Chủ sở hữu, khách có nhu cầu ở thực, hay nhà đầu tư non kinh nghiệm, thường ngại khâu xin giấy phép xây dựng (GPXD) để xây dựng, cải tạo BĐS của mình vì sợ thủ tục "hành là chính".
Tại Hà Nội, khó có thể thống kê chính xác mỗi năm Sở Xây dựng, UBND cấp quận, huyện phê duyệt bao nhiêu GPXD cho nhà ở khu vực đô thị, điểm dân cư nông thôn. Thực tế xuất hiện thêm đa dạng các trường hợp cá nhân, hộ gia đình xin cấp phép xây dựng nhà ở (từ cấp 4, tới nhà 3-4 tầng kiên cố).
Thủ tục, quy trình làm hồ sơ xin cấp phép, thời gian chờ "ý kiến" của cơ quan thẩm quyền đều được nêu cụ thể trong nhiều văn bản như: Luật Xây dựng, Pháp lệnh Thủ đô, Nghị định 209, năm 2004, Nghị định 08… Nhưng vẫn tồn tại rất nhiều bức xúc, gian nan của người xin cấp GPXD tại Hà Nội.
Nỗi lòng người trong cuộc
Sinh sống trong căn nhà nằm một phần trên địa giới của hành lang bảo vệ đê thuộc phường Phúc Xá, gia đình chị Lan vẫn băn khoăn vì không biết xin GPXD ở đâu cho hợp thức, hợp pháp. Bởi lẽ thông thường xin cấp phép nhà ở đô thị, chủ nhà cần hoàn thiện hồ sơ và gửi tới UBND cấp quận sở tại.
Tuy nhiên, căn nhà của người này lại không nằm trong khu đất ở ổn định (thổ cư lâu năm, đã được quy hoạch là đất ở ổn định). Nếu "may mắn" được cấp phép, gia chủ chỉ được xây dựng dưới 2 tầng, với cam đoan không đòi bồi thường khi xảy ra sạt lở, lũ quét.
Đương nhiên, giấy phép chỉ là GPXD tạm, đồng thời khi xây, chủ nhà phải được Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đồng ý cho xây và khẳng định công trình không nằm trong hành lang bảo vệ đê.
Quản lý trật tự xây dựng đô thị vẫn còn nhiều bất cập
kéo dài ngay từ khâu cấp phép xây dựng
|
Theo LS. Hà Tuấn (hiện làm việc tại một VPCC ở Ba Đình), sẽ có hai phương án: một là chủ nhà hỏi ý kiến Ban Chỉ đạo và Phòng chống bão lụt của quận/huyện sở tại để được tư vấn về thủ tục thỏa thuận xin phép xây dựng với Sở NN&PTNT. Hai là gia chủ "gõ cửa" phòng đô thị quận để rõ toàn bộ cách thức triển khai (!)
Phổ biến hơn cả trong đời sống xây dựng đô thị là chuyện chủ nhà bị hàng xóm "hành" trong quá trình xin cấp phép xây dựng. Tiêu biểu, anh Lãm (hiện sống tại khu vực Thanh Nhàn, Q.Hai Bà Trưng) đã hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ sổ đỏ để xin cấp phép xây dựng căn nhà lụp xụp của mình. Sổ đỏ thể hiện rõ diện tích, hình dạng khu đất, các phần giới hạn và các diện tích sử dụng chung trong ngõ.
Đồng thời, cán bộ địa chính phường đã khẳng định đất của anh Lãm là hợp pháp và được sử dụng các phần diện tích chung mà không phải thoả hiệp hay mất thêm khoản tiền nào. Khó khăn xuất hiện khi cán bộ khảo sát của quận xuống thực địa thì người hàng xóm (nguyên là chủ khu đất đã bán cho người mà anh Lãm mua lại) gây cản trở bằng lý do: chỉ cho đi chung 1/2 ngõ (!) và ra giá 20 triệu nếu chủ nhà muốn "yên thân". Không muốn mất thêm tiền một cách vô lý, gia chủ đang đứng giữa mối "bùng nhùng": quận, phường, thủ tục xin cấp phép.
Chỉ cần gõ từ khóa "dịch vụ xin cấp GPXD" sẽ cho ra 109.000 kết quả trong 0,21 giây, với rất nhiều công ty luật, trung tâm nhà đất, môi giới BĐS nhận thực hiện công việc này. Một số đơn vị tiêu biểu nhận dịch vụ này như Công ty TNHH Tư vấn Vista, Công ty TNHH Việt Nam House, Công ty CP Ocean Law…
Đánh cược với dịch vụ
Thực chất, những công ty dạng này chủ yếu chỉ tư vấn cho khách hàng cách hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép như mọi vấn đề pháp lý liên quan để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; tư vấn chuẩn bị những tài liệu cần thiết trong hồ sơ xin cấp phép; soạn thảo hồ sơ và chỉnh sửa theo đúng yêu cầu, quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đại diện cho khách hàng nộp và nhận giấy phép.
Tạm hiểu, chủ đầu tư (sở hữu BĐS cần cấp phép xây dựng) chỉ việc chuẩn bị mọi giấy tờ theo hướng dẫn và chờ đợi từ 15-20 ngày làm việc, kể từ khi công ty nhận được đủ hồ sơ hợp lệ (ngang với quy định của luật hiện hành). Vì vậy, khách hàng của những công ty này thường là các "Thượng đế" không đủ hiểu biết về thủ tục, quy trình liên quan; đồng thời sợ bị "hoa mắt" vì hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Ở một góc độ khác, nhiều nhà đầu tư non kinh nghiệm lại nhờ tới các lời quảng cáo "mùi mẫn" của "cò đất" như: giao dịch trao tay, bao giấy tờ xin cấp phép xây dựng trong 1-2 tuần sau khi trao tiền. Đối với dạng thức dịch vụ này, sản phẩm mục tiêu là những mảnh đất xen kẹt, đất phần trăm, đất thuộc quy hoạch treo (chưa được thực hiện), đất đã bị thế chấp hoặc chưa chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Giá rẻ, giấy tờ trao tay, sổ đỏ được quảng cáo là "đang xúc tiến tại quận, huyện", lại kèm "bao GPXD", rất nhiều người mua (từ ngoại tỉnh tìm về Hà Nội) đã "bập" vào "cái bẫy" này.
Thậm chí, để tạo lòng tin cho nạn nhân, một số cò đất còn dở chiêu cho khách giữ lại 10-20 triệu "làm tin" tới khi nhận được GPXD. "Lóa mắt" trước bài toán lợi nhuận (mua bán chóng vánh, xây cất thật nhanh và cho thuê 1-2 năm là thu hồi vốn), không ít "Thượng đế" đã "khóc dở, mếu dở" vì bị cơ quan chức năng bắt tháo dỡ toàn bộ công trình. Hỏi ra mới biết, đất không sổ đỏ thì "đào" đâu ra GPXD, kẻ bán "cao chạy xa bay" và người mua đành "gặm nhấm" bài học về sự tỉnh táo.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời Báo Kinh Doanh
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: