Quy hoạch phát triển ngành thép đến năm 2015, tầm nhìn 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt với dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 15 triệu tấn vào năm 2015 và 20 triệu tấn vào năm 2020.
Nhưng trên thực tế thì hiện đã có tới 32 dự án thép nằm ngoài quy hoạch, với tổng công suất thiết kế vượt xa nhu cầu dự báo.
"Còn có một điều đáng lo ngại hơn, đó là trong số các dự án nêu trên thì hầu hết là các liên hợp 100% vốn nước ngoài", ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nói với VnEconomy.
Lý giải về điều này, ông Cường nói:
- Đúng là vốn nước ngoài thì có thể làm cho các doanh nghiệp của chúng ta ít rủi chịu rủi ro hơn. Song, nếu chỉ vì thiếu vốn và sợ rủi ro mà để cho các nhà đầu tư ngoại lấn át thì sẽ còn nguy hại hơn cho cả nền kinh tế.
Ngành thép là một ngành quan trọng bởi sản phẩm của nó có liên quan đến hầu hết các ngành kinh tế và quốc phòng của đất nước. Do vậy, nếu liên hợp thép mà phần lớn là vốn của nước ngoài thì sẽ làm cho vai trò của chúng ta bị lu mờ trong ngành công nghiệp quan trọng này.
Bên cạnh đó, việc để toàn bộ liên hợp thép là 100% vốn nước ngoài thì Việt Nam chỉ có thể theo dõi việc triển khai dự án ở hai khía cạnh: công nghệ và đánh giá tác động đến môi trường.
Tuy nhiên, đối với hai lĩnh vực này thì nếu không trực tiếp tham gia được án mà chỉ kiểm tra bằng những con số trong báo cáo trong dự án thì cũng không thể có đủ cơ sở để giám sát, kiểm tra.
Chúng ta không thể phó mặc việc phát triển một ngành công nghiệp quan trọng này cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả khi họ có thành công hay không thì những hệ lụy đối với nền kinh tế là không hề nhỏ.
Nếu thiếu vốn thì Nhà nước phải hỗ trợ để các doanh nghiệp trong nước có thể đóng góp được một tỷ lệ nào đấy, chứ không thể để cho nước ngoài nắm 100% vốn.
Ở Trung Quốc, họ chỉ cho phép nước ngoài đầu tư vào ngành thép không được quá 30% và không cho đầu tư nếu không có công nghệ mới, thậm chí không cho đầu tư theo hình thức liên hợp.
Thép thừa lo xuất khẩu
* Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khác, việc chấp nhận các dự án này sẽ giúp chúng ta có đủ nguồn cung thép với giá rẻ, bởi nhu cầu thép của Việt Nam được dự báo là khá lớn?
Nhu cầu dự báo của chúng ta đến năm 2020 cũng chỉ khoảng 20 triệu tấn/năm, trong khi đó, nếu các dự án này được triển khai đúng tiến độ thì công suất trong vòng 5 -7 năm tới có thể lên đến 40 - 50 triệu tấn/năm.
Khi đó, ngay cả tính chuyện xuất khẩu cũng sẽ gặp khó khăn vì thế giới đã có quá nhiều nhà xuất khẩu thép khổng lồ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Nhưng quan trọng hơn, kinh nghiệm các nước cho thấy, dù có lượng thép lớn đến mấy thì họ cũng chỉ xuất khẩu được tối đa 10%. Sản lượng thép của Trung Quốc khoảng 500 triệu tấn, song xuất khẩu của họ chưa khi nào vượt quá 50 triệu tấn.
Nhưng vậy, nếu các dự án trên đảm bảo tiến độ thì lượng thép dư thừa khi đó sẽ không biết để vào đâu cho hết. Đây chính là một thách thức khốc liệt cho các doanh nghiệp thép trong nước vốn đã yếu thế và non trẻ so với nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác..
* Nhưng chưa thể khẳng định các dự án được cấp phép sẽ được triển khai đúng tiến độ và đảm bảo công suất, thưa ông?
Hiện có chuyện nhà đầu tư thiếu năng lực, kinh nghiệm vẫn xin cấp giấy phép đầu tư dự án thép. Dự án Fomosa (Hà Tĩnh) đã lập một kỷ lục khó tin: cấp phép trong vòng hai tuần và lại do một doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam (góp 5% vốn) đứng ra xin giấy phép.
Hay như dự án liên doanh Tycoon - Jinan (Quảng Ngãi), chỉ sau 1 tháng cấp phép thì phía Jinan đã rút khỏi dự án và bán tới 90% vốn. Thậm chí có một nhà máy thép ở Quảng Ninh vừa hoạt động được một tháng đã phải đóng cửa vì thiếu vốn lẫn kinh nghiệm.
Điều đó cho thấy, việc cấp phép mà không thẩm duyệt, không có thông tin về chủ đầu tư thì sẽ "băm nát" ngành thép và gây nên nhiều thiệt hại cho nền kinh tế.
Thừa do “khát” dự án?
* Vậy theo ông, việc “bội thực” các dự án thép nước ngoài hiện nay là do chúng ta đã “có vấn đề” trong cấp phép?
Để thu hút đầu tư nước ngoài thì Chính phủ đã có chủ trương phân cấp tối đa cho các địa phương xét duyệt và cấp phép cho các dự án đầu tư.
Tuy nhiên, thực tế thì việc để cho địa phương tự cấp phép đã làm nảy sinh nhiều bất cập, đó là: cấp phép không theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, việc lựa chọn các đối tác vào đầu tư cũng không được chuẩn vì không có điều kiện thu thập thông tin nên nhiều khi bị các đối tác lừa, đưa ra những con số khổng lồ, không xác thực, chỉ với ý đồ nhanh chóng có giấy phép.
Ngoài ra, cũng rất nhiều địa phương không đủ kiến thức về công nghệ và các vấn đề chuyên môn khác nên có nhiều sơ hở, dẫn tới việc chiếm dụng rất nhiều diện tích đất đai, không đánh giá được tác động môi trường…
* Có nghĩa, theo ông thì “bội thực” dự án thép là do lỗi của các địa phương?
Thực ra thì trách nhiệm cũng thuộc về các cơ quan quản lý Trung ương mà cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương.
Hiện nay quy định của Chính phủ cho phép địa phương tự cấp phép các dự án có vốn dưới 1,5 tỷ USD. Do đó, các chủ đầu tư chả dại gì mà không lập dự án có vốn dưới 1,5 tỷ USD để địa phương tự cấp phép. Còn thực tế sau này họ phát triển lên bao nhiêu thì chúng ta cũng không thể quản lý được.
Bên cạnh đó, tình trạng “khát dự án” của các địa phương là khá phổ biến nên hầu hết nếu có đề nghị đầu tư thì ngay lập tức họ chấp thuận. Đây là tình trạng báo động bởi không thể địa phương nào cũng làm thép mà phải phân thành vùng, miền với mật độ và tỷ lệ hợp lý.
Chẳng hạn như chỉ riêng khu vực Thạch Khê (Hà Tĩnh) đã có tới 4 liên hợp luyện kim; hay tại Quán Toan (Hải Phòng) cũng có rất nhiều nhà máy luyện kim gần khu dân cư gây ảnh hưởng môi trường sống của người dân.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: