Top

Cần một rào cản tự vệ cho thép

Cập nhật 14/06/2010 14:10

Theo lộ trình gia nhập WTO, từ năm 2010, ngành thép Việt Nam không còn được hưởng ưu đãi, bảo hộ cao về thuế nhập khẩu và sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt của thép ngoại nhập khẩu. Để bảo vệ hàng sản xuất trong nước, Việt Nam cần xây dựng rào cản kỹ thuật, mặc dù đây là giải pháp "tự vệ" không dễ thực hiện.


Sản xuất tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: Linh Tâm

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, theo lộ trình cam kết WTO, năm 2010, lượng thép từ các nước ASEAN, Trung Quốc và Nga nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều do được giảm thuế (ít nhất 1% với mỗi mặt hàng). Ngành thép trong nước sẽ khó khăn hơn khi không còn được Nhà nước hỗ trợ nhiều nữa, nên khó có thể cạnh tranh với thép ngoại.

Những năm qua, ngoài việc nhập khẩu thép phế, phôi thép là nguyên liệu phục vụ sản xuất, tình trạng nhập khẩu nhiều sản phẩm trong nước đã sản xuất được, như thép xây dựng, tôn mạ, thép cán nguội... đã gây bất lợi cho ngành thép. Mỗi khi bị thép ngoại cạnh tranh, các doanh nghiệp (DN) trong nước lại kiến nghị lên Chính phủ và các ngành chức năng, đề nghị được bảo hộ.

Năm 2009, không dưới 3 lần DN ngành thép đã phải nhờ đến sự trợ giúp của Chính phủ, Bộ Công thương và VSA trước áp lực của thép ngoại. Sự cạnh tranh càng thể hiện rõ hơn khi chỉ trong 4 tháng đầu năm nay đã có 1.750.000 tấn thép các loại nhập về, trong đó có 150.000 tấn thép cuộn cán nguội, 834.694 tấn thép cuộn cán nóng, 144.000 tấn thép cuộn, đặc biệt trong số này có cả những sản phẩm trong nước sản xuất đang dư thừa.

Theo Bộ Công thương, việc ban hành Bộ quy chuẩn thép cán nguội Việt Nam là hết sức cần thiết. Đây không chỉ là chuyện bảo vệ thương hiệu sản phẩm thép trong nước mà còn là tiêu chí để phân loại, xếp hạng sản phẩm. Đó cũng là điều kiện, là áp lực buộc DN phải đầu tư công nghệ hiện đại. Rào cản này được các nước phát triển áp dụng để chặn bớt hàng nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước.

Mỹ đã áp dụng chính sách đánh thuế với hàng của Trung Quốc; Liên minh châu Âu cũng áp thuế chống phá giá với sản phẩm sắt, thép, thép ống nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... Trước đó, VSA đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành về việc bảo vệ thép trong nước và đề xuất một số biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Bộ Công thương và Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp xây dựng, sớm ban hành Bộ quy chuẩn kỹ thuật thép cán nguội Việt Nam; ban hành các quy định về thủ tục khai báo hải quan để tránh tình trạng nhập ồ ạt với số lượng lớn hoặc gian lận thương mại. Song, vấn đề đặt ra là các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật phải được xây dựng như thế nào để hài hòa lợi ích, vừa bảo vệ được sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của thép ngoại, vừa bảo đảm không làm khó cho DN. Cùng với đó, cần cân nhắc thời điểm ban hành để Bộ quy chuẩn thực sự là động lực thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, Bộ quy chuẩn cũng như tính khả thi của nó còn đang trong quá trình xây dựng.

Do vậy, một trong những giải pháp được cho là tối ưu hiện nay là các nhà sản xuất in logo, thông số kỹ thuật, chất lượng lên sản phẩm chứ không chỉ ở ngoài bao bì để người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết, có đủ thông tin về sản phẩm. Đây cũng là căn cứ để cơ quan quản lý kiểm tra, phát hiện sản phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, ngoài các DN sản xuất tự nâng cao khả năng cạnh tranh bằng việc thay đổi công nghệ hiện đại, giảm giá thành sản phẩm, Nhà nước cũng cần trợ giúp và tạo thuận lợi cho DN bằng cách giảm thủ tục hành chính.

VSA cho biết, hàng rào kỹ thuật sẽ áp dụng với cả hàng nội địa và khi đó DN trong nước sẽ đối diện với nhiều trở ngại. Đó là thiết bị, công nghệ của ngành thép còn hạn chế, các rào cản kỹ thuật có thể sẽ đẩy chi phí lên; những cản trở về giá cả, điều kiện vận chuyển; các nhà cung cấp muốn giữ công nghệ tốt nhất cho mình để làm lợi thế cạnh tranh... Với những trở ngại đó, nếu xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật quá cao, quá khắt khe theo chuẩn quốc tế với những công nghệ hiện đại nhất, sẽ có ít DN trong nước đáp ứng được.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới