Top

Doanh nghiệp đồ gỗ tìm cách liên kết

Cập nhật 30/08/2009 11:25

Khách tham quan tại Hội chợ quốc tế Đồ gỗ và Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam tổ chức vào tháng 3-2009. Ảnh: Uyên Viễn

Tuần trước, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) đã có cuộc họp mở rộng với một số doanh nghiệp sản xuất, trang trí nội thất nhằm tìm cách liên kết tạo nên sức mạnh của ngành đồ gỗ, nội thất và mỹ nghệ xuất khẩu trên sân nhà.

Quay lại thị trường nội địa: khó hay không khó?

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Nguyễn Thanh, tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp có bốn năm kinh nghiệm xuất khẩu đồ gỗ nột thất, cho biết đây là thời điểm tốt nhất để quay lại thị trường trong nước.

Công ty Nguyễn Thanh có năng lực sản xuất khoảng 200 mặt hàng đồ gỗ nội thất xuất khẩu/tháng, đó là yếu tố để công ty tự tin khi tiếp cận thị trường nội địa. “Mặc dù các thị trường tiêu thụ đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục từ tháng 7-2009, công ty vẫn tiến hành việc tìm kiếm mặt bằng để mở cửa hàng bán đồ gỗ do công ty sản xuất. Trong tháng 9 tới, chúng tôi sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên ở tỉnh Bình Dương, sau đó sẽ mở tiếp cửa hàng nằm tại các khu vực cửa ngõ TPHCM”, ông nói. Theo ông Bình, chọn cửa ngõ TPHCM mở cửa hàng vì giá thuê mặt bằng thấp hơn 30-40% so với các quận nội thành, nhờ đó giảm giá bán.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Mifaco ở Bình Dương, cho rằng thị trường tiêu thụ đồ gỗ nội thất châu Âu của Việt Nam rất nhỏ và không thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này do thiếu am hiểu thị trường, cũng như không có hệ thống phân phối.

“Trước đây, khi bắt đầu tìm thị trường xuất khẩu, tôi phải tìm đến các hội chợ quốc tế để quảng bá hình ảnh công ty, tìm khách tiêu thụ… Nay quay lại thị trường nội địa, Mifaco sẵn sàng tham gia các kỳ hội chợ chuyên ngành trong nước, bắt đầu từ Hội chợ VietBuild 2009, để tìm hiểu nhu cầu của thị trường”, ông Hiệp cho biết.
 

Theo Hawa, trong sáu tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt hơn 1,1 tỉ đô la Mỹ, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2008. Năm 2008, doanh thu xuất khẩu chỉ đạt 2,8 tỉ đô la Mỹ, trong khi doanh thu dự kiến là 3 tỉ đô la.

Từ tháng 8-2009, Mifaco đã tiến hành thăm dò thị trường nội địa về nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất có kiểu dáng châu Âu. “Tôi không nghĩ là phải mở cửa hàng trong năm nay. Thay vào đó, Mifaco chấp nhận bán hàng cho nhà phân phối trong nước dù với số lượng ít, điều chưa từng được công ty áp dụng từ trước đến nay”, ông Hiệp nói.

Tìm lợi thế trên sân nhà, hay quay lại thị trường nội địa là câu chuyện dài nhưng không mới đối với các doanh nghiệp lớn hoặc có tầm nhìn. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hawa, cho biết 15 năm trước đã từng nghĩ đến việc này, tuy nhiên chỉ “một cây” thì không thể “chụm lại nên hòn núi cao”, mà cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp.

Những năm trước, do chưa tìm được sự liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành sản xuất đồ gỗ nội thất để quay lại thị trường nội địa, ông Thắng chỉ tập trung vào công việc xuất khẩu đồ gỗ của công ty. “Thuận lợi của các công ty chuyên làm đồ gỗ xuất khẩu là có thị trường tiêu thụ lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật. Đối tác đặt hàng với số lượng lớn nên dễ sản xuất, sản xuất hàng chuyên biệt và không không bị phụ thuộc vào kênh phân phối”, ông Thắng cho biết.

Liên kết để tìm sức mạnh

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, trang trí nội thất dự họp đều cho rằng quay lại thị trường nội địa cũng là một cách để cân bằng sản xuất trong thời điểm hiện nay, khi xuất khẩu không đạt được kỳ vọng. Cách tốt nhất, theo các doanh nghiệp này, là phải liên kết để tạo nên sức mạnh trong xu thế cạnh trạnh giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài đang vào Việt Nam.

Muốn hiểu được tâm lý của người tiêu dùng trong nước, ngay từ đầu năm 2009, Công ty cổ phần Mỹ thuật Gia Long (thương hiệu Lavanto), vốn có thế mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ, Úc… đã làm một cuộc khảo sát tại TPHCM. Kết quả khảo sát cho thấy 70% người tiêu dùng có xu hướng sử dụng đồ gỗ nội thất, trong đó đồ gỗ nội thất châu Âu rất được ưa chuộng do kiểu dáng sang trọng, hiện đại (xin xem thêm bài viết Đồ gỗ nội thất tìm cơ hội đăng trên TBKTSG số ra ngày 13-8-2009). “Sau cuộc khảo sát đó, công ty đã có sự điều chỉnh với nhà thiết kế, tạo mẫu để làm ra những sản phẩm phù hợp với gu thẩm mỹ của người tiêu dùng trong nước”, ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty Gia Long, cho biết.

Những tháng sau đó, trong lúc đi khảo sát thị trường tại Đà Lạt, Nha Trang, Gia Lai, Daklak, Đà Nẵng và Hà Nội để tìm nhà phân phối, ông Tiến nhận thấy: “Sản phẩm của một doanh nghiệp chưa thể hiện được phong cách của một bộ sưu tập cho không gian nội thất. Nếu các doanh nghiệp trong ngành đồ gỗ và trang trí nội thất liên kết thành nhóm thì sức mạnh cũng như sự thuyết phục đối tác, khách hàng sẽ nhân lên gấp nhiều lần”.

Ông Thắng cho rằng việc liên kết giữa 300 thành viên của Hawa hoặc mở rộng thêm đối tượng cùng ngành trang trí nội thất là cơ hội cho ngành nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa trong năm năm tới.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Đại Hàn Việt, chuyên sản xuất chăn ra gối nệm (thương hiệu Hestia), quận 12, TPHCM, cho rằng sự liên kết giữa Hawa với các doanh nghiệp sản xuất hàng trang trí nội thất cũng là ước vọng từ lâu của bà để tạo nên chuỗi giá trị gia tăng.
 

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, trang trí nội thất, quay lại thị trường ôội địa cũng là một cách để cân bằng sản xuất trong thời điểm hiện nay, khi xuất khẩu không đạt được kỳ vọng. Cách tốt nhất là phải liên kết để tạo nên sức mạnh trong xu thế cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài đang vào Việt Nam.

Để cụ thể hóa việc liên kết giữa các hội viên, Hawa đang chuẩn bị một loạt chương trình xúc tiến nội địa như liên kết mở rộng hội viên, thành lập công ty cổ phần phân phối nội thất… Đặc biệt, hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất - Vifa Home sẽ được tổ chức vào tháng 7-2010 được kỳ vọng là sân chơi cho những nhà kinh doanh nội thất để cùng quảng bá, tăng cơ hội cạnh tranh trên sân nhà cho các doanh nghiệp.

Theo ông Thắng, khi làm catalogue cho hàng xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ cần làm tối đa 20 trang là đủ. Bây giờ, khi quay lại thị trường nội địa, các doanh nghiệp phải biết cách chinh phục người tiêu dùng về chủng loại sản phẩm đa dạng. Số trang in trong catalogue có thể tăng lên rất nhiều. Quá trình đầu tư phải liên tục, kho hàng phải lớn…

Dẫn một câu chuyện khác về hãng sản xuất đồ nội thất Ikea (Thụy Điển), ông Thắng cho biết thương hiệu này đang có hàng trăm chi nhánh trên toàn cầu và mỗi chi nhánh bán hàng Ikea có vốn đầu tư riêng phần trang trí nội thất đã lên đến hàng triệu đô la Mỹ. “Nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của tôi ở Đồng Nai rộng tới 80.000 mét vuông, cộng với tiền đất và những chi phí đầu tư khác cũng chỉ khoảng 7 triệu đô la Mỹ”.

Cũng theo ông Thắng, sự liên kết này sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm được nhiều chi phí sản xuất, in ấn, quảng bá thương hiệu, đồng thời còn mang đến giải pháp toàn diện cho khách hàng. Không chỉ tạo nên chuỗi giá trị gia tăng, Hawa và các thành viên tin rằng việc liên kết sẽ giúp người tiêu dùng trong nước sở hữu được không gian nội thất đồng bộ về kiểu dáng, màu sắc, từ tủ, giường, bàn ghế đến chăn ra gối nệm, ván lót sàn... với mức giá vừa phải, có phong cách riêng, thay vì phải mua lẻ từng món.

“Ngôi nhà chung giữa Hawa và các thành viên liên kết” về các giải pháp nội thất tạo chuỗi giá trị gia tăng sẽ chính thức ra mắt tại Hội chợ VietBuild 2009 (diễn ra từ ngày 9 đến 13-9 tới tại khu liên hợp TDTT Phú Thọ, TPHCM). Theo kế hoạch, sau VietBuild 2009 “Ngôi nhà chung giữa Hawa và các thành viên liên kết” sẽ chính thức xuất hiện tại các kỳ hội chợ đồ gỗ, nội thất trong nước vào năm 2010 với một thương hiệu riêng.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG