Top

"Cho phép tăng giá xi-măng tại đầu nguồn là giải pháp tốt"

Cập nhật 22/05/2008 16:00

Trong cuộc họp báo chiều 21/5/2008 tại trụ sở Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam chính thức bác bỏ thông tin "sốt" giá xi-măng tại TP.HCM và đưa ra những phân tích cụ thể về tình hình cung, cầu xi-măng lúc này...

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, thông tin những ngày gần đây giá xi-măng tại TP.HCM có khi lên đến 118-120 ngàn đồng/bao (50kg) là hoàn toàn không chính xác, thiếu cơ sở. Đây có thể coi là những thông tin gây nhiễu, rối thị trường, nhiều khả năng do các đại lý bán lẻ tung ra và báo chí cũng như người tiêu dùng cần rất cảnh giác.

* Yêu cầu chỉ ra chính xác doanh nghiệp nào kêu thiếu xi-măng!?

Thứ trưởng Nam cho biết: "Các kênh kiểm tra chính thống của chúng tôi đã kịp thời thâu tóm tình hình và báo cáo, gồm: Sở Thương mại TP.HCM báo cáo với Tổ Điều hành thị trường của Chính phủ, các cán bộ doanh nghiệp xi-măng lớn "phục kích" tại nhiều điểm bán lẻ báo cáo với các Tổng Giám đốc..., kết quả cho thấy hoàn toàn không có chuyện giá xi-măng "sốt" đến 118-120 ngàn đồng/bao".

Khẳng định của các kênh thông tin cũng như lãnh đạo Bộ Xây dựng và Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc chính các doanh nghiệp xi-măng bị tung tin "sốt" giá: xi-măng Hà Tiên (một trong những loại được ưa chuộng nhất) hôm nay "đỉnh điểm" chỉ 80 ngàn đồng/bao, trung bình bán lẻ khoảng 70-72 ngàn đồng/bao, mua cả xe chở khối lượng lớn đến tận chân công trình là 65-67 ngàn đồng/bao; giá các loại xi-măng khác cũng dao động trong khoảng 60-65 ngàn đồng/bao tại TP.HCM, không hơn.

Song song với khẳng định trên, những người có trách nhiệm cho hay: Thời gian này, hàng loạt doanh nghiệp xi-măng đã, đang nỗ lực chuyển xi-măng vào phía Nam - khu vực tiêu thụ nhiều, bằng 40% sản lượng cả nước - theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng, với chỉ tiêu đến hết tháng 5/2008 phải chuyển xong 30-50 ngàn tấn. Tuy nhiên, đến 18/5 vừa qua, các doanh nghiệp đã chuyển xong hơn 40 ngàn tấn xi-măng các loại vào khu vực phía Nam và vì vậy "nguồn cung không thiếu, giá không có cơ sở gì để tăng cả!" - Thứ trưởng Nam kết luận.

Về tổng quan cung, cầu xi-măng tại thời điểm này, ông Nam nhận định: "Nếu có thiếu xi-măng thì chỉ là thiếu cục bộ, và năng lực sản xuất thiếu so với nhu cầu thị trường, chứ nhìn chung chúng ta không thiếu xi-măng. Để khắc phục việc này, chúng ta đã có kế hoạch chủ động nhập khẩu 4 triệu tấn clanker từ trước để làm ra 5 triệu tấn xi-măng, và vì vậy lượng cung hiện nay không thiếu".



Thứ trưởng Bộ XD Nguyễn Trần Nam.

Tuy nhiên, giải thích về hiện tượng xuất hiện thông tin "sốt" giá xi-măng tại thị trường TP.HCM, Thứ trưởng Nam cho rằng "kẽ hở" để các tư thương tung ra tin này có thể có nguyên do từ đặc thù chúng ta đang phải vận chuyển xi-măng từ Bắc vào Nam, đôi khi tàu, xe trục trặc, chậm trễ, kéo dài thời gian giao hàng và phải cộng thêm một chút chi phí vận chuyển - thế là tư thương vội "hô" lên: khan, hiếm, sốt!!!

Cũng có khả năng, do hiện nay một số doanh nghiệp xi-măng lớn tự cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc bình ổn thị trường, dù xi-măng là mặt hàng Nhà nước không quản lý giá, Chính phủ cũng chỉ yêu cầu đảm bảo nguồn cung với giá cả hợp lý chứ không đề nghị giảm giá, bán rẻ - nhưng họ vẫn chấp nhận lỗ, ghìm giá chưa tăng. Song, một số doanh nghiệp nhỏ thì "không chịu được nhiệt", đã sản xuất cầm chừng (chỉ 70 - 80% công suất) nên nhu cầu dồn cả vào các doanh nghiệp lớn, gây ra sự mất thăng bằng nhất thời.

"Từ đầu năm đến nay, tất cả doanh nghiệp đều không tăng giá bán xi-măng tại nhà máy và đều đặn chuyển vào phía Nam. Vì vậy có thể kết luận đến nay, xi-măng của chúng ta dồi dào, giá giảm so với trước. Vì vậy, nếu doanh nghiệp, cửa hàng, địa điểm nào tùy tiện tăng giá, cho rằng không mua được xi-măng... đề nghị chỉ rõ "đích danh", Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời xử lý!" - ông Nam nói.

Cho phép tăng giá xi-măng tại "đầu nguồn" là giải pháp tốt

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, để không "đổ dầu vào lửa" trong tình hình lạm phát lúc này, việc không tăng giá xi-măng đồng nghĩa việc nhiều doanh nghiệp sản xuất đang phải "ngậm đắng nuốt cay" chịu lỗ. Nhưng lỗ cũng có chỉ tiêu, điển hình một đơn vị cho biết được HĐQT cho phép lỗ 27 tỉ đồng để nhập clanker về bán dưới giá thành, góp phần bình ổn thị trường xi-măng nhưng "vèo cái" hết tháng 4 đã lỗ 14 tỉ! - "Nhập mà cứ lỗ thì ai nhập? Chỉ được giai đoạn ngắn và ở mức độ nào đấy thôi. Các doanh nghiệp nghĩ đến trách nhiệm mà làm thôi nhưng rất sốt ruột"...

Thứ trưởng Nam cho hay đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng giá xi-măng tại đầu nguồn, bởi theo ông "tăng giá đầu này sẽ giảm giá đầu kia", xi-măng tại nhà máy tăng sẽ làm giảm giá xi-măng trên thị trường, ngược lại kìm giá xi-măng tại đầu nguồn thì thị trường sẽ khó mà bình ổn vì các doanh nghiệp "ngại" nhập khẩu, sản xuất, nguồn cung lâu ngày sẽ thiếu...

"Chúng ta phải vận hành đúng qui luật. Nếu giá xi-măng tại nhà máy tăng, chi phí được bù đắp, các doanh nghiệp hứng khởi, chấm dứt tình trạng sản xuất cầm chừng, nhập khẩu nhiều hơn, nguồn cung sẽ dồi dào, ổn định... và khi cung - cầu đã cân đối thì chẳng có lý do gì giá trên thị trường bán lẻ tăng lên được! Cung nhiều - cầu ít, giá sẽ giảm. Cung ít - cầu nhiều, giá sẽ tăng. Chúng ta nên chấp nhận việc giá xi-măng có thể sẽ tăng tại "đầu nguồn" nhưng đó là giải pháp tốt, lâu dài mà chúng ta cần làm quen để phát triển thị trường bình ổn, lành mạnh" - ông Nam phân tích.

Bên cạnh đó, về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng khẳng định không chạy theo tình hình mà sẽ chủ động điều hành, dự báo, ví dụ lúc này đang tháng 5 nhưng đã có kế hoạch dự báo, chuẩn bị cho thị trường tháng 6. Tuần sau, Bộ sẽ họp tất cả lãnh đạo doanh nghiệp xi-măng phía Nam (kể cả các nhà phân phối, đại lý...) để tăng cường điều hành, vận chuyển, tiếp nhận xi-măng từ phía Bắc...

Theo VietNamNet