Không chỉ giá một số nhiên liệu đầu vào để sản xuất xi măng (XM) như điện, xăng, dầu... liên tục “nhảy múa”, khiến các doanh nghiệp XM “đau đầu”. Mà sự đảo chiều trái ngược của đồng EUR giảm giá còn tỷ giá USD tăng 1% khiến nhiều doanh nhiệp XM vay nợ bằng USD, EUR “kẻ khóc người cười”…
Người thì cười nụ….
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) liên tục cắt giảm lãi suất và công bố các gói kích thích nhằm giải quyết vấn đề lạm phát và tăng trưởng yếu đang diễn ra tại châu Âu khiến đồng Euro liên tục mất giá. Tính từ tháng 3/2014 đến nay, EUR đã mất 18,5% giá trị so với VNĐ. Điều đó cũng đồng nghĩa, những doanh nghiệp XM vay nợ bằng EUR sẽ được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá.
Hiện trên sàn chứng khoán, trong lĩnh vực XM, có 3 doanh nghiệp niêm yết vay ngoại tệ bằng đồng EUR khá lớn, đó là Cty CP Xi măng Vicem Bỉm Sơn ( BCC), Cty CP Xi măng Vicem Hà Tiên 1(HT1), và Cty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS).
Kết quả kinh doanh 2014 của Vicem Bút Sơn cho thấy lợi nhuận từ việc chênh lệch tỷ giá đạt gần 130 tỷ, còn lớn hơn cả lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này. Ấn tượng hơn nữa, nhờ chênh lệch tỷ giá mà trong quý I/2015, Vicem Bút Sơn công bố lãi gấp 900 lần cùng kỳ, đạt gần 135 tỷ đồng, trong đó lãi do chênh lệch tỷ giá lên tới 100,5 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần đạt hơn 657,3 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2015, nợ phải trả của Vicem Bút Sơn còn 3,181 tỷ đồng, giảm được 5% so với đầu năm, nhưng vẫn chiếm hơn 72% tổng nguồn vốn. Tập trung chủ yếu trong nợ phải trả là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 1,319 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn 1,140 tỷ đồng. Ngoài khoản vay EUR, Vicem Bút Sơn còn vay USD nhưng may mắn cho Vicem Bút Sơn vì khoản vay bằng USD không nhiều, khoảng 145 tỷ đồng (tính đến hết năm 2014).
Lãnh đạo Vicem Bút Sơn cho biết, nguyên nhân quý 1/2015, Bút Sơn lãi lớn là do biến động giảm của tỷ giá ngoại tệ, đồng thời do dư nợ giảm và lãi suất bình quân giảm nên chi phí lãi vay của công ty quý I/2015 giảm 22 tỷ đồng so với cùng kỳ làm lợi nhuận tăng tương ứng. Kết quả này vượt xa cả con số lợi nhuận của cả năm 2014, thậm chí còn vượt luôn cả mục tiêu lợi nhuận năm 2015 là 123 tỷ đồng.
Không chỉ có Vicem Bút Sơn được hưởng lợi, mà Hà Tiên 1 cũng nằm trong số những doanh nghiệp thở phào nhẹ nhõm vì đồng EUR giảm giá khi nợ dài hạn của Cty này là 70 triệu EUR. Lợi nhuận từ tỷ giá trong năm 2014 của HT1 đạt đến 93,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% lợi nhuận trước thuế. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Vicem Hà Tiên, dự kiến lợi nhuận trước thuế của Vicem Hà Tiên (HT1) trong quý I/2015 là 100 tỷ đồng. Và với đà tăng trưởng cộng lợi thế tiền EUR như hiện nay, dự kiến các chỉ tiêu đề ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 của Vicem Hà Tiên sẽ đạt kế hoạch đề ra.
Cty CP Xi măng Vicem Bỉm Sơn (BCC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015. Theo đó, trong quý này, BCC đạt doanh thu thuần 893 tỷ đồng, bằng 91% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước, lợi nhuận gộp đạt 180 tỷ đồng, giảm gần 20%. Đặc biệt, doanh thu hoạt động tài chính của Vicem Bỉm Sơn tăng vọt từ 1,7 tỷ đồng lên 112 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm 61% xuống còn 40,5 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 18%. Lợi nhuận sau thuế quý I/2015 của BCC đạt 126 tỷ đồng, gấp 11 lần lợi nhuận thu về quý I năm ngoái.
Người trong khóc thầm…
Đối với lĩnh vực có suất đầu tư lớn như XM thì vay vốn đầu tư dây chuyền sản xuất là điều không tránh khỏi. Không “cười nụ” được như Bút Sơn, Hà Tiên hay Bỉm Sơn, nhiều doanh nghiệp XM đang phải “khóc thầm”, oằn mình vì tỷ giá USD tăng do vay nợ bằng USD và đương nhiên, doanh nghiệp phải chịu khoản lỗ “ từ trên trời rơi xuống” này mà không thể kêu ai.
Với công suất 2.500 tấn clinker/ngày tương đương 910.000 tấn xi măng/năm, dự án Nhà máy Xi măng Sông Thao (Ninh Dân, Thanh Ba, Phú Thọ) được khánh thành, đưa vào hoạt động từ năm 2009. Nhưng gia nhập thị trường đúng thời điểm thị trường bất động sản khó khăn, lại là thương hiệu mới, nên sản phẩm làm ra có tính cạnh tranh yếu, hoạt động sản xuất không hiệu quả, không chạy hết công suất thiết kế. Thêm nữa, Xi măng Sông Thao giống như nhiều dự án xi măng thời kỳ đó, là vốn chủ sở hữu thấp, trong khi vốn vay cao, càng khiến gánh nặng tài chính tăng. Tính đến thời điểm hoàn thành, vốn đầu tư của dự án đã bị đội thêm hơn 700 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư lên gần 1.800 tỷ đồng.
Giữa năm 2013, HUD có đề xuất gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính phương án ứng vốn trả nợ vay nước ngoài cho Xi măng Sông Thao. Khoản nợ tại Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) là 24,5 triệu USD, mới trả được khoảng 17 triệu USD. Năm 2013, HUD gặp khó về tài chính nên không ứng vốn tiếp. Hai cổ đông còn lại là Tổng công ty Lilama và Công ty CP Xi măng Phú Thọ cũng không có khả năng. Sự tăng giá đồng USD so với tiền đồng chắc chắn sẽ khiến Xi măng Sông Thao tăng thêm gánh nặng. Vì vậy, tái cơ cấu XM Sông Thao, giao cho Vicem tiếp quản là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho rằng: Với doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh là yếu tố sống còn. Quan trọng nhất doanh nghiệp phải nâng cao nội lực, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí… để gia tăng lợi nhuận, chứ không thể trông chờ vào sự chênh lệch tỷ giá để mong hưởng lợi bởi sự chênh lệch tỷ giá là “phù du” và ngắn hạn, hôm nay lên, ngày mai xuống là chuyện bình thường.
Ông Khải cho biết thêm, kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2015 của Vicem khá tốt, khả năng lợi nhuận đạt kế hoạch đề ra là hoàn toàn có thể.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: