Top

Chiêu trò vi phạm xây dựng

Cập nhật 13/09/2018 09:29

Không ít người dân, doanh nghiệp lách luật, tăng diện tích xây dựng bằng cách xin cấp giấy phép xây dựng nhưng lại xây sai giấy phép, sử dụng sai mục đích, làm cho việc quản lý đô thị ở TPHCM càng gian nan, khó khăn hơn.

Công trình xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ đã biến thành chung cư

Tăng tầng, thay mục đích sử dụng

Xây dựng trái phép không chỉ phá nát quy hoạch, làm méo mó bộ mặt đô thị mà còn ẩn khuất phía sau là tệ nạn, tiêu cực. Nhà nước ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức lực lượng để giám sát xây dựng, từ cấp phép đến thi công, hoàn công và cấp giấy chứng nhận. Thế nhưng, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng vẫn không giảm mà ngày càng tinh vi, trắng trợn. Các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng chuyển sang hình thức mới: vẫn nghiêm túc làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng nhưng chỉ để che mắt cơ quan quản lý, còn thực tế lại tìm mọi cách tăng tầng, cơi nới thêm diện tích sử dụng. Không ít chủ đầu tư còn liều hơn, tự chuyển đổi công năng, thay mục đích, xin giấy phép một đằng làm một nẻo. 

Tại 2 dự án nhà ở của Công ty Công ích quận 4 và Thảo Điền Gold (phường Thảo Điền, quận 2) có gần 20 nhà xây dựng sai giấy phép vượt tầng. Hai khu nhà ở này đã được phê duyệt quy hoạch, các chủ đầu tư đã làm thủ tục và được cấp giấy phép xây dựng nhà theo quy định. Tuy vậy, một số chủ nhà vẫn bất chấp luật pháp, cố tình xây vượt tầng, nhiều hộ đã xây cao gần gấp đôi.

Được cấp giấy phép xây nhà có quy mô hầm, trệt, lửng và 3 lầu, nhưng thực tế hộ ông H.N. lại xây đến 7 lầu, hộ ông Q.M. xây đến 9 lầu. Điều khiến dư luận thắc mắc là công trình xây dựng trong một thời gian dài, sai phép quá rõ, nhưng chính quyền, đơn vị quản lý không hay biết! Trong khi những công trình sai phạm này không nằm trong hẻm sâu, mà nằm ngay bên đường.

Khu chung cư tại đường 36 (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) có nguồn gốc là nhà ở riêng lẻ. Theo giấy phép xây dựng mà UBND quận Thủ Đức cấp cho hộ ông N.Q. và hộ ông T.T., công trình có mục đích làm nhà ở riêng lẻ với chiều cao tối đa 3 tầng, vậy mà công trình được nối thêm thành 5 tầng khu chung cư cao tầng với hàng chục căn hộ nhỏ. Việc xây dựng sai phép này đã bị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phát hiện sớm nhưng xử lý lại quá chậm. Đến thời điểm này, công trình đã hoàn thành, khách hàng mua căn hộ đã dọn đến ở, việc xử lý, buộc chủ nhà xây dựng và sử dụng theo đúng giấy phép gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng chủ đầu tư xây nhà sai giấy phép, cố tình làm thêm tầng, thay đổi mục đích sử dụng đang xảy ra ở nhiều nơi. Trong lĩnh vực xây dựng, những sai phạm này rất dễ phát hiện từ khi mới xảy ra, nhưng thực tế việc phát hiện, lập biên bản xử lý lại chậm, thiếu cương quyết (?!).

Xử phạt chưa đủ răn đe

Biện pháp để trị căn bệnh khó chữa này là xử phạt nghiêm, đánh vào túi tiền người vi phạm. Thời gian gần đây, để lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng, xử lý những trường hợp xây dựng sai giấy phép, sử dụng công trình sai mục đích, UBND TPHCM đã liên tiếp ban hành các quyết định xử phạt hành chính, số tiền phạt không dừng lại ở mức vài triệu đồng, mà lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí lên đến cả tỷ đồng.

Cụ thể như trường hợp hộ ông T.T. xây dựng công trình tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) vi phạm chỉ giới xây dựng với diện tích 18,58m2 và hộ bà M.T. thi công công trình vi phạm chỉ giới 96,6m2, đã bị UBND TPHCM ra quyết định xử phạt 55 triệu đồng và buộc khắc phục tháo dỡ toàn bộ phần vi phạm. Kỷ lục về số tiền xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng là Quyết định 2753/QĐ mà UBND TPHCM áp dụng đối với Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình, do những sai phạm tại công trình số 32 đường Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình, với số tiền phạt 1,6 tỷ đồng.

Tiền xử phạt do vi phạm xây dựng ngày một tăng nhưng vẫn chưa đủ răn đe, nhiều chủ đầu tư vẫn cố tình vi phạm. Giá bán mỗi mét vuông xây dựng ở quận Tân Bình hay quận 2 lên đến hàng chục triệu đồng. Tiền phạt có lên đến cả tỷ đồng cũng chỉ bằng 1 căn hộ xây ngoài giấy phép, quá nhỏ so với mức hưởng lợi từ diện tích  tăng thêm. Chủ đầu tư xây nhà riêng lẻ chỉ cần cho thuê 1 năm là đủ đóng tiền phạt. Chính vì thế, nhiều chủ đầu tư không lo lắng mỗi khi bị xử phạt, mà còn tìm cách chạy phạt nhằm giữ lại công trình sai phạm.

Theo luật gia Nguyễn Văn Khôi (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), các văn bản quy phạm pháp luật về cấp phép xây dựng, quản lý công trình, quy định rất chặt chẽ, rõ ràng. Lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát lĩnh vực xây dựng rất đông đảo, được tổ chức có hệ thống từ sở đến quận, huyện và cắm chốt tại phường, xã. Ngoài đội quân thanh tra chuyên ngành, lực lượng trật tự đô thị, công an khu vực các phường cũng được giao trách nhiệm giám sát xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, mỗi khi chủ đầu tư  cố tình vi phạm, chịu nộp phạt để giữ công trình sẽ dẫn đến nhờn luật, việc quản lý xây dựng bị phá vỡ. Trong tình hình hiện nay, để lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng, biện pháp phạt nặng chưa đủ mà cần xử lý nghiêm, cương quyết tháo dỡ phần vi phạm, không thể cứ đóng tiền là sai phạm được hợp thức hóa.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP