Dự án cao tốc TP.HCM-Mộc Bài được đề xuất xây mới hoàn toàn theo hình thức đối tác công-tư với tổng mức đầu tư hơn 10.400 tỉ đồng.
Ban quản lý (BQL) dự án 2 (PMU 2, Bộ GTVT) vừa trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc TP.HCM-Mộc Bài (Tây Ninh). Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), tổng mức đầu tư khoảng 10.456 tỉ đồng. Trong đó phần vốn nhà nước hơn 5.000 tỉ đồng.
Đề xuất xây mới hoàn toàn
Theo BQL dự án 2, tuyến cao tốc TP.HCM-Mộc Bài có điểm đầu dự kiến từ đường Vành đai 3 (Hóc Môn, TP.HCM), song song với tuyến đường sắt Tân Chánh Hiệp-Trảng Bàng. Sau đó cắt ngang đường Vành đai 4, đường Hồ Chí Minh, ĐT782, ĐT787, đến khu vực đường sắt Gò Dầu (Tây Ninh), cắt qua quốc lộ (QL) 22B, đến gần Km 4+00, tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ về phía QL22, giao với QL22 tại Km 52+850, kết nối với điểm cuối là cửa khẩu Mộc Bài hoặc chốt Cây Me. Chiều dài dự kiến là 53,5-64,2 km.
Theo đề xuất, cao tốc TP.HCM-Mộc Bài được đầu tư hai giai đoạn (giai đoạn 1 xây dựng bốn làn xe, giai đoạn 2 là 6-8 làn xe). Trong đó, giai đoạn 1 được chia ra thành hai phân đoạn: TP.HCM-Trảng Bàng (dài 33 km) và Trảng Bàng-Mộc Bài (dài 20,5 km). Đoạn TP.HCM-Trảng Bàng có lưu lượng giao thông lớn hơn được đầu tư xây dựng với quy mô bốn làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120 km/giờ. Còn lại, đoạn Trảng Bàng-Mộc Bài được đề xuất đầu tư với mô hình đường cao tốc hạn chế bốn làn xe, tốc độ thiết kế 80-100 km/giờ.
Về công tác giải phóng mặt bằng, đơn vị đề xuất thực hiện toàn bộ trong giai đoạn 1 với quy mô quy hoạch (6-8 làn xe) để thuận tiện cho công tác quản lý đất đai của địa phương và phục vụ cho việc mở rộng sau này. Cụ thể, đoạn TP.HCM-Trảng Bàng sẽ giải phóng mặt bằng theo quy mô tám làn xe và đoạn Trảng Bàng-Mộc Bài giải phóng theo quy mô sáu làn xe với tổng diện tích đất chiếm dụng để xây dựng dự án khoảng 342 ha. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Về phương án đầu tư, BQL dự án 2 cho biết dự án có mức đầu tư lớn nên để đảm bảo tính khả thi về tài chính, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của tư vấn Hàn Quốc, đơn vị đề xuất xây dựng dự án theo loại hợp đồng BOT và hỗ trợ Nhà nước từ nguồn ngân sách, vốn vay ODA. “Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, vốn ngân sách bố trí cho dự án chưa thể thực hiện được nên việc kêu gọi các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư theo hình thức PPP là cần thiết nhằm đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế, các khu công nghiệp và du lịch khác trong quy hoạch” - lãnh đạo BQL dự án 2 thông tin.
Cần sớm triển khai tuyến đường cao tốc TP.HCM-Mộc Bài
Năm 2017, Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Vương quốc Campuchia đã chứng kiến lễ ký bốn văn kiện hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Campuchia về việc xúc tiến nghiên cứu xây dựng tuyến đường cao tốc TP.HCM-Mộc Bài và Phnom Penh-Bà Vẹt. Ngày 22-8-2018, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc cần sớm triển khai tuyến đường cao tốc TP.HCM-Mộc Bài. Theo đó, Thủ tướng kết luận trong năm 2018, Bộ GTVT phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiền khả thi tuyến đường này. Để từ đó Chính phủ có chủ trương cụ thể về giải phóng mặt bằng, tiếp tục triển khai sớm tuyến cao tốc TP.HCM-Mộc Bài từ những nguồn lực khác nhau.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: