Top

TVC quảng cáo của ông lớn Pepsi: Tiếng xấu... đồn xa

Cập nhật 10/04/2014 15:28

Tuần qua, TVC quảng cáo của Pepsi đang mang đến cho hãng này nhiều "tiếng xấu". Văn hóa quảng cáo không phải là thứ có thể khiến thương hiệu sụp đổ ngay, nhưng sẽ "đóng đinh" trong tâm trí khách hàng.


Quảng cáo là một nét văn hóa hiện đại, ngay cả những sản phẩm không nổi bật nếu qua cây bút khéo léo của nhà viết kịch và tài biến hóa của đạo diễn, cùng kĩ thuật xử lý hình ảnh bậc thầy của nhà quay phim, cũng có thể khiến cho người xem cảm thấy thú vị.

Đó là những quảng cáo chuẩn chỉnh, duyên dáng đề cao trí tuệ và tính sáng tạo. Tuy nhiên, không phải quảng cáo nào cũng chuyên chở những thông điệp mang giá trị tinh thần tốt đẹp!

Mới đây, TVC quảng cáo sản phẩm Pepsi "cố tình" nhấn mạnh "tính tắt mắt" của cô gái đang khiến nhà sản xuất chịu nhiều chỉ trích trong khi, người tiêu dùng kém hào hứng.

Khơi gợi yếu tố cảm xúc nơi người tiêu dùng là mong muốn của doanh nghiệp khi đổ tiền quảng cáo sản phẩm. Nhưng, văn hóa là thứ không thể né tránh trong mỗi thông điệp quảng bá. Chăm chăm tìm cách gây "shock" bằng mọi cách, là nhấn chìm sản phẩm và dễ tạo hiệu ứng ngược.

Những người đãng trí nhất của Pepsi hẳn cũng còn nhớ lời xin lỗi "muối mặt" của chi nhánh Pepsi Thụy Điển năm 2013, khi cho phát sóng một quảng cáo "khát máu" liên quan đến C. Ronaldo.

Quảng cáo này sử dụng hình nộm C. Ronaldo bị bắt cóc, trói chân tay, bịp mồm đặt nằm trên đường ray để tàu hỏa nghiến qua. Chưa dừng lại, một hình nộm Cris Ronaldo khác bị bắn kim chi chít khắp thân thể, đầu và mặt mũi.

Quảng cáo dùng hình ảnh Ronaldo làm "hình nhân thế mạng" gây shock của Pepsi khiến hãng này chịu nhiều chỉ trích.

Pepsi chi nhánh Thụy Điển muốn gửi thông điệp "lấy lòng" người hâm mộ nước này rằng, các đồng đội của Ibrahimovic sẽ "bắt chết" ngôi sao người Bồ Đào Nha ở trận tranh vé vớt.

Dù sau đó, Pepsi đã "mất mặt" lên tiếng xin lỗi và cho gỡ sạch sẽ những áp phích của quảng cáo nói trên thì, người hâm mộ Cris Ronaldo cũng không chịu nguôi giận. "I'll never drink Pepsi" (Tôi sẽ không bao giờ uống Pepsi) là lời tuyên thề đanh thép của họ.

Tuy nhiên, đây chưa phải là sự cố cá biệt. Năm 2008, Pepsi Max gây tranh cãi khi dự định tung ra loạt Poster quảng cáo sử dụng hình ảnh chú calorie cô đơn đang chuẩn bị tự tử bằng các hình thức: thắt cổ, dùng súng bắn xuyên đầu, tự thiêu và thậm chí rạch cổ tay nhỏ màu xanh của mình với một lưỡi dao cạo...

Không cần phải nói, những Poster này nhanh chóng tạo nên một làn sóng tẩy chay sản phẩm từ người tiêu dùng Đức. Nhiều nhà phân tích đã liên hệ scandal của Pepsi với General Motors, hãng ô tô này cũng sa lầy trong một vấn đề tương tự, khi đoạn quảng cáo Super Bowl mô tả một robot tính chuyện tự tử gây ra sự náo động không đáng có.

Poster phản cảm tại Đức.

Một tờ báo uy tín của Đức lúc đó dẫn lời độc giả, nói rằng bà và gia đình cùng những người hàng xóm sẽ chuyển sang sản phẩm của Coke sau khi nhìn thấy các quảng cáo Pepsi. Rõ ràng, quảng cáo đã khiến Pepsi nhận được rất nhiều tiếng xấu.

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà, các phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp lan tỏa thông tin nhanh chóng. Tiếng xấu từ TVC quảng cáo của một thương hiệu, do đó cũng không bó hẹp trong phạm vi một lãnh thổ. TVC quảng cáo "phản cảm" có thể không khiến một thương hiệu sụp đổ, nhưng một khi đã mất mặt với khách hàng thì sẽ "đóng đinh" trong tâm trí họ.

"Chỉ có thời gian mới cho bạn biết thế nào là đủ để bù đắp cho những tin xấu ban đầu. Điều chắc chắn là các phương tiện truyền thông Internet và xã hội đã thay đổi cách các thương hiệu và người tiêu dùng tương tác, đôi khi tốt hơn và đôi khi tồi tệ hơn." - Jessica Hartstein, nhà báo Đức bình luận.


DiaOcOnline.vn - Theo Seatimes