Top

Xoá bỏ chia lô, bán nền: Nhìn từ nhiều phía

Cập nhật 22/06/2011 13:10

Dù đã “rục rịch” chuẩn bị tâm lý, nhưng nhiều DN BĐS vẫn “sốc” với thông tin Bộ Xây dựng chính thức đưa ra đề xuất cấm phân lô, bán nền, bán nhà xây thô gửi Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù, còn nhiều ý kiến trái chiều, song nhìn chung chủ trương đó được coi là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nếu được thực hiện sẽ góp phần giảm thiểu yếu tố đầu cơ, hạn chế phần nào nhà đất hoang hóa.


Bà Cao Hoài Thanh - Giám đốc Cty Xây dựng Vina Line cho biết: Việc cấm phân lô bán nền là cần thiết bởi vì nó sẽ xóa bỏ được một phần nhà đầu tư nhỏ lẻ, đồng thời tránh được tình trạng hoang hoá tại các KĐT đang tồn tại hiện nay. Ngoài ra những DN hoạt động kinh doanh BĐS dưới quy mô nhỏ, thiếu khả năng về vốn, không có khả năng xây dựng và hoàn thiện dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt từ đó sẽ hạn chế những rủi ro cho khách hàng, dự án xây dựng được hoàn thiện đúng tiến độ và đồng bộ hơn. Ví dụ dự án cao cấp như biệt thự, nhà liền kề lại không có người ở như ở KĐTM Mỗ Lao - Làng Việt kiều châu Âu còn 186/257 căn biệt thự và 191/262 căn nhà liền kề chưa sử dụng.

Không đồng quan điểm trên, ông Bùi Văn Việt - Giám đốc Cty CP Huy Hoàng Land than thở: Việc xóa hình thức phân lô bán nền và cấm bán nhà xây thô sẽ làm dự án đang triển khai sẽ đổ vỡ, DN kinh doanh BĐS sẽ phải gánh chịu đầu tiên… Trong bối cảnh siết chặt tín dụng ảnh hưởng tới việc huy động, thu hồi vốn để quay vòng đầu tư của các DN vừa và nhỏ.

Ông Bùi Văn Định, cán bộ hưu trí ở Định Công (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: Chủ trương cấm phân lô bán nền của các dự án BĐS của Bộ Xây dựng nên làm triệt để, bởi ngay trong KĐT Định Công là một trong những KĐT đầu tiên được TP hoàn thiện, nhưng đã 6 năm mà nhiều nhà xây thô vẫn còn để không, cỏ mọc um tùm rất lãng phí.

Việc cấm phân lô, bán nền đã có những văn bản cụ thể được ghi rõ trong Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Điều 30, Chương III, Luật Nhà ở 2005; Luật Kinh doanh BĐS được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 nhưng việc áp dụng từ những văn bản như Nghị định Chính phủ, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh BĐS đã được quy định, tới thực tế lại là một khoảng cách xa vời tại các dự án nhà ở, KĐTM.

Mặc dù chủ trương cấm phân lô, bán nền sẽ gây không ít khó khăn cho các DN BĐS nhưng những DN có tiềm lực thực sự lại ủng hộ chủ trương này. Trước mắt việc cấm phân lô, bán nền sẽ hạn chế được thực trạng đầu cơ cũng như thực trạng hoang hóa ở các khu đô thị hiện nay. Đặc biệt khi chủ trương này được áp dụng sẽ loại bỏ được chủ đầu tư yếu kém về nguồn vốn. Qua đó, sẽ hạn chế được dòng tiền “ngâm” vào BĐS quá lâu, khách hàng cũng giảm thiểu được rủi ro khi tham gia dự án.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng: Nếu không làm mạnh việc xóa bỏ phân lô, bán nền (gốc rễ của đầu cơ) thì rủi ro và thiệt hại sẽ luôn rơi vào người tiêu dùng. Một chủ trương chính sách đưa ra phải phục vụ đại đa số người dân. Còn ở đây, việc phân lô, bán nền chỉ phục vụ lợi ích cho các chủ đầu tư và giới đầu cơ.

Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai: DN chỉ được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án được xét duyệt. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở có dự án thành phần, thì được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi đã hoàn thành việc đầu tư theo dự án thành phần của dự án đầu tư được xét duyệt. Không cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức bán nền mà chưa xây dựng nhà ở (Khoản 1, 2 và 3, Điều 100, Chương X).

GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT: Trên thực tế, đề xuất xóa bỏ chia lô, bán nền không mới và đáng lẽ nó phải khả thi từ lâu. Nhưng bởi có sự móc ngoặc giữa chính quyền địa phương và các DN vi phạm pháp luật, nên tình trạng này vẫn xảy ra. Dẫn đến hình thành các khu đô thị hoang hóa, manh mún, mất mỹ quan.

PGS.TS Hoàng Văn Cường - Viện trưởng Viện Đào tạo sau Đại học, Đại học Kinh tế Quốc: Cấm phân lô bán nền là hoàn toàn chính xác bởi đây thực chất không phải là bán BĐS mà là bán sản phẩm hình thành trong tương lai. Nó không khác biệt lắm so với bán nhà trên giấy. Nếu vẫn chấp nhận tình trạng phân lô bán nền sẽ kích thích rất nhiều người chỉ ngồi găm đất chờ lên giá để bán, tạo ra sự khan hiếm giả tạo. Với các nước, hoạt động đầu cơ này bị đánh thuế rất mạnh trên phần tăng thêm, để người đầu cơ không thể thu lợi gì. Đề xuất cấm phân lô bán nền, cấm bán nhà hình thành trong tương lai là buộc các nhà đầu tư BĐS về đúng với vị trí của một nhà đầu tư phát triển tạo lập nên công trình BĐS, khi công trình có thể đưa vào sử dụng mới được bán như một hàng hóa. Như thế, nhà kinh doanh phải đầu tư dự án hoàn chỉnh chứ không làm mỗi việc xin dự án xong là đã bán.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng