000 đồng/tấn. Như vậy, giá thép của các hãng bán ra hiện nay đã lên đến 12,7 triệu đồng - 13 triệu đồng/tấn, tùy loại...

Qua tìm hiểu cho thấy giá thép tăng cao, trong khi đó các điểm kinh doanh lại không muốn bán hàng là do hiện rất khó lấy hàng nên họ ghim hàng chờ giá mới tăng cao hơn mới bán. Hiện cũng đang có hiện tượng chủ nhiều công trình xây dựng lớn, nhỏ đều tranh thủ mua thép (càng nhiều càng tốt) để tránh “cơn bão giá” sắp tới.

Đại diện các công ty sản xuất thép cũng cho biết nhu cầu mua thép xây dựng hiện rất cao, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu (trong tháng 11 lượng tiêu thụ của nhiều hãng tăng 15% - 20% so với tháng trước).

Trong khi đó, trước tình hình căng thẳng về nguyên liệu nên trong tháng 12 này nhiều hãng cho biết họ buộc phải giảm sản lượng đáng kể nên càng góp phần gây tình trạng căng thẳng trên thị trường thép xây dựng...

Cán nhiều hơn luyện: Sẽ còn bị động dài dài

Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cho biết việc giá thép tăng cao là do giá nguyên liệu phôi thép trên thế giới tiếp tục tăng cao. Giá phôi thép hợp đồng trong tháng 10 là 615 USD/tấn, sang tháng 11 lên 630 USD/tấn.

Từ đầu tháng 12 đến nay, thị trường thế giới gần như không còn chào giá. Nguyên nhân là do có thông tin Trung Quốc sẽ điều chỉnh thuế xuất khẩu phôi thép từ 15% lên 25% áp dụng từ 1/1/2008. Nếu áp dụng mức thuế mới này thì giá phôi thép sẽ tăng thêm 60 USD/tấn (lên gần 700 USD/tấn)...

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất thép, giá thép trên thị trường VN luôn bị lệ thuộc rất nhiều vào giá phôi thép thế giới, đơn giản vì công nghiệp sản xuất thép ở VN chủ yếu tập trung ở khâu cán kéo, còn sản xuất phôi thép rất hạn chế.

Nguyên nhân là để đầu tư xây dựng một nhà máy luyện thép (sản xuất phôi thép) cần nguồn vốn rất lớn. Chẳng hạn, đầu tư một lò luyện thép với công suất từ 500.000 tấn - 600.000 tấn/năm phải tốn khoảng 80 triệu USD, chưa kể phải đầu tư cảng biển (để nhập nguyên liệu) từ 40 triệu - 50 triệu USD.
 
Cho nên phần lớn các công ty sản xuất thép xây dựng đều chọn cách đầu tư cán kéo để ăn nhanh (tức nhập phôi thép về cán thành thép cuộn, thép cây để bán vốn ít hơn nhưng lại thu hồi vốn nhanh). Các đơn vị sản xuất thép trong nước có lò luyện phôi thép chỉ đếm trên đầu ngón tay, chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu (cả nước mỗi năm cần khoảng 3,7 triệu tấn phôi)...

Chính nguyên nhân này nên khi giá phôi thép thế giới biến động, lập tức các hãng sản xuất thép trong nước gặp khó khăn ngay, thậm chí bị động do lệ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu thế giới, nhất là Trung Quốc...

Vài năm nữa cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu phôi thép

Thông tin từ Hiệp hội Thép VN, gần đây có một số công ty đầu tư vào việc xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép. Cụ thể, tại khu vực phía Bắc đã có thêm 5 công ty đầu tư sản xuất phôi thép, công suất của mỗi đơn vị khoảng từ 200.000 tấn - 300.000 tấn/năm, trong đó có vài đơn vị đã bắt đầu sản xuất.

Tuy nhiên, ít nhất cũng phải 1 - 2 năm nữa, khi các đơn vị này đồng loạt hoạt động thì tình hình sẽ được cải thiện nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu phôi thép trong nước. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị sản xuất phôi thép từ phế liệu, trong khi nguồn phế liệu trong nước đáp ứng được khoảng 30% - 35%, số còn lại đều phải nhập khẩu. Giá phế liệu nhập khẩu hiện nay khá cao, khoảng 390 USD - 420 USD/tấn.



Theo Người Lao Động